Xuất khẩu lao động năm 2017 chú trọng chất lượng thay vì số lượng

Dù số lượng lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc đã tăng đều trong 3 năm trở lại đây nhưng một vấn đề mới được đặt ra là các nước ngày càng khắt khe hơn, yêu cầu chất lượng, tay nghề lao động cao.
Ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Năm 2016 là năm thứ 3 liên tiếp kể từ năm 2014, số lao động ra nước ngoài làm việc ở mức trên 100.000 người. Số lao động ra nước ngoài làm việc của Việt Nam liên tục tăng và vượt chỉ tiêu, thách thức của xuất khẩu lao động không còn là số lượng mà là chất lượng lao động.

Phóng viên VietnamPlus đã có buổi trao đổi với ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) về những cơ hội đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2017.

- Năm 2016, xuất khẩu lao động tiếp tục đạt kỷ lục khi đưa được hơn 126.000 người đi làm việc ở nước ngoài, vậy xin ông có thể cho biết mục tiêu khẩu lao động cũng như thị trường lao động trọng điểm trong năm 2017?

Ông Phạm Viết Hương: Năm 2017, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đặt kế hoạch đưa được 105.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó các thị trường trọng điểm tiếp tục là Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, ngoài các thị trường truyền thống lớn, chúng tôi đang nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các Hiệp định và Thỏa thuận về hợp tác lao động đã ký với các nước Thái Lan, Lào, Australia. Tiếp tục triển khai đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản và Đức theo các chương trình đã ký kết.

Đặc biệt, trong năm 2017, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ nghiên cứu, hoàn thiện Đề án “Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025” để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài liên tục tăng và chỉ tiêu 105.000 người không phải là thách thức, vậy việc nâng cao chất lượng nguồn lao động, hướng đến những thị trường chất lượng cao trong năm 2017 được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Viết Hương: Dù số lượng lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc đã tăng đều trong 3 năm trở lại đây nhưng một vấn đề quan trọng được đặt ra là các nước ngày càng khắt khe hơn, yêu cầu chất lượng, tay nghề lao động cao. Đặc biệt là các thị trường có mức lương khá, cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức…

Với những yêu cầu ngày càng cao từ các đối tác, chất lượng đã và đang là yếu tố ngày càng quan trọng trong thị trường xuất khẩu lao động ngoài nước.

Người lao động có ý định ra nước ngoài làm việc, ngoài sức khỏe cần phải chuẩn bị thêm những kỹ năng cần thiết như: ngoại ngữ, chuyên môn nghề nghiệp… Không chỉ người lao động, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động cũng cần phải đầu tư nhiều hơn cho cơ sở đào tạo, qua đó sẵn sàng đáp ứng yêu cầu khắt khe từ những thị trường khó tính.

- Vậy liệu năm 2017 có phải là mốc đánh dấu sự bắt đầu của thời kỳ đưa lao động chất lượng cao đi làm việc ở nước ngoài không thưa ông?

Ông Phạm Viết Hương: Cơ hội làm việc cho những lao động xuất khẩu trong năm 2017 đang là rất lớn, đặc biệt là những người sở hữu chuyên môn cao. Nhu cầu lao động có chuyên môn cao tại nhiều nước là rất lớn, điều quan trọng là phải chuẩn bị tốt nguồn nhân lực để sẵn sàng đáp ứng.

Cuối năm 2016, Nhật Bản vừa thông qua một Luật mới tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các lao động nước ngoài, trong đó các Việt Nam. Trong đó, việc kéo dài thời hạn lưu trú cho các thực tập sinh đến 5 năm và mở rộng tiếp nhận nghề hộ lý điều dưỡng là điểm nhấn quan trọng trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số tại Nhật Bản cao và nhu cầu đối với nghề này đang là rất lớn.

Điều dưỡng viên, hộ lý học tiếng Nhật trước khi sang Nhật Bản làm việc. (Ảnh: TTXVN)

Tương tự, trong năm 2016, Việt Nam đã có thỏa thuận với Đức liên quan đến vấn đề tuyển chọn đào tạo điều dưỡng sang làm việc trong các bệnh viện tại nước này. Hiện nay, cơ hội là rất rộng mở cho những lao động có chuyên môn trong lĩnh vực này.

Đề án “Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2017 -2020 và định hướng đến năm 2025” cũng được xây dựng với mục tiêu nâng cao chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

- Trong năm 2016 vẫn xảy ra nhiều sự vụ người lao động đi xuất khẩu lao động bị đánh, trả lương không theo hợp đồng… vậy việc bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động tại nước ngoài được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Viết Hương: Công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài được đặt lên hàng đầu. Trước hết, các doanh nghiệp phải phối hợp với các đối tác quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động do doanh nghiệp đưa đi.

Đối với các thị trường có nhiều lao động Việt Nam làm việc như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Saudi Arabia, UAE... có các ban quản lý lao động tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện chức năng quản lý lao động. Đối với những nước không có ban quản lý lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để làm tốt công tác bảo hộ công dân và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Cục thường xuyên chỉ đạo, giám sát doanh nghiệp, đặc biệt với các thị trường, lĩnh vực, ngành nghề có tính phức tạp, doanh nghiệp phải cử cán bộ sang bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Nếu có cán bộ đại diện ở nước ngoài, việc xử lý những vấn đề phát sinh liên quan đến người lao động sẽ được xử lý nhanh, dứt điểm, không để gây ra những rủi ro về sau.

- Xin cảm ơn ông!

Ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước nói về mục tiêu xuất khẩu lao động năm 2017
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục