Xuất khẩu lao động huyện nghèo: Gỡ nút thắt trong cơ chế thực hiện

Sau 5 năm triển khai đền án 71, số người nghèo và doanh nghiệp xuất khẩu lao động tham gia vào đề án đang giảm dần.
Lao động huyện nghèo đọc thông tin tờ rơi về chương trình xuất khấu lao động. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Đề án 71 về “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020” được triển khai với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng ưu đãi vay vốn lãi suất thấp, miễn phí toàn bộ chi phí học nghề, ngoại ngữ, ăn ở… Thế nhưng sau 5 năm triển khai, số lượng lao động các huyện nghèo và doanh nghiệp xuất khẩu lao động tham gia đề án đang giảm dần. Đã đến lúc cần phải có sự thay đổi trong cách thực hiện đề án để có thể thu hút doanh nghiệp và người nghèo tích cực tham gia vào đề án.

Đăng ký đi xuất khẩu lao động giảm dần

Anh Hoàng Văn Lù (xã Mường Khương, thị trấn Mường Khương, Lào Cai) sang Hàn Quốc làm nông nghiệp theo đề án 71. Ngoài thời gian làm việc hàng ngày, buổi tối anh Lù còn làm ngoài nghề cơ khí để kiếm tiền sinh hoạt phí. Hiện giờ, mỗi tháng anh Lù có thể gửi về cho bố mẹ 20 triệu đồng. Gia đình anh Lù đã trả hết nợ ngân hàng, khoản nợ vay bên ngoài cho anh Lù đi xuất khẩu lao động, thậm chí gia đình còn tiết kiệm được 300 triệu đồng.

Đi xuất khẩu lao động thành công không chỉ giúp người dân thoát nghèo bền vững mà hộ gia đình còn có vốn làm ăn, phát triển kinh tế. Đề án 71 được triển khai với nhiều ưu đãi cho người nghèo khi đi xuất khẩu lao động như: Vay vốn lãi suất thấp, miễn toàn bộ chi phí học nghề, ngoại ngữ, ăn ở, đi lại… Thế nhưng trong thực tế triển khai, những chính sách vẫn chưa tạo đủ sức bật cho người nghèo chấp nhận xa nhà để ra nước ngoài làm việc.

Theo ông Nguyễn Đức Lành, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai, xuất khẩu lao động được coi đây là một trong những giải pháp tạo việc làm, tăng thu nhập, đặc biệt là ở 3 huyện nghèo là Mường Khương, Si Ma Cai và Bắc Hà. Những người đã đi xuất khẩu lao động, tu chí làm ăn thì về cơ bản đề có thu nhập tốt, có tích lũy, trả nợ ngân hàng và tái đầu tư sản xuất, nhất là những người đi lao động xuất khẩu tại thị trường Nhật Bản, Đài Loan.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Lành cho biết, trong thời gian triển khai chương không ít lao động bỏ dở giữa chừng do không chịu được áp lực công việc khi đi xuất khẩu lao động. Trong 5 năm qua, số lao động của tỉnh Lào Cai đi làm việc ở nước ngoài chỉ có khoảng 500 người, chỉ đạt 20% so với mục tiêu đề ra.

Đến cuối năm 2014, theo báo cáo từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), toàn bộ đề án 71 đã đi được nửa chặng đường với hơn 20.000 người đăng ký tham gia, nhưng chỉ có gần 10.000 người đi làm việc tại các thị trường Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… đạt 30% so với mục tiêu đề ra. Tính bình quân, mỗi huyện nghèo chỉ có 161 lao động đi làm việc tại nước ngoài. Số người đăng ký đi xuất khẩu lao động tại các huyện nghèo giảm dần trong 2-3 năm gần đây.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu lao động tại huyện nghèo không đạt mục tiêu là trình độ văn hóa, tay nghề, tình trạng sức khoẻ của nguồn nhân lực tại vùng này còn nhiều hạn chế.

Có một thực tế đáng buồn, đó là tỷ lệ lao động bỏ trong thời gian đào tạo và xuất cảnh khá cao, trung bình 18% . Đặc biệt, một số địa phương có tỷ lệ lao động bỏ học cao như Phú Thọ (59%), Lâm Đồng (44%), Nghệ An (29%), Yên Bái, Ninh Thuận (25%), Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai, Quảng Ngãi (trên 20%). Tỷ lệ bỏ không xuất cảnh sau khi được đào tạo cũng lên tới 21%.

“Người lao động vẫn còn tâm lý không muốn xa gia đình, chưa chấp nhận ngay nhịp sống làm việc bị quản lý thời gian chặt chẽ, cường độ lao động khẩn trương. Nhiều người lao động sau khi đăng ký đã bỏ giữa chừng với nhiều lý do như mẹ già, con nhỏ, gia đình không cho đi làm xa… khiến kết quả đề án không được như mong đợi,” ông Nguyễn Ngọc Quỳnh nói.

Tuyên truyền về các thị trường xuất khẩu lao động cho bà con huyện nghèo. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Kéo doanh nghiệp quay lại đề án

Không chỉ người nghèo ngày càng ít quan tâm tới xuất khẩu lao động, do thủ tục đưa lao động tại huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ bỏ đào tạo cao khiến doanh nghiệp khó thanh toán, thua lỗ nên hiện chỉ còn chưa tới 10 doanh nghiệp tiếp tục đề án 71, trong khi trước đó có hơn 30 doanh nghiệp tham gia khi đề án mới triển khai. Chính việc doanh nghiệp rút dần ra khỏi đề án đã gây ảnh hưởng đến kết quả thực hiện đề án trong thời gian gần đây.

Ông Nguyễn Xuân Quảng , Giám đốc Công ty đào tạo nghề, xuất nhập khẩu lao động GAET cho biết, trong thời gian thực hiện đề án 71, tỷ lệ lao động huyện nghèo bỏ trong quá trình sơ tuyển chiếm 60%, lao động bỏ trong quá trình đào tạo 30% và lao động về chờ bay bỏ chiếm tỷ lệ 35%.

Kết quả thực hiện đề án 71 của Công ty cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại SONA cho thấy tỷ lệ xuất cảnh bình quân cũng chỉ đạt 56%, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Tổng giám đốc Công ty cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại SONA cho rằng trình độ văn hóa, tay nghề, tình trạng sức khỏe, ý thức trách nhiệm và nhận thức của người lao động huyện nghèo còn rất nhiều hạn chế nên khi tham gia đào tạo người lao động dễ phát sinh tư tưởng chán nản.

Để khắc phục tình trạng lao động bỏ đào tạo, xuất cảnh, ông Nguyễn Xuân Quảng đề xuất cần có chế tài cam kết đối với những lao động tham gia đề án 71 một cách xuyên suốt tránh tình trạng bỏ đào tạo, bỏ hợp đồng làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp đối với đối tác nước ngoài, lãng phí chi phí của nhà nước.

Trình độ học vấn, tay nghề thiếu và yếu dẫn tới nguồn lao động phổ thông chiếm đến 98% lao động huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài. Các doanh nghiệp cho rằng cần tăng thời gian đào tạo nghề, học ngoại ngữ và giáo dục định hướng cho người lao động tại các huyện nghèo trước khi đi làm việc tại nước ngoài.

Trước những khó khăn trong triển khai đề án 71, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa cho biết cần sớm thay đổi mạnh mẽ cách triển khai để đề án 71 để phát huy hiệu quả trong cuộc sống. Trong đó, mấu chốt vẫn là việc tăng cường chất lượng nguồn lao động huyện nghèo và đơn giản hóa các thủ tục hành chính để kéo doanh nghiệp tham gia tích cực vào đề án.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xem xét để thay đổi quy trình thanh toán cho doanh nghiệp tham gia đưa lao động huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hướng đơn giản hơn. Doanh nghiệp đưa lao động huyện nghèo đi dù là bất cứ hợp đồng nào, đi cùng với lao động ở những vùng khác cũng sẽ được thanh toán chi phí, không cần phải đi theo nhóm hợp đồng riêng biệt như trước.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa cho rằng, thời gian đào tạo lao động huyện nghèo trước khi đi làm việc ở nước ngoài cũng sẽ được xem xét tăng thêm để đảm bảo chất lượng nguồn lao động đáp ứng được các yêu cầu của các hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài, có như vậy thì tỷ lệ lao động bỏ đào tạo, bỏ hợp đồng mới được cải thiện trong thời gian tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục