Xuất khẩu gạo 11 tháng đạt gần 8,5 triệu tấn với giá trị 5,31 tỷ USD

Khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 11 tháng năm 2024 đạt gần 8,5 triệu tấn với giá trị 5,31 tỷ USD, tăng 10,6% về khối lượng và tăng 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Sản phẩm gạo xuất khẩu tại một nhà máy. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Sản phẩm gạo xuất khẩu tại một nhà máy. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua tăng ở một vài loại. Giá lúa neo ở mức cao đang là động lực tốt để nông dân xuống sớm vụ Đông Xuân 2024-2025 cũng như để né hạn mặn. Xuất khẩu gạo 11 tháng đã đạt những kỷ lục mới, đạt gần 8,5 triệu tấn với giá trị 5,31 tỷ USD.

Theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá một số loại lúa được thương lái thu mua như: IR 50404 từ 7.800-7.900 đồng/kg; lúa OM 5451 có giá từ 8.600-8.800 đồng/kg; Đài thơm 8 (tươi) từ 9.000-9.100 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg và OM 18 (tươi) cũng từ 9.000-9.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg…

Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 16.000-17.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 20.000-22.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 17.000-18.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.500 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 21.500 đồng/kg…

Gạo nguyên liệu IR 504 ở mức 10.200-10.300 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 bình ổn 12.300-12.400 đồng/kg.

Với mặt hàng phụ phẩm, giá phụ phẩm các loại dao động trong khoảng từ 5.800-9.400 đồng/kg. Hiện, giá tấm thơm ở mức 9.000-9.100 đồng/kg; giá cám khô ở mức 5.900-6.050 đồng/kg.

Tại các vùng sản xuất lúa tôm của Bạc Liêu, giá lúa ST (chủ yếu là ST24, ST25) hiện đang đạt mức giá cao nhất từ trước đến nay, dao động từ 12.000-13.000 đồng/kg, cao hơn cả giá lúa ST vụ lúa trên đất tôm năm trước. Với giá lúa này, nông dân trồng lúa ST đang rất háo hức chờ đợi ngày thu hoạch bội thu.

Hay tại Trà Vinh, vụ Thu Đông này, hầu hết nông dân sử dụng các giống lúa chất lượng cao, đạt chuẩn xuất khẩu theo sự khuyến cáo của ngành nông nghiệp, như: OM 5451, OM 4.900, Đài thơm 8, ST 25 nên được thương lái ưa chuộng thu mua. Như giá lúa tươi OM 5451 được thương lái thu mua tại ruộng 8.500 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí sản xuất, nông dân có lợi nhuận gần 5.000 đồng/kg lúa thương phẩm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết tháng 11, cả nước đã gieo cấy được 7.825.000ha lúa, bằng 104% cùng kỳ. Diện tích lúa đã thu hoạch đạt 6.853,8 nghìn ha, bằng 100,1% so với cùng kỳ; sản lượng ước trên diện tích thu hoạch đạt 42,12 triệu tấn, bằng 101,1% so với cùng kỳ, năng suất bình quân đạt 61,5 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha.

Tính đến cuối tháng 11, các tỉnh phía Nam đã gieo cấy được 712.600ha lúa Đông Xuân niên vụ 2024-2025, tăng 70,4% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, do giá lúa hiện ổn định ở mức cao nên ngay sau khi thu hoạch lúa Thu Đông sớm, bà con nông dân một số nơi sớm khẩn trương xới, dọn đất để xuống giống sản xuất vụ lúa Đông Xuân, diện tích gieo cấy đạt 705.700 ha, tăng 69,8% so với cùng kỳ năm trước.

ttxvn_lua chat luong cao 2.jpg
Thu hoạch lúa chất lượng cao. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Về xuất khẩu, khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 11 tháng năm 2024 đạt gần 8,5 triệu tấn với giá trị 5,31 tỷ USD, tăng 10,6% về khối lượng và tăng 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 517 USD/tấn, giảm so với mức 520 USD/tấn vào tuần trước.

Một thương gia ở Thành phố Hồ Chí Minh cho hay hoạt động giao dịch tuần này vẫn trầm lắng do người bán không muốn bán giá thấp trong khi người mua lại muốn giá giảm sâu hơn.

Về thị trường gạo châu Á, giá gạo đồ xuất khẩu của Ấn Độ giảm trong tuần qua do đồng rupee thấp kỷ lục. Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được báo giá từ 444-450 USD/tấn trong tuần này, so với mức từ 445-453 USD/tấn của tuần trước. Gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức từ 450-458 USD/tấn.

Một nhà giao dịch tại New Delhi cho biết nhu cầu của thị trường ổn định. Các nhà giao dịch đang hạ giá bán khi đồng rupee giảm giá xuống mức thấp kỷ lục.

Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan vẫn ở mức 510 USD/tấn như tuần trước. Một nhà giao dịch tại Bangkok dự báo giá có thể giảm do hoạt động xuất khẩu của Ấn Độ tăng.

Về thị trường nông sản Mỹ, trong phiên giao dịch ngày 6/12, giá lúa mỳ kỳ hạn tại Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) tăng phiên thứ tư liên tiếp và tăng trong cả tuần do tâm lý lo ngại sản lượng vụ Đông ở Nga kém.

Giá lúa mỳ tăng 0,13%, lên 5,59 USD/bushel trong phiên cuối tuần và tăng 2% tính chung trong cả tuần.

Nhà phân tích thị trường Karen Braun của Reuters cho biết khả năng vận chuyển hiện tại của Ukraine có thể sớm bị đe dọa, gây lo ngại về nguồn cung lúa mỳ từ khu vực Biển Đen. Nga và Ukraine chiếm 1/3 lượng xuất khẩu lúa mỳ toàn cầu vào niên vụ trước.

Trong khi đó, giá ngô tăng phiên thứ hai và tăng tuần thứ ba do xuất khẩu ngô tháng 11/2024 của Brazil giảm mạnh (36%) so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại CBOT, giá đậu tương giảm 0,28% xuống 9,91 USD/bushel, trong khi giá ngô tăng 0,25 xu lên 4,3525 USD/bushel.

Số liệu của chính phủ cho thấy xuất khẩu đậu tương của Brazil giảm 50% trong tháng 11/2024 so với một năm trước.

Thị trường càphê thế giới cho thấy giá càphê robusta và arabica tối ngày 6/12 (theo giờ Việt Nam) tiếp tục tăng trên cả hai sàn quốc tế.

Giá càphê robusta giao tháng 1/2025 tại London tăng 1,8%, tương đương 88 USD/tấn, lên mức 4.983 USD/tấn. Trong khi đó, giá càphê arabica giao tháng 3/2025 tại New York là 318,15 xu Mỹ/lb (1 lb = 0,454kg), tăng 1,48%, tương đương 4,65 xu so với cuối phiên trước.

Tại thị trường trong nước, giá càphê tăng khoảng 6.300 đồng/kg. Hiện giá thu mua càphê trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên là 114.500 đồng/kg./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội phát biểu tại lễ khai mạc. (Ảnh: Phương Anh/TTXVN)

Hà Nội tôn vinh 36 sản phẩm công nghiệp chủ lực 2024

Thành phố sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực như cải thiện môi trường đầu tư, quảng bá, phát triển thị trường....