Ngày 7/10, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB) với phần tranh luận của luật sư bào chữa cho các bị cáo.
Trong phần tự bào chữa, các bị cáo cũng đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Theo cáo trạng, bị cáo Trương Huệ Vân (cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cựu Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor, cháu gái bị cáo Trương Mỹ Lan) đã giúp Trương Mỹ Lan phát hành 2 mã trái phiếu của Công ty An Đông, chiếm đoạt số tiền hơn 13.000 tỷ đồng của 20.623 bị hại.
Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt Trương Huệ Vân 6-7 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”
Bào chữa cho bị cáo Trương Huệ Vân, luật sư Chu Thị Trang Vân không tranh luận về tội danh; nhưng về hình phạt, theo luật sư mức án mà đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị đối với bị cáo Vân là quá nặng nên mong tòa xem xét giảm nhẹ cho bị cáo.
Luật sư Chu Thị Trang Vân chỉ ra rằng, tại thời điểm xảy ra vụ án trái phiếu vào các năm 2018-2019, bị cáo Trương Huệ Vân là người đại diện pháp luật của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Vì vậy, từ góc nhìn của cơ quan điều tra, vai trò của bị được xem là rất quan trọng. Tuy nhiên, theo luật sư thực tế Trương Huệ Vân có vai trò hạn chế trong vụ án, bị phụ thuộc rất nhiều vào bị cáo Trương Mỹ Lan.
Theo đó, tại thời điểm xảy ra vụ án, Trương Huệ Vân không ý thức được bản chất sự việc cho đến khi làm việc với cơ quan điều tra. Một số hợp đồng bị cáo Vân ký là do thư ký của bị cáo thúc giục ký nhanh.
Trong khi đó, trên các hợp đồng này đã có chữ ký của các phó giám đốc phụ trách hành chính - là những người mà Vân tin tưởng sẽ bảo đảm mọi việc được thực hiện đúng quy trình.
Cũng theo luật sư, Vân cũng không “có ý thức, ý niệm gì” về việc “chạy dòng tiền,” không hiểu tại sao bản thân bị buộc tội lừa đảo với số tiền lớn như vậy.
Từ những quan điểm bào chữa của mình, luật sư Chu Thị Trang Vân đề nghị Hội đồng Xét xử xem xét vai trò của bị cáo Vân là đồng phạm thụ động, hạn chế và không tuyên buộc trách nhiệm dân sự đối với Vân.
Tự bào chữa, bị cáo Trương Huệ Vân bày tỏ sự hối hận về “những chữ ký vội vàng” của mình trong việc phát hành gói trái phiếu Công ty An Đông. Từ những chữ ký đó khiến bản thân Vân cùng gần 100 bị cáo bị bắt, dẫn tới hậu quả hàng chục nghìn người bị hại trong vụ án.
Vân cho biết bị cáo không ngờ hậu quả của vụ án lại “quá kinh khủng” như vậy và xin Hội đồng Xét xử xem xét các tình tiết trong vụ án và mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật.
Bị cáo Ngô Thanh Nhã (cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty An Đông, em dâu Trương Mỹ Lan) bị cáo buộc đã thực hiện chỉ đạo của Trương Mỹ Lan để ký toàn bộ hồ sơ, tài liệu hợp thức việc phát hành trái phiếu của Công ty An Đông, từ đó tạo lập 2 mã trái phiếu phát hành vào năm 2018, chiếm đoạt gần 25.000 tỷ đồng của 30.738 bị hại. Với hành vi này, Ngô Thanh Nhã bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án 7-8 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”
Bào chữa cho bị cáo Ngô Thanh Nhã, luật sư Bùi Phương Lan lập luận rằng bị cáo Nhã phạm tội do bị phụ thuộc và quá tin tưởng vào chị dâu là Trương Mỹ Lan. Bị cáo Nhã chưa học hết cấp 3, không được đào tạo về nhân sự, tài chính.
Tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị cáo Nhã chỉ thực hiện các công việc liên quan đến hậu cần, lương, thưởng, từ thiện, quản lý nhà hàng, khách sạn thuộc tập đoàn. Mọi hoạt động nhân sự, tài chính của các công ty trực thuộc đều do Trương Mỹ Lan chỉ đạo, điều hành.
Theo Luật sư Bùi Phương Lan, bị cáo Ngô Thanh Nhã trong quá trình điều tra và xét hỏi tại tòa đã thừa nhận hành vi phạm tội và nỗ lực khắc phục hậu quả, trả lại tiền cho các bị hại.
Ngoài ra, sức khỏe của bị cáo Nhã hiện rất yếu; trong quá trình bị tạm giam liên tục phải nhập viện cấp cứu. Bên cạnh đó, bị cáo Nhã có nhiều tình tiết giảm nhẹ như có nhân thân tốt, có thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, thành khẩn khai báo...
Qua đó, luật sư Lan mong Hội đồng Xét xử xem xét cho bị cáo Nhã được hưởng mức án nhẹ nhất vì mức án đề nghị quá nghiêm khắc.
Tự bào chữa, bị cáo Ngô Thanh Nhã cho biết, trong quá trình làm việc tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngoài các công ty Nhã được giao tham gia quản lý thì các công ty còn lại thành lập để làm gì bị cáo không rõ.
Việc thành lập, quản lý và sử dụng các Công ty của Tập đoàn đều do Văn phòng Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thực hiện theo chủ trương của bị cáo Trương Mỹ Lan.
Nhã xin Hội đồng Xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt để bị cáo có cơ hội sớm trở về làm lại cuộc đời, chăm sóc mẹ già.
Đối với bị cáo Chu Lập Cơ (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Times Square, chồng của Trương Mỹ Lan) bị cáo buộc đã giúp Trương Mỹ Lan “rửa” 33 tỷ đồng, với mức án đề nghị từ 24-30 tháng tù cho tội danh “Rửa tiền”.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Chu Lập Cơ cho rằng, bị cáo Cơ thường xuyên di chuyển quốc tế nên việc sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán cho các khoản chi tiêu là rất bình thường. Tuy nhiên, luật sư lập luận, Chu Lập Cơ chỉ tiêu tiền tạm ứng trước trong các thẻ tín dụng, không hề biết nguồn tiền mà bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo người khác nộp vào để tất toán.
Bên cạnh đó, luật sư cũng trình bày các tình tiết giảm nhẹ cho Chu Lập Cơ như bị cáo thành khẩn khai báo, trong quá trình công tác có nhiều đóng góp cho xã hội, đã nộp lại một phần tiền để khắc phục hậu quả, tuổi đã cao... Từ đó, luật sư đề nghị Hội đồng Xét xử tuyên miễn hình phạt đối với bị cáo Chu Lập Cơ.
Tự bào chữa tại tòa, Chu Lập Cơ bày tỏ sự hối lỗi trước hành vi phạm tội và cho biết bản thân bị cáo tự nguyện chấp hành các quyết định của tòa, đồng thời bị cáo cũng đã nộp lại tiền để khắc phục hậu quả. Chu Lập Cơ nói, hiện bản thân tuổi đã cao, xin được hưởng mức án nhẹ để sớm trở về đồng hành cùng vợ bồi thường cho những người bị hại trong vụ án.
Bị cáo Trương Khánh Hoàng, cựu quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB bị cáo buộc thực hiện theo chủ trương của Trương Mỹ Lan chọn Công ty Setra phát hành trái phiếu, chiếm đoạt số tiền 2.000 tỷ đồng của 2.431 bị hại.
Bị cáo Hoàng còn giúp sức cho Trương Mỹ Lan vận chuyển trái phép 2,8 tỷ USD và che giấu nguồn gốc 104 ngàn tỷ đồng từ hành vi tham ô tài sản tại Ngân hàng SCB. Trương Khánh Hoàng bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án 24-27 năm tù về 3 tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.”
Bào chữa cho bị cáo Trương Khánh Hoàng, luật sư cho rằng bị cáo Hoàng không tham gia soạn thảo các hợp đồng “khống” giữa công ty Việt Nam và công ty nước ngoài để thực hiện việc chuyển tiền.
Những hợp đồng này được các bị cáo Nguyễn Phương Anh (cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty SPG) và Chiu Bing Keung Kenneth (cựu luật sư, được Trương Mỹ Lan giao quản lý các công ty nước ngoài) lập.
Bên cạnh đó, Trương Khánh Hoàng cũng không tham gia xây dựng cơ chế vận hành, phân phối trái phiếu do thời điểm Hoàng giữ chức quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB, bị cáo chưa được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về trái phiếu.
Luật sư đề nghị Hội đồng Xét xử xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Trương Khánh Hoàng như: thành khẩn khai báo, tự nguyện khắc phục hậu quả, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, làm công ăn lương không hưởng lợi, gia đình có công với cách mạng… Từ đó, cân nhắc cho bị cáo Hoàng hưởng mức án thấp nhất./.
Vụ Vạn Thịnh Phát: Có 8 nguồn chính và 3 nguồn phụ để khắc phục hậu quả vụ án
Theo luật sư Thanh, nếu không vướng vào vụ án này bị cáo sẽ trả đầy đủ gốc, lãi cho các trái chủ bởi rất nhiều người là họ hàng của mình và là cán bộ, nhân viên thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.