Trong khi phát triển bền vững đã trở thành xu thế toàn cầu, xu hướng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên thế giới cũng thay đổi theo hướng đầu tư vào công nghệ cao, chú trọng chất lượng, đổi mới, sáng tạo, dựa vào hiệu quả đầu tư thay vì lợi nhuận như trước đây.
Muôn nẻo FDI
FDI không chỉ giúp gia tăng nguồn vốn đầu tư phát triển, tăng thu ngân sách, tạo thêm việc làm, mà còn thúc đẩy xuất khẩu, mang tới động lực tăng trưởng kinh tế.
Ví dụ, tại Việt Nam, khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội.
Theo thống kê, khối doanh nghiệp FDI hiện đóng góp khoảng 23,5% tổng đầu tư toàn xã hội (gần 20% GDP), chiếm trên 70% kim ngạch xuất khẩu...
Trong khi đó, ở Trung Quốc, tuy doanh nghiệp nước ngoài chỉ chiếm chưa đầy 3% tổng số doanh nghiệp tại nước này, nhưng lại đóng góp gần 50% giá trị thương mại đối ngoại, trên 25% lợi nhuận doanh nghiệp ngành công nghiệp và 20% thu nhập từ thuế.
Năm 2017, doanh nghiệp nước ngoài đã tạo ra 43,2% trong thặng dư thương mại của Trung Quốc.
Tuy nhiên, FDI cũng tồn tại một số vấn đề nếu không xử lý tốt sẽ khó đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Ví dụ xu hướng xuất khẩu ô nhiễm từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển thông qua đầu tư FDI ngày càng gia tăng.
[Việt Nam cần làm gì để thu hút nguồn vốn FDI thế hệ mới?]
Thực tế cho thấy nhiều dự án FDI ở các nước đang phát triển đi vào ngành sản xuất không gắn với chế biến sâu, giá trị gia tăng tạo ra thấp như nông sản thô hay ngành nghề có tính gia công cao như lắp ráp, giày da, may mặc.
Câu chuyện FDI gia tăng trong các lĩnh vực tiêu tốn năng lượng có mức độ phát thải lớn, không thân thiện với môi trường như sửa chữa tàu biển, sản xuất bột giấy, thuộc da, nhuộm vải, sản xuất hóa chất hay khai thác khoáng sản cũng là vấn đề đáng lưu ý.
Cho nên, nếu không lựa chọn, một bộ phận FDI có thể biến nước chủ nhà thành nơi tập kết máy móc, công nghệ cũ, lạc hậu, gây ra hệ lụy không chỉ về kinh tế mà còn cả đối với môi trường.
Bên cạnh đó, theo kết quả nghiên cứu mới nhất do Quỹ Tiền tệ Quốc tế phối hợp với Đại học Copenhagen thực hiện, gần 40% vốn FDI toàn cầu, tương đương 15.000 tỷ USD, chỉ là “vốn ma,” không tạo ra hoạt động sản xuất hay thương mại, mà chỉ nhằm trốn thuế hoặc để hưởng mức thuế thấp.
Phần lớn vốn “FDI ma” đó đổ vào các thiên đường thuế trên thế giới như Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Thụy Sỹ, Ireland, Mauritius, quần đảo Virgin, quần đảo Cayman và Bermuda.
Điều đáng chú ý là vốn “FDI ma” đang trong xu hướng gia tăng, từ mức 31% của năm 2010 lên 38% trong năm 2017 và hiện nay là khoảng 40%, nhanh hơn nhiều so với mức tăng trưởng GDP toàn cầu trong cùng thời gian.
Vậy FDI chất lượng cao hay FDI thế hệ mới là gì? Theo Trung tâm Tăng trưởng quốc tế (IGC) có trụ sở chính ở London (Anh), FDI chất lượng cao có một số đặc điểm như góp phần tạo ra việc làm "tử tế" và giá trị gia tăng, tăng cường nền tảng kỹ năng cho các thành phần kinh tế nước chủ nhà.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp FDI chất lượng cao sẽ tạo điều kiện chuyển giao công nghệ, kiến thức và bí quyết, tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nước chủ nhà, cho phép họ tiếp cận thị trường.
Ngoài ra, doanh nghiệp FDI chất lượng cao sẽ hoạt động một cách có trách nhiệm với xã hội và môi trường ở quốc gia họ đặt cơ sở thực hiện dự án.
Con đường phía trước
Năm 1992, Hội nghị thượng đỉnh về Môi trường và Phát triển của Liên hợp quốc được tổ chức ở Brazil đề ra Chương trình nghị sự toàn cầu cho thế kỷ 21.
Phát triển bền vững được xác định là: “Một sự phát triển thỏa mãn những nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm hại đến khả năng đáp ứng những nhu cầu của thế hệ tương lai.”
Ba trụ cột chính của phát triển bền vững là kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái. Trên bình diện quốc tế, phát triển bền vững đã trở thành sự tiếp nối của Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.
Để thu hút FDI chất lượng cao phục vụ phát triển bền vững, nhất là ở các nước đang phát triển, theo nhóm nghiên cứu đến từ Viện Kinh tế quốc tế Kiel (IFW), Đại học Georgetown và Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), việc đầu tiên là phải thiết lập được cơ cấu thúc đẩy đầu tư (IPA), hướng mục tiêu tới các nhà đầu tư nước ngoài phù hợp và sau đó trở thành sợi dây liên kết giữa họ và nền kinh tế trong nước.
Tùy từng quốc gia mà tên của cơ cấu này có thể khác nhau, như ở bang Penang, Malaysia là Ủy ban Phát triển bang (PDC) hay ở Nam Phi là Chương trình Phát triển công nghiệp mô tô (MIDP)...
Tên gọi có khác nhau, nhưng tựu chung, IPA cần hoạt động như “cơ cấu một cửa” đáp ứng các yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài đối với nước chủ nhà.
Bên cạnh đó, IPA còn phải đóng vai trò là chất xúc tác cho nền kinh tế nước chủ nhà, thúc đẩy nước chủ nhà phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm công nhân lành nghề, kỹ thuật viên, kỹ sư và quản lý để tạo sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, IPA cần tham gia vào quá trình "chăm sóc" sau đầu tư, đánh giá hiệu quả công việc của mình từ các nhà đầu tư hài lòng để rút ra bài học kinh nghiệm cũng như tiềm năng tái đầu tư của các doanh nghiệp FDI.
Một vấn đề khác cũng hết sức quan trọng là thiết lập chương trình phát triển nhà cung cấp để hỗ trợ quá trình kết nối giữa khách hàng nước ngoài với nhà cung cấp trong nước; thiết lập các khu chế xuất (EPZ) để doanh nghiệp FDI phát huy vai trò tiên phong tại đây.
Tuy nhiên, quy định của EPZ cần phải tránh tạo ra phân biệt đối xử chống lại sự hình thành quan hệ tốt đẹp với các nhà cung cấp địa phương. Để giải quyết vấn đề này, có thể thiết lập khu công nghiệp thứ cấp dành cho các nhà cung cấp địa phương ở địa điểm gần hoặc liền kề với EPZ.
Nhưng cho dù thế nào, sự xuất hiện của một chiến lược thu hút FDI chất lượng cao vẫn là định hướng để các cơ cấu liên quan làm kim chỉ nam.
Trong bối cảnh thế giới tiến vào kỷ nguyên của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, nhiều nước ưu tiên thu hút FDI vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; giáo dục và đào tạo, y tế, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác…
Đương nhiên, đối tượng hướng tới tập trung vào các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU)./.