Xử lý nghiêm các đối tượng hủy hoại rừng quy mô lớn tại Đắk Nông

Tổng diện tích rừng bị tàn phá, đốt trụi tại tiểu khu 1685, thuộc địa phận xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông là 46,1ha.
Xử lý nghiêm các đối tượng hủy hoại rừng quy mô lớn tại Đắk Nông ảnh 1Hàng chục hecta rừng bị tàn phá, đốt trụi. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Theo báo cáo nhanh của Ủy ban Nhân dân huyện Đắk G’Long ngày 28/3, một ngày sau khi TTXVN đưa tin về tình trạng phá rừng tại tiểu khu 1685, thuộc địa phận xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long, tổng diện tích rừng bị tàn phá, đốt trụi tại khu vực này là 46,1ha.

Hiện cơ quan chứa năng của huyện, của tỉnh đang phối hợp với chính quyền địa phương củng cố hồ sơ, xử lý vụ việc theo quy định.

Trao đổi với phóng viên TTXVN ngày 30/3, ông Lê Quang Dần, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đắk G’Long khẳng định để xảy ra tình trạng phá rừng, trách nhiệm trước hết thuộc về kiểm lâm địa bàn, Ủy ban Nhân dân xã Quảng Sơn và Hạt kiểm lâm huyện Đắk G’Long.

[Hàng chục hecta rừng tự nhiên tại Đắk Nông bị tàn phá, đốt trụi]

Ủy ban Nhân dân huyện Đắk G’Long đánh giá đây là sự việc nghiêm trọng. Trước mắt, Ủy ban Nhân dân huyện phê bình ông Lê Văn Hà, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đắk G’Long; ông Đỗ Ngọc Hiếu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Quảng Sơn do để xảy ra tình trạng phá rừng với diện tích lớn, trong thời gian dài nhưng không phát hiện, xử lý, ngăn chặn và báo cáo kịp thời.

Đồng thời, Ủy ban Nhân dân huyện sẽ xem xét xử lý trách nhiệm và kiến nghị cấp thẩm quyền xử lý trách nhiệm sau khi có kết quả xác minh cụ thể.

Ủy ban Nhân dân huyện Đắk G’Long cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương phối hợp với các đơn vị chức năng của tỉnh bảo vệ diện tích rừng bị phá, không để tình trạng tái chiếm, lấn chiếm và lập kế hoạch trồng lại rừng ngay trong năm 2017.

Trước đó, trao đổi với phóng viên TTXVN về tình trạng rừng bị phá tại tiểu khu 1685, ông Tôn Thất Hoàng, Hạt phó Hạt kiểm lâm huyện Đắk G’Long cho biết tổng diện tích rừng bị phá tại tiểu khu 1685 mà đơn vị này đo đạc được là 36ha, nhưng khi ghi biên bản bị nhầm thành hơn 46ha (?!).

Ông Hoàng cho rằng rừng khu vực này bao gồm rừng keo được trồng từ năm 2008, rừng lồ ô, cây tạp tự tái sinh và một diện tích nhỏ rừng tự nhiên.

Thêm nữa, ông Hoàng cho rằng việc phát dọn, đốt trụi toàn bộ khu vực này là để... trồng lại rừng keo vào mùa mưa năm tới.

Ông Lê Quang Dần, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đắk G’Long cho biết theo quy định của pháp luật, việc thay đổi hiện trạng rừng chỉ được thực hiện khi cơ quan chức năng cấp phép. Trong trường hợp này, các đối tượng phá rừng, chủ rừng đã vi phạm các quy định pháp luật khi tùy tiện thực hiện việc chặt phá, phát dọn.

Cũng theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân huyện Đắk G’Long, rừng một số khu vực lân cận cũng đang bị tàn phá. Cụ thể, tại khoảnh 8, tiểu khu 1696 có gần 7ha bị phá trụi. Ngoài ra còn có một số khu vực trong tiểu khu này rừng bị phá nhưng chưa xác định được diện tích.

Như TTXVN đã thông tin ngày 27/3, hàng chục hecta rừng thuộc vùng lõi tiểu khu 1685 (xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) đã bị tàn phá, đốt trụi. Thậm chí, các đối tượng còn sử dụng phương tiện cơ giới vào san ủi đường đi, ngăn đập để chứa nước. Việc hủy hoại rừng tại đây diễn ra trên quy mô lớn, trong thời gian dài nhưng không được cơ quan chức năng xử lý, ngăn chặn kịp thời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục