Xu hướng 'sống xanh' lan tới đỉnh núi cao nhất thế giới

Một quan chức địa phương cho rằng việc cấm đồ nhựa dùng một lần sẽ giúp bảo vệ môi trường tại khu vực Khumbu Pasang Lhamu, núi Everest và các ngọn núi khác về lâu dài.
Nepal sẽ cấm các loại đồ nhựa dùng một lần tại khu vực núi Everest. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Hòa chung xu hướng "sống xanh" lan rộng trên thế giới, từ tháng 1/2020, chính quyền Nepal sẽ cấm các loại đồ nhựa dùng một lần tại khu vực núi Everest nhằm giảm thiểu lượng lớn rác thải do khách du lịch và những người leo núi để lại.

Ngày 21/8, nhà chức trách Nepal cho biết lệnh cấm mới được áp dụng đối với tất cả các sản phẩm nhựa có độ dày dưới 30 micron cũng như các loại nước uống đóng bằng chai nhựa, tại khu vực Khumbu Pasang Lhamu, nơi tọa lạc núi Everest và nhiều ngọn núi quanh năm tuyết phủ khác.

Một cơ quan địa phương sẽ làm việc với các công ty lữ hành, các hãng hàng không và Hiệp hội Leo núi Nepal để thực thi lệnh cấm này. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có mức xử phạt đối với hành vi vi phạm.

Phát biểu với báo giới, một quan chức địa phương cho rằng việc bắt đầu cấm đồ nhựa dùng một lần ngay bây giờ sẽ giúp bảo vệ môi trường tại khu vực Khumbu Pasang Lhamu, núi Everest và các ngọn núi khác về lâu dài.

[Tập trung thực hiện các giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi rác thải nhựa]

Lệnh cấm trên được đưa ra trong bối cảnh những năm gần đây, khu vực núi Everest thuộc Nepal đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể lượng khách du lịch và các nhà leo núi, với hơn 50.000 khách du lịch mỗi năm.

Tuy nhiên, lượng du khách gia tăng cũng kéo theo nhiều rắc rối, trong đó rác thải là vấn đề khiến chính quyền Nepal hết sức lo ngại.

Mùa leo núi năm nay ghi nhận mức kỷ lục khi có tới 885 nhà leo núi chính phục được đỉnh núi cao nhất thế giới, nhưng cùng với đó, chiến dịch "dọn dẹp" trên đỉnh Everest do Chính phủ Nepal phát động đã "nhặt" được hơn 10 tấn rác.

Cách đây 6 năm, chính quyền Nepal đã đưa ra mức cọc 4.000 USD cho mỗi nhóm leo núi muốn chinh phục đỉnh Everest. Khoản tiền này sẽ được hoàn trả nếu mỗi nhà leo núi sau khi kết thúc hành trình mang xuống theo ít nhất 8 kg rác thải. Tuy nhiên, chỉ có 50% số nhà leo núi trở về mang đủ số rác thải được yêu cầu.

Ngoài vấn đề rác thải, các chuyên gia môi trường còn bày tỏ quan ngại rằng tình trạng ô nhiễm ở Everest đang tác động tới các nguồn nước ở dưới thung lũng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục