Xuất khẩu dệt may của Trung Quốc đạt hơn 96 tỷ USD trong 5 tháng

Theo một tài liệu có tựa đề "Chiến đấu với COVID-19: Trung Quốc bắt đầu hành động," Bắc Kinh đã xuất khẩu hơn 70,6 tỷ chiếc khẩu trang và 340 triệu bộ quần áo bảo hộ trong giai đoạn tháng 3-5/2020.
Công nhân dệt may Trung Quốc. (Nguồn: AP)

Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) vừa công bố số liệu cho thấy xuất khẩu hàng dệt may của Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2020 đã giảm 1,17% so với cùng kỳ năm trước đó, xuống còn 96,16 tỷ USD. 

Cụ thể trong giai đoạn này, xuất khẩu hàng dệt của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2019, lên mức 57,95 tỷ USD, trong khi xuất khẩu hàng may mặc giảm 22,8% xuống còn 38,21 tỷ USD.

Nếu chỉ tính riêng trong tháng Năm, tháng chứng kiến hoạt động xuất khẩu khẩu trang tăng vọt, xuất khẩu hàng dệt may của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đạt 20,65 tỷ USD, tăng 77,3% so với một năm trước đó.

Trước đó, theo một tài liệu có tựa đề "Chiến đấu với COVID-19: Trung Quốc bắt đầu hành động," Bắc Kinh đã xuất khẩu hơn 70,6 tỷ chiếc khẩu trang và 340 triệu bộ quần áo bảo hộ trong giai đoạn tháng 3-5/2020.

Cùng chung xu hướng trên, ngành dệt may và may mặc của Trung Quốc không phải là “nạn nhân” duy nhất của đại dịch COVID-19. Hàng loạt thương hiệu thời trang và nhà bán lẻ hiện đã hủy đơn đặt hàng quần áo, túi và giày dép trị giá hàng tỷ USD từ các nhà máy gia công đồ may mặc châu Á, buộc những nhà máy này phải đóng cửa và sa thải hàng trăm nghìn công nhân.

Điển hình trong số này, C&A, thuộc sở hữu của COFRA Group, hồi tháng 3/2020 gửi một lá thư đến các nhà cung cấp, đề nghị hủy mọi đơn đặt hàng cho đến tháng 6/2020. Không lâu sau, hãng “suy nghĩ lại” và đưa ra cam kết thanh toán 93% số đơn hàng đã hoàn thành hoặc trong quá trình sản xuất đồng thời đàm phán việc thanh toán với 7% số đơn hàng còn lại.

[Trung Quốc sau đại dịch: Sản xuất phục hồi nhưng với tốc độ chậm]

Trong khi đó, Walmart Plc cam kết thanh toán cho các đơn hàng với một số ngoại lệ nhưng vẫn tiến hành đặt đơn hàng mới tại Nam và Đông Nam Á.

Về phần mình, Mango cam kết thanh toán cho các đơn hàng đã được vận chuyển song hoãn thanh toán các đơn hàng đang trong quá trình sản xuất. Hãng đặt các đơn hàng mới tại nhà máy ở Trung Quốc và Bangladesh.

Các hãng thời trang khác gồm Next Plc, Bestseller A/S, Marks and Spencer Group Plc, New Look, JC Penney Co… đều sửa đổi điều kiện hoặc hoãn thanh toán đối với đơn hàng.

H&M, Inditex, Tesco Plc, J Sainbury Plc, Fast Retailing Co Ltd nằm trong số ít hãng thời trang tiến hành thanh toán các đơn hàng như bình thường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục