Theo trang tin 47news.jp ngày 8/2, Chính phủ Nhật Bản đang cố gắng cụ thể hóa chiến lược an ninh kinh tế tương ứng với quan điểm của Chính quyền mới ở Mỹ.
Hưởng ứng lời kêu gọi kết hợp giữa quân sự và dân sự, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng đang tiến tới thành lập một "Liên minh công nghệ" nhằm đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc, nước được nhìn nhận là đang tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia bằng cách tăng cường hàm lượng công nghệ đối với các thiết bị quân sự.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc luôn sẵn sàng các biện pháp trả đũa nhằm phá vỡ thế bao vây này cũng đặt các doanh nghiệp công nghệ của Nhật Bản vào tình huống khó xử trong chuỗi cung ứng toàn cầu (mạng lưới cung cấp và điều phối linh kiện).
Một quan chức của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản từng nhận định: “Trong tương lai, mọi chính sách kinh tế đều sẽ liên quan đến vấn đề an ninh," đồng thời dự báo cuộc chiến giành quyền bá chủ về công nghệ giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc sẽ không giảm nhiệt dưới thời Chính quyền ông Biden, và Nhật Bản sẽ được yêu cầu thể hiện rõ hơn vai trò đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến này.
Tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken từng phát biểu gay gắt về Trung Quốc tại cuộc điều trần trước Thượng viện Mỹ trước khi nhậm chức, cho rằng Trung Quốc là “kẻ độc tài về công nghệ” và luôn giữ “lập trường cứng rắn."
[Những smartphone 5G đáng chú ý tại thị trường Việt năm 2021]
Trong khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan chỉ ra rằng: “Nước nào dẫn đầu về các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI) và máy tính lượng tử, nước đó sẽ quyết định chiều hướng cuộc chiến," nhấn mạnh hợp tác chặt chẽ với các nước đồng minh sẽ là điều kiện cần thiết để Mỹ luôn dẫn đầu.
Tháng 12/2020, bộ phận chiến lược xây dựng trật tự quốc tế mới của Ủy ban Điều tra chính sách, đảng Dân chủ Tự do (LDP) đã kiến nghị lên Chính phủ Nhật Bản một bản kế hoạch về đảm bảo an ninh kinh tế. Một quan chức thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết, trên cơ sở kiến nghị của LDP, Nhật Bản sẽ điều chỉnh chính sách phù hợp với lập trường của Mỹ.
Điểm khởi đầu cho cuộc thảo luận là “Chiến lược quốc gia về công nghệ mới” do Mỹ công bố tháng 10/2020, trong đó thể hiện rõ chủ trương tăng cường hợp tác với các nước đồng minh nhằm ngăn chặn chảy máu công nghệ trong 20 lĩnh vực quan trọng, bao gồm cả công nghệ AI và chất bán dẫn.
EU cũng đang thúc đẩy tiến trình khôi phục quan hệ với Mỹ, vốn đã xấu đi dưới thời Chính quyền Tổng thống Trump trước đây.
Tháng 12/2020, EU đã kêu gọi hợp tác chặt chẽ nhằm xây dựng một cơ chế trao đổi về quản lý công nghệ và thương mại. Một quan chức Chính phủ Nhật Bản cho biết: “Công tác quản lý công nghệ tiên tiến là không thể nếu các nước chỉ tiến hành riêng lẻ. Tất nhiên, Nhật Bản sẽ tham gia và hình thành nên một cơ chế hợp tác ba bên."
Nhật Bản và châu Âu đang kêu gọi sự trở lại hợp tác của Mỹ sau khi chủ nghĩa đơn phương dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Trump đã gây khó khăn cho chính các nước thân cận với Mỹ. Chính quyền của ông Trump đã bất ngờ thực hiện các biện pháp trừng phạt nhằm hạn chế xuất khẩu đối với Tập đoàn Huawei của Trung Quốc. Do đó, nhiều công ty Nhật Bản đang giao dịch với Huawei như Tập đoàn chất bán dẫn khổng lồ Kioxia Holdings, cũng chịu ảnh hưởng lớn khi buộc phải hoãn niêm yết cổ phiếu. Vào thời điểm đó, đã có tiếng nói từ trong giới chức Nhật Bản rằng “lẽ ra hai nước nên tham khảo ý kiến của nhau trước."
Ngoài ra, cũng đã xuất hiện những động thái khác trong xu hướng hình thành thế bao vây chống Trung Quốc. Cụ thể, Anh dự kiến sẽ mời Australia, Ấn Độ và Hàn Quốc tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng Sáu tới, qua đó thúc đẩy khái nhiệm “D10” (gồm 10 nước theo chủ nghĩa dân chủ), cùng chung tay xây dựng một mạng lưới cung cấp các sản phẩm 5G mà không phụ thuộc vào Trung Quốc.
Trung Quốc luôn đề cao tinh thần cảnh giác trước các động thái như vậy. Ngày 25/1 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi tham dự sự kiện trực tuyến “Chương trình nghị sự Davos” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã nhấn mạnh: “Việc kết bè kéo cánh hoặc bắt đầu một cuộc Chiến tranh lạnh mới, bài xích, đe dọa nước khác sẽ chỉ đẩy thế giới vào cảnh chia rẽ, thậm chí đối đầu."
Bên cạnh việc xem xét tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để tiếp cận một thị trường rộng lớn thì Trung Quốc cũng nhanh chóng thúc đẩy hiện thực hóa Hiệp định đầu tư với EU nhằm ngăn chặn đà suy giảm của nền kinh tế.
Chủ nhiệm Văn phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Giam Kim Quyền nhấn mạnh trên một tờ báo của Trung Quốc: “Trung Quốc cần phải thoát khỏi tình trạng phụ thuộc về công nghệ và linh kiện của các nước phương Tây," đồng thời kêu gọi cần phải có một cơ chế thống nhất thúc đẩy sản suất trong nước đối với các sản phẩm công nghệ quan trọng nhằm đối phó với vòng vây từ bên ngoài.
Trước đó, Trung Quốc cũng đã xúc tiến các đối sách quan trọng như ban hành Luật Quản lý xuất khẩu và tăng cường kiểm soát đất hiếm. Với quan điểm các doanh nghiệp nước ngoài gây thiệt hại cho lợi ích của Trung Quốc có thể sẽ bị kiện và phải chịu bồi thường, thì các doanh nghiệp của Nhật Bản cũng không nằm ngoài cơ chế trả đũa của Chính phủ Trung Quốc nếu dừng hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc.
Thực tế, giữa EU, Mỹ và Nhật Bản vẫn tồn tại độ vênh nhất định trong lập trường đối phó với Trung Quốc liên quan đến vấn đề nhân quyền. Mỹ chủ trương xiết chặt các biện pháp trừng phạt đối với việc Trung Quốc đàn áp người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ, còn EU ngày càng chỉ trích gay gắt Trung Quốc trong vấn đề Hong Kong. Trong khi đó, Nhật Bản vẫn tỏ ra thận trọng. Một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã tiết lộ: "Nhật Bản không dễ thích ứng với các biện pháp trừng phạt kinh tế để giải quyết vấn đề nhân quyền."
Trong bối cảnh đó, nội bộ LDP ngày càng xuất hiện nhiều tiếng nói kiến nghị Nhật Bản phải có lập trường cứng rắn tương thích với các chính sách của Mỹ và EU trong vấn đề nhân quyền. Đây sẽ là tâm điểm chú ý trong các bước đi sắp tới của Nhật Bản trong vấn đề này./.