Xử lý hình sự hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ được mở rộng

Lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý hình sự cũng được mở rộng.
Xử lý hình sự hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ được mở rộng ảnh 1Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân với hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ là bước đi phù hợp. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hay, thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong đó có thực thi bằng biện pháp hình sự là một trong những nội dung quan trọng trong đàm phán các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Thông tin trên được ông Lâm đưa ra tại buổi Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam và vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Bộ luật hình sự (sửa đổi) diễn ra ngày 18/4, tại Hà Nội.

Theo ông Lâm, thông qua các hiệp định thương mại tự do, các nước phát triển (đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản), muốn hướng tới một cơ chế thực thi mạnh mẽ hơn những chuẩn mực được đặt ra trong Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS).

Đặc biệt, các nước phát triển có xu hướng “hình sự hóa” các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ bằng cách mở rộng đối tượng áp dụng biện pháp thực thi hình sự (không chỉ nhãn hiệu, quyền tác giả, quyền liên quan mà cả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh…).

Ngoài ra, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý hình sự cũng được mở rộng, ví dụ như hành vi xuất nhập khẩu, hành vi xâm phạm bí mật thương mại, hay thậm chí quay phim trong rạp. Các quy định này “hình sự hóa” quan hệ dân sự và có thể xâm phạm cả quyền cá nhân.

“Sự thay đổi này khiến các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát, đặc biệt là khi bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng,” ông Lâm cho biết.

Cũng theo ông Lâm, những năm qua, pháp luật về thực thi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có thực thi bằng biện pháp hình sự được củng cố, hoàn thiện. Đặc biệt, Bộ luật hình sự 2015 đã lần đầu tiên quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đây là bước tiến quan trọng, góp phần đưa pháp luật hình sự của Việt Nam gần hơn với chuẩn mực pháp luật của các nước tiên tiến trên thế giới, qua đó tăng cường tính răn đe của pháp luật hình sự đối với tội phạm song cũng đặt các doanh nghiệp Việt Nam trước nhiều thách thức trong việc tuân thủ pháp luật.

Tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia cũng làm rõ trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại và tội phạm liên quan tới sở hữu trí tuệ trong Bộ luật hình sự, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ liên quan tới phần mềm máy tính ở Việt Nam và khu vực (của đại diện Liên minh phần mềm BSA)…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục