Khẩn trương xây dựng cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu giám sát quyền lực của các cơ quan chức năng phải được tăng cường để thực thi đúng trách nhiệm, chống tiêu cực nhũng nhiễu, chống lạm quyền.
Khẩn trương xây dựng cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng ảnh 1Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ngày 29/1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì hội nghị.

Giảm 3,02% số vụ phạm pháp hình sự

Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, năm 2017, các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương đã quan tâm triển khai quyết liệt các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Ban Chỉ đạo 138/CP; tham mưu cho lãnh đạo các cấp ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật mang tính chiến lược về công tác phòng chống tội phạm; phòng, chống mua bán người trong thời gian tới. Kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên về tội phạm và trật tự xã hội, góp phần kéo giảm 3,02% số vụ phạm pháp hình sự. Hầu hết các vụ án đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ. Đặc biệt đã khởi tổ, điều tra đưa ra xét xử một sổ vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng.

Trong năm, lực lượng chức năng đã điều tra, khám phá 42.577 vụ phạm pháp hình sự; bắt, xử lý 83.475 đối tượng (đạt 80,41%); phát hiện 17.159 vụ phạm tội về kinh tế; 944 vụ, việc phạm tội sử dụng công nghệ cao; trên 19.400 vụ vi phạm pháp luật về môi trường; 21.471 vụ phạm tội về ma túy; điều tra, khám phá 324 vụ mua bán người, bắt 425 đối tượng, tiếp nhận và giải cứu 517 nạn nhân.

Viện kiểm sát nhân dân các cấp thực hiện quyền công tố, kiểm sát điều tra hơn 86.000 vụ, trên 121.000 bị can; kiểm sát trong giai đoạn truy tố trên 60.000 vụ, với trên 10.000 bị can; đã giải quyết, xử lý trên 59.000 vụ, trên 99.000 bị can, đạt 99,23% số vụ. Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 61.000 vụ với trên 102.000 bị cáo; đã giải quyết, xét xử hơn 60.000 vụ với trên 100.000 bị cáo (đạt 98,3% số vụ, 97,3% số bị cáo).

Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ Trung ương đến cơ sở đã được các bộ, ngành quan tâm, thực hiện. Theo số liệu sơ bộ, năm 2017, các cơ quan chức năng đã phát hiện 225.837 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt 23.101,6 tỷ đồng, khởi tố 1.637 vụ, 2.118 đối tượng.

Đáng chú ý, trên tuyến biên giới địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa có dấu hiệu giảm, nhiều mặt hàng trước đây thường vận chuyển trái phép qua biên giới, nay cơ bản đã được mở tờ khai nhập khẩu như: quần áo, hàng tiêu dùng... Tuyến biên giới Tây Nam bộ, tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn còn phức tạp, gia tăng cả về quy mô, số lượng, phương thức hoạt động. Trước đây, các đối tượng còn dè chừng vận chuyển với số lượng ít, chủ yếu bằng phương tiện xe gắn máy, nay tình trạng vận chuyển bằng xe ô tô khách, xe tải, ghe tầu với số lượng lớn từ 10.000-40.000 bao thường xuyên xảy ra.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, trên tuyến biển nổi lên tình trạng buôn lậu xăng dầu, nhiều vụ việc lớn đã được phát hiện. Các chủ đầu nậu người Việt Nam thường sử dụng thủ đoạn giao dịch với chủ đầu nậu người nước ngoài, hẹn giao hàng cách bờ từ 50-100 hải lý và chuẩn bị sẵn hồ sơ cho lô hàng nếu bị cơ quan chức năng phát hiện. Có trường hợp tàu mang quốc tịch nước ngoài nhưng thuê thủy thủ người Việt Nam chở, bán dầu cho ngư dân Việt Nam. Ngư dân cải hoán tàu cá, ra biển mua dầu bán lại cho ngư dân ngay trên biển hoặc bán cho các đại lý trong bờ kiếm lời. Các đối tượng thường sử dụng hóa đơn quay vòng. Việc xác định chủ đầu nậu và chứng minh yếu tố buôn lậu gốc là rất khó khăn, các đối tượng sử dụng sim rác để giao dịch.

Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, biên giới Việt - Trung là địa bàn trọng điểm buôn bán ma túy tổng hợp và ma túy tinh chất, tập trung các hoạt động gian lận thương mại với các hàng hóa như: thuốc bắc, pháo nổ, tiền giả… Trên tuyến biên giới Việt-Lào, trọng điểm là buôn bán ma túy, chủ yếu từ Tam giác vàng, trung chuyển qua Việt Nam để đi các nước khác. Tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia diễn biến phức tạp cả về buôn bán ma túy giữa hai bên và buôn lậu thuốc tân dược, đường cát, vận chuyển gỗ trái phép. Bộ đội Biên phòng đã phát hiện 1.100 vụ, 1.479 đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy, thu trên 2 tấn ma túy các loại.

Khẩn trương xây dựng cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng ảnh 2Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Cần có cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực thật hiệu quả

Biểu dương các thành tích hai Ban Chỉ đạo đã đạt được trong năm 2017, song, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng chỉ ra những mặt hạn chế như công tác nắm và dự báo tình hình trong một số trường hợp còn bị động, chưa kịp thời, chưa sát với thực tiễn, còn để xảy ra những điểm nóng. Còn xảy ra các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm núp bóng doanh nghiệp, gần đây nổi lên tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để đánh bạc xuyên quốc gia với giá trị rất lớn.

Phó Thủ tướng cho biết, vừa qua, Công an tỉnh Phú Thọ đã phá vụ án đánh bạc xuyên quốc gia, qua khám xét thu được trên 1.000 tỷ đồng, niêm phong, kiểm kê 12 xe ôtô, 20 căn nhà, quy mô đánh bạc sơ bộ trên 5.000 tỷ đồng và số ngoại tệ chuyển ra nước ngoài bước đầu thống kê được là 3,6 triệu USD.

“Tổ chức đánh bạc rất lớn và không phải chỉ một tổ chức, còn nhiều tổ chức, cho thấy hàng năm số lượng ngoại tệ qua đánh bạc chảy ra nước ngoài một ngày một vài triệu đô,” Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói.

Chỉ ra nguyên nhân, hạn chế của các tồn tại, Phó Thủ tướng yêu cầu giám sát quyền lực của các cơ quan chức năng phải được tăng cường để thực thi đúng trách nhiệm, chống tiêu cực nhũng nhiễu, chống lạm quyền, chống các hành vi cản trở đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp nhưng đồng thời cũng chống cấu kết lợi ích nhóm.

“Cần có cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực thật hiệu quả. Chính phủ phải tăng cường chức năng của thanh tra, kiểm tra của các bộ, ngành và tự kiểm tra,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cho biết, tới đây, Ban Chỉ đạo sẽ thành lập Tổ kiểm tra, giám sát, kể cả giám sát bí mật, kiểm tra đột xuất để phát hiện việc không thực thi đúng trách nhiệm, không phát huy được chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, lơ là, thiếu trách nhiệm trong công tác, cấu kết với tội phạm, bao che để tội phạm hoạt động.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt những quy định của pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Kiên quyết không cho phép có “vùng cấm” trong công tác này, đặc biệt là đối với công tác phòng, chống tham những phải kiên quyết, kiên trì, khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng, kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa và chủ động phát hiện tội phạm.

Phải phòng chống tội phạm trong chính cơ quan phòng, chống tội phạm; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả ngay trong chính các cơ quan có chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để khắc phục sơ hở, bất cập trong công tác quản lý nhà nước; tổ chức nắm, phân tích, dự báo sát tình hình thế giới, khu vực, trong nước, không để xảy ra bị động, bất ngờ; kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam. Trước mắt, các bộ, ngành tiếp tục tập trung mọi nỗ lực, thực hiện tốt đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh các bộ, ngành nâng cao hiệu quả phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, các băng nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm hoạt động núp bóng doanh nghiệp, buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, tội phạm bạo hành, xâm hại trẻ em, chống người thi hành công vụ, tội phạm có yếu tố nước ngoài, nhất là tội phạm khủng bố, ma túy, mua bán người, rửa tiền, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm kinh tế, tham nhũng. Bộ, ngành liên quan có biện pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài; xác lập các chuyên án lớn về chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm ma túy, tội phạm buôn lậu các mặt hàng xăng đầu, khoáng sản, thuốc lá, đường cát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục