Xu hướng 2021: Liệu người dân có chọn du lịch ảo để tránh COVID-19?

COVID-19 khiến mọi thói quen của du khách toàn cầu đều phải thay đổi để thích nghi. Xê dịch thế nào đây để vừa được thỏa mãn thú vi vu mà vẫn an toàn cho mình và gia đình trong năm 2021?
Du lịch gần và đi theo nhóm nhỏ là xu hướng của người dân Việt Nam trong nưm 2021. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đến thời điểm này, thật khó để xây dựng được kịch bản nào về thời điểm phục hồi dành cho ngành công nghiệp không khói bởi những diễn biến phức tạp và khó lường của virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu.

Vì thế trước mắt, năm 2021, thị trường nội địa vẫn là giải pháp của du lịch Việt Nam với xu hướng du lịch cộng đồng, sih thái theo nhóm nhỏ, hướng tới những trải nghiệm an toàn, trách nhiệm và bền vững. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới buộc phải mở ra nhiều hình thức du lịch mới lạ để “tìm đường” cho “kinh tế xanh.”

Mọi thói quen đều thay đổi

Các chuyên gia từ Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) dự đoán, năm 2021 du lịch nội địa tiếp tục và gần nhà sẽ xu hướng nổi bật (chiếm trên 90%) của ngành công nghiệp không khói toàn cầu (trừ một số quốc gia, du lịch nội địa vẫn bị gián đoạn do lệnh giãn cách xã hội trong nước vì dịch bệnh). Theo đó, nhu cầu về các hoạt động ngoài trời, gần gũi với thiên thiên (chiếm 60%), du lịch nông thôn và đi theo nhóm nhỏ hoặc gia đình… sẽ được đẩy mạnh.

[Giải pháp nào giúp doanh nghiệp lữ hành Việt 'vượt khó' năm 2021?]

Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh và quy định hạn chế đi lại ở nhiều quốc gia, mối quan tâm chính của du khách trong năm 2021 vẫn là các biện pháp đảm bảo sức khỏe và an toàn (chiếm gần 70%); đặt chương trình du lịch vào phút chót (last-minute bookings) sẽ tiếp tục là hành vi phổ biến của người dân (chiếm hơn 40%)…

Còn ở Việt Nam, Giám đốc khu vực của Booking.com, ông Anthony Lu chia sẻ: “Khảo sát của nền tảng du lịch trực tuyến Booking.com mới đây cho thấy, 71% người Việt sẽ xem những dịp du lịch sau này là cơ hội để kết nối lại với những người thân yêu; 67% muốn có nhiều kỳ nghỉ ngắn ngày hơn; 43% muốn có một chuyến ‘đi trốn’ thư giãn tại chỗ hơn chuyến đi xa xỉ; 53% muốn thưởng thức ẩm thực địa phương khi đi du lịch.”

Những hoạt động gần gũi với thiên nhiên được yêu thích. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Quả thực, suốt năm 2020, hầu hết người dân đã có khoảng thời gian dài phải sống xa cách, nên 49% du khách được khảo sát tiết lộ, trò chuyện cùng gia đình và bạn bè về du lịch là một trong những nguồn cảm hứng chính cho việc họ du lịch trở lại.

Khi kế hoạch du lịch của hầu hết mọi người phải hoãn lại đột ngột, 57% du khách Việt Nam quả quyết sẽ không xem nhẹ cơ hội được đi đây đi đó trong tương lai; 38% tiết lộ ưu tiên kỳ nghỉ cuối tuần cho chuyến đi đầu tiên sau khi các hạn chế được dỡ bỏ. Tuy nhiên, chỉ 10% có kế hoạch thực hiện một chuyến đi xa xỉ do lo ngại bị gián đoạn.

Đặc biệt, khám phá ẩm thực được 53% du khách Việt đặt lên hàng đầu và 45% muốn ăn ngoài thường xuyên hơn với số tiền tiết kiệm được từ việc không đi du lịch nước ngoài. Bên cạnh đó, xu hướng du lịch một mình có thể sẽ tăng mạnh khi có tới 29% du khách Việt trả lời sẽ lên kế hoạch du lịch một mình trong tương lai...

Theo ông Anthony Lu, tác động của COVID-19 đã và sẽ tiếp tục thay đổi xu hướng du lịch của con người. Nhưng năm 2021, du khách Việt Nam vẫn lạc quan về những điều tốt đẹp trong năm mới. Kết quả nghiên cứu khẳng định, du lịch là một phần quan trọng trong cuộc sống, nên ngay khi có điều kiện tốt và an toàn cho phép, khách du lịch sẽ tự tin lên đường trở lại.

Du lịch ảo thời 4.0

Xê dịch để khám phá những vùng đất mới là nhu cầu tất yếu của hầu hết mọi người, tuy nhiên vì COVID-19 mà tạm thời người dân phải “né vivu” để đảm bảo an toàn. Nắm bắt tâm lý này, nhiều công ty du lịch trong khu vực ASEAN tỏ ra nhanh nhạy khi đổi mới hình thức kinh doanh bằng các tour du lịch ảo.

Du lịch trải nghiệm ở vùng cao được giới trẻ ưa chuộng. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Điểm đặc biệt và thú vị là những chuyến du lịch ảo này được cá nhân hóa hơn, du khách có thể đặt câu hỏi và tương tác. Với tour du lịch ảo đến thành phố cổ Bagan của công ty du lịch Exploration Travel (Myanmar) vừa giới thiệu, các nhóm khách có thể đặt một chuyến tham quan riêng kéo dài 45 phút, được hướng dẫn viên đưa đi “du lịch” qua ứng dụng Zoom (giá 50 USD cho một nhóm 10 người).

Theo đó, sau khi được trang bị máy móc, hướng dẫn viên vừa đi quanh các điểm tham quan nổi tiếng bằng xe đạp điện, vừa giới thiệu về lịch sử, văn hóa tại các ngôi đền như Ananda, Dhammayangyi và trả lời câu hỏi của người xem.

Giám đốc điều hành Exploration Travel, Edwin Briels cho rằng mặc dù du lịch ảo là cách tốt nhất để mang đến cảm giác được ra khỏi cho du khách, nhưng chắc chắn chuyến đi sẽ không giống như tham quan thực tế ở Bagan.

Nó chỉ là giải pháp tạm thời trong bối cảnh dịch bệnh người dân không thể đi lại bình thường và dành cho những khách hàng không thể du lịch do sức khỏe, hay hạn chế tài chính hoặc đến thăm các khu vực bị hạn chế đối với du khách nước ngoài, chẳng hạn như các ngôi đền Mrauk U ở bang Bắc Rakhine.

Về với bản làng. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Nhiều nước khác cũng đang áp dụng các tour du lịch ảo, như ở Indonesia, chỉ với 2 USD, du khách có thể tham gia tour du lịch ảo qua Zoom để khám phá các di tích lịch sử trong thành phố Semarang hay quần thể đền Candi cổ kính; thậm chí, du lịch ảo dưới biển, khám phá thế giới dưới nước tại đảo Komodo.

Đây cũng là những gợi ý hữu ích cho các đơn vị đang khai thác dịch vụ du lịch ở Việt Nam trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ với công nghệ số và vượt “bão COVID-19”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục