Xử lý nghiêm các hành vi gây cháy rừng là chỉ đạo của Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế tại buổi làm việc với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh về công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng trên địa bàn ngày 10/7.
Trước thực tế các vụ cháy rừng ở Phú Yên thời gian qua chủ yếu ở các huyện đồng bằng, gần khu dân cư, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất của người dân nếu không có biện pháp bảo vệ, ứng phó kịp thời; Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế yêu cầu các sở, ngành cần kiện toàn lại Ban chỉ đạo phòng chống cháy rừng; tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm vai trò của người đứng đầu, ban chỉ đạo, của chủ rừng và nhân dân trong việc phòng chống, chữa cháy rừng.
Ngành lâm nghiệp chủ động cùng địa phương hướng dẫn tuyên truyền cho người dân, chủ rừng các phương pháp chữa cháy rừng, thiết kế trồng rừng cần gắn với việc xây dựng tuyến đường lâm sinh, tạo đường băng cản lửa tự nhiên.
Cùng với đó là rà soát lại thiết bị cảnh báo, phòng chống, chữa cháy rừng, bổ sung kịp thời lực lượng, phương tiện, thiết bị còn thiếu cho ngành chức năng, các địa phương để phòng chống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra...
[Thủ tướng Chính phủ: Vụ cháy ở Hà Tĩnh là cảnh tỉnh sâu sắc]
Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, từ đầu năm 2019 đến ngày 8/7, trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã xảy ra 21 vụ cháy rừng, làm thiệt hại 317,7 ha rừng (trong đó rừng trồng quy hoạch sản xuất 217,4 ha, rừng trồng ngoài quy hoạch lâm nghiệp 100,2 ha). Đặc biệt, chỉ trong thời gian từ ngày 25/6 đến ngày 8/7, trên địa bàn liên tiếp xảy ra 15 vụ cháy gây thiệt hại 302,9 ha rừng tại các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Tuy An, Phú Hòa, thị xã Sông Cầu và thành phố Tuy Hòa.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho biết, thực tế các vụ cháy rừng trên địa bàn tỉnh thời gian qua chủ yếu xảy ra ở những cánh rừng trồng, thuộc các huyện đồng bằng. Nguyên nhân xảy ra cháy rừng, ngoài do yếu tố khách quan thời tiết nắng nóng gay gắt, khô hạn kéo dài, làm thảm thực bì khô, dễ bắt lửa, nhiều vụ cháy do người dân chủ quan, phát dọn rẫy, đốt thực bì, tổ ong gây ra. Rừng trồng của các hộ dân phần lớn chưa được triển khai phương án phòng chống cháy rừng, trong khi lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng còn thiếu và yếu.
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Hòa cũng nhận trách nhiệm về công tác tuyên truyền, huy động lực lượng tại chỗ tham gia chữa cháy rừng còn chưa tốt để xảy ra các vụ cháy rừng với quy mô, diện tích lớn (4 vụ cháy rừng trồng với diện tích 114 ha) trên địa bàn thời gian qua.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Hòa Nguyễn Ngọc Tường kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh cần có chế tài về khai thác rừng trồng, đốt thực bì, quy định người dân, chủ rừng khi đốt thực bì và các hoạt động trong rừng cần báo cáo chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn để kiểm tra, giám sát.
Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu cũng kiến nghị cần bổ sung lực lượng, phương tiện, thiết bị phòng chống cháy rừng để các địa phương chủ động triển khai biện pháp dập lửa khi xảy ra cháy rừng./.