Xét xử vụ án chạy thận tại Hòa Bình: Bước sang phần tranh tụng

Bị cáo Trương Quý Dương cho rằng đây là vụ việc hi hữu không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, đã hi hữu thì rất đặc biệt mà đưa luật thông dụng vào xử một vụ án hi hữu có lẽ chưa thỏa đáng.
Xét xử vụ án chạy thận tại Hòa Bình: Bước sang phần tranh tụng ảnh 1Ngày làm việc thứ 7 phiên tòa xét xử vụ sự cố y khoa tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: Vũ Thị Hà/TTXVN)

Ngày 22/1, Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm đối với 7 bị cáo liên quan đến tội “Vô ý làm chết người” và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" trong sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào ngày 29/5/2017 tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình làm 9 bệnh nhân tử vong.

Trong ngày đầu tiên tại phần tranh tụng, các luật sư và cơ quan tố tụng làm rõ trách nhiệm của các bị cáo Trương Quý Dương, Hoàng Đình Khiếu, Trần Văn Thắng, bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.”

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình, bị cáo Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, với vai trò là người đứng đầu bệnh viện đã không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao, buông lỏng trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, thiếu kiểm tra thường xuyên đối với cấp dưới, để cho cấp dưới có những vi phạm nghiêm trọng trong thời gian dài. Bị cáo Dương bị đề nghị mức án từ 30-36 tháng tù giam.

Tại tòa, luật sư Đỗ Quốc Quyền (bào chữa cho bị cáo Trương Quý Dương) cho rằng, Viện Kiểm sát buộc tội bị cáo Dương về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" là chưa đủ căn cứ.

Bị cáo Dương với vai trò, trách nhiệm người đứng đầu Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã làm đúng, làm đủ, làm có trách nhiệm; đối với việc xây dựng và ban hành các quy định về vận hành, bảo quản kỹ thuật sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống nước RO, bệnh viện không thể xây dựng được vì chưa được hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, luật sư Huỳnh Phương Nam (bào chữa cho bị cáo Dương) nêu ra việc Viện Kiểm sát không bổ sung ý kiến của các chuyên gia đầu ngành về lọc máu trong phần luận tội của bị cáo Dương là thiếu sót.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hòa Bình đối đáp lại, trong quá trình Viện Kiểm sát luận tội không bổ sung ý kiến chuyên gia vì những luận chứng này không có lợi cũng không bất lợi đối với bị cáo Dương, không cần thiết phải đưa vào bản luận tội.

Đối với nội dung thành lập đơn nguyên lọc máu được cho là sai quy định, Viện Kiểm sát xác nhận một lần nữa không cáo buộc nội dung này. Dựa trên điều kiện thực tế nhu cầu cần được chạy thận ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình rất lớn, nên việc thành lập đơn nguyên lọc máu là cần thiết.

Qua đó, Viện Kiểm sát cáo buộc bị cáo Dương với trách nhiệm người đứng đầu đã không bố trí kỹ sư, kỹ thuật viên và không phân công ai làm nhiệm vụ của kỹ sư, kỹ thuật viên. Trong suốt quá trình xét hỏi, không xác nhận có điều dưỡng viên hay người nào được phân công làm nhiệm vụ này.

[Vụ án chạy thận: Ý kiến gia đình nạn nhân, người có nghĩa vụ liên quan]

Bị cáo Trương Quý Dương trả lời tại tòa, về cơ bản đồng ý với ý kiến của 2 luật sư bào chữa; đồng thời nhận có trách nhiệm trong sự cố y khoa, các nội dung mà Viện Kiểm sát luận tội và nêu ra các cơ sở luận tội là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, bị cáo Dương cho rằng đây là vụ việc hi hữu không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, đã hi hữu thì rất đặc biệt mà đưa luật thông dụng vào xử một vụ án hi hữu có lẽ chưa thỏa đáng.

Đối với bị cáo Hoàng Đình Khiếu là Phó Giám đốc phụ trách 13 khoa, phòng, trong đó có Phòng Vật tư thiết bị y tế và kiêm Trưởng phòng khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Với vai trò và nhiệm vụ được giao, bị cáo là người chịu trách nhiệm về chất lượng nước sử dụng trong lọc máu, nhưng đã buông lỏng trong công tác quản lý, thiếu kiểm tra đôn đốc, giám sát đối với cấp dưới để xảy ra tình trạng một thời gian dài tại đơn nguyên lọc máu sau khi sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO, tùy tiện đưa luôn vào sử dụng khi chưa có kết quả xét nghiệm chất lượng nước, chưa nghiệm thu đưa vào sử dụng. Bị cáo Khiếu bị đề nghị mức án từ 36-42 tháng tù giam.

Luật sư Bùi Việt Anh (bào chữa cho bị cáo Hoàng Đình Khiếu) cho rằng, Viện Kiểm sát chỉ dựa vào tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, không đánh giá khách quan. Bị cáo Khiếu là Trưởng khoa Hồi sức tích cực, phụ trách đơn nguyên hồi sức tích cực.

Trách nhiệm đảm bảo nguồn nước là thuộc về Trưởng khoa Lọc máu, nhưng dựa trên pháp lý thì Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình không có Khoa Lọc máu. Do không có Khoa Lọc máu mà quy trách nhiệm với Trưởng khoa Hồi sức tích cực thì không hợp lý.

Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình không có khoa lọc máu thì người được giao phụ trách đơn nguyên phải có trách nhiệm.

Còn bị cáo Trần Văn Thắng, Trưởng phòng Vật tư thiết bị y tế, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm được giao, đã buông lỏng, không sâu sát trong công tác quản lý, thiếu kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở cấp dưới trong một thời gian dài, không làm hết trách nhiệm trong việc tham mưu, đề xuất với Giám đốc Bệnh viện ban hành văn bản quy định cụ thể đối với việc quản lý, sửa chữa, sử dụng các thiết bị y tế nói chung và hệ thông RO nói riêng. Bị cáo Thắng bị đề nghị mức án từ 36-42 tháng tù giam.

Luật sư Lê Hồng Xiêm bào chữa cho bị cáo Thắng cho rằng, Viện Kiểm sát chỉ quy kết bị cáo Thắng là người đã không thực hiện kiểm tra, giám sát công việc là hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Cáo buộc này đối với bị cáo Thắng, không thỏa đáng và khách quan.

Ngày mai (23/1), phiên tòa tiếp tục phần tranh tụng đối với các bị cáo khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục