Ngày 18/1, Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình (Hòa Bình) tiếp tục bước vào ngày làm việc thứ 5 xét xử sơ thẩm đối với bảy bị cáo liên quan đến tội “Vô ý làm chết người” và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" trong sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào ngày 29/5/2017 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình làm chín bệnh nhân tử vong.
Trong hai ngày (17-18/1), phiên tòa dành chủ yếu thời gian để hỏi gia đình các nạn nhân tử vong, bị thương về yêu cầu đền bù, khoản đền bù và chi tiết số tiền hỗ trợ đến bù.
Tại phiên tòa, nạn nhân Lê Văn Tiến là người còn sống trong sự cố y khoa tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết sau khi sự cố xảy ra (ngày 29/5/2017), ông đã xin và được điều dưỡng cho về nhà. Đến 12 giờ cùng ngày, ông nhận được điện thoại yêu cầu quay lại Bệnh viện.
Sau đó, ông Tiến được đưa xuống bệnh viện Bạch Mai lọc máu liên tục trong 10 ngày. Khi Hội đồng xét xử hỏi về mức yêu cầu bồi thường, ông Tiến chỉ yêu cầu bồi thường theo pháp luật ngoài ra không yêu cầu bồi thường gì.
[Bác sỹ Hoàng Công Lương nhập viện do hoảng loạn, sốc tâm lý]
Đại diện cho gia đình nạn nhân Bùi Văn Phơi yêu cầu Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình bồi thường tổng số tiền hơn 406 triệu đồng gồm có tổn thất về tinh thần 100 tháng lương cơ bản, các chi phí đám tang 128 triệu đồng, nơi mai táng hơn 148 triệu đồng.
Còn đại diện gia đình nạn nhân Nguyễn Thị Minh cũng yêu cầu bồi thường hơn 401 triệu đồng gồm chi phí tang lễ, mai táng và tổn thất tinh thần.
Bà Bùi Thị Nga (vợ nạn nhân Bùi Văn Chính) và ông Tính (bố đẻ nạn nhân Đinh Thị Thu Hằng) ngoài yêu bồi thường phí mai táng, tổn thất tinh thần và tiền cấp dưỡng cho con nạn nhân Hằng sinh năm 2003 cũng bày tỏ quan điểm cho rằng trong vụ án này bị cáo Lương là người không có tội và xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Sơn và Quốc.
Bà Vũ Ngọc Thực (nguyên Trưởng phòng Tài chính Kế toán Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) là người có nghĩa vụ liên quan cho biết việc soạn thảo văn bản 315 và hợp đồng do nhân viên Cấn Thị Thoa thực hiện và chuyển cho bà Thực. Để soạn thảo biên bản hợp đồng phải tuân thủ quy trình đấu thầu, bà Thực trực tiếp nhận hồ sơ và tổ chức gói thầu sửa chữa RO số 2 từ bị cáo Sơn gồm có giấy đề nghị sửa chữa hệ thống RO2 (trong đó điều dưỡng và Trưởng khoa ký), biên bản làm việc Đơn nguyên thận nhân tạo với phòng Vật tư. Việc sửa chữa có 10 khoản hơn 99 triệu đồng và nội dung phù hợp với bản sự toán đề nghị. Trong đó có duyệt của lãnh đạo là ông Trương Quý Dương.
Bác sỹ Hoàng Công Tình là người có nghĩa vụ liên quan trong vụ án cho biết việc dẫn nước qua màng lọc ở trong khoa rất dài nếu dừng là bị đóng mảng bám nên phải chạy liên tục. Nước RO dùng cho máy chạy thận còn được cung cấp để rửa quả lọc thận, rửa máy và test máy thận, trộn dung dịch đậm đặc để lọc máu cho bệnh nhân. Trong ngành y tế, nước RO như một chỉ định trong phác đồ, việc này được thể hiện ở kỹ thuật chạy thận nhân tạo.
Tại phiên tòa 18/1, bác sỹ Hoàng Công Tình giải thích thêm theo Luật Khám chữa bệnh, bác sỹ được cấp chứng chỉ hành nghề, học về điều trị nội khoa là được ra y lệnh mà không cần điều kiện nào khác.
Trả lời các câu hỏi của luật sư tại phiên tòa, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Hữu Dũng cho biết: "Việc kiểm tra hóa chất tồn dư, chúng tôi quy định mặc định người sửa chữa RO phải chịu trách nhiệm về nguồn nước phải đảm bảo chất lượng nước. Nếu người sửa chữa xác nhận, chúng tôi chưa sửa chữa xong sẽ bắt buộc phải dừng chạy thận. Khi đã có thông số xác nhận sửa chữa xong sẽ không cần phải xét nghiệm chất lượng nước và bác sỹ hoàn toàn có thể ra y lệnh chạy thận."
Có mặt tại phiên tòa 18/1, giáo sư Nguyễn Gia Bình, chuyên gia hàng đầu về hồi sức cấp cứu-chống độc đã khẳng định với Hội đồng xét xử, khi xảy ra sự cố y khoa ngày 28/5/2017 tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, các bác sỹ cấp cứu theo hướng phản vệ là hoàn toàn đúng. Vì sau khi xử lý theo hướng phản vệ, các bác sỹ sẽ tìm được nguyên nhân để cứu bệnh nhân.
Ngày 19/1, phiên tòa vẫn tiếp tục hỏi một số nhân chứng và người có nghĩa vụ liên quan./.