Xử lý các vướng mắc trong thực hiện Chương trình Nông thôn Mới

Việc lập kế hoạch xác định nhu cầu xây dựng Nông thôn Mới của các địa phương, ở một số nơi chưa sát thực tế, làm cho công tác thực hiện phân bổ vốn không hợp lý, dẫn đến tình trạng vừa thừa vừa thiếu.
Con đường trải nhựa dẫn vào Trường THCS Phước Bình, xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng, Tây Ninh. (Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN)

Chiều 8/9, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát “Việc triển khai các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn Mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” làm việc với Chính phủ.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì cuộc làm việc. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết sau hơn một năm triển khai giám sát, đến nay về cơ bản, Đoàn đã hoàn thành công việc bước đầu.

Đánh giá cao quá trình triển khai Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ đây là quá trình Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt các Chương trình Mục tiêu Quốc gia; tổ chức nhiều cuộc kiểm tra giám sát, giao ban, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc từ kiến nghị của các địa phương; tập trung xử lý kịp thời nhiều văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn thi hành phù hợp với thực tiễn...

Trình bày dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cho biết các Chương trình Mục tiêu Quốc gia bước đầu đạt được một số kết quả tích cực.

[Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ba Chương trình Mục tiêu Quốc gia]

Tính đến ngày 30/6/2023, cả nước có 73,65% xã đạt chuẩn Nông thôn Mới. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước năm 2022 giảm 1,17%, Vùng Dân tộc Thiểu số và Miền núi giảm 3,4% đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết của Quốc hội giao.

Tín dụng chính sách xã hội có vai trò quan trọng hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo và phát triển kinh tế-xã hội ở địa bàn các xã khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, việc ban hành văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan còn chậm. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương còn hạn chế, chưa thực sự phát huy chức năng, nhiệm vụ, hiệu quả hoạt động của cơ chế một Ban Chỉ đạo chung 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia.

Việc thành lập tổ chức, bộ máy giúp việc chưa có sự thống nhất giữa Trung ương và địa phương dẫn đến thiếu thống nhất trong chỉ đạo, điều hành.

Việc lập kế hoạch xác định nhu cầu của các địa phương, ở một số nơi còn chưa sát thực tế làm cho công tác thực hiện phân bổ vốn không hợp lý, dẫn đến tình trạng vừa thừa vừa thiếu, trong khi mỗi chương trình lại có cơ chế quản lý khác nhau nên không thực hiện lồng ghép được...

Cơ bản thống nhất với dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, các đại biểu nhấn mạnh việc Quốc hội tổ chức giám sát ngay khi các Chương trình Mục tiêu Quốc gia đang trong quá trình triển khai thực hiện đã góp phần làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Do đó, nhiều nội dung khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục