Xuất khẩu thủy sản tăng, VASEP vẫn "than" khó với liên bộ

"Thị trường nước ngoài đã khó khăn nhưng bản thân trong nước lại khó khăn hơn nữa, do vậy các cơ quan nhà nước khi ban hành văn bản cần thương doanh nghiệp, đừng gây thêm khó khăn."

"Thị trường nước ngoài đã khó khăn nhưng bản thân trong nước lại khó khăn hơn nữa, do vậy các cơ quan nhà nước khi ban hành văn bản cần thương doanh nghiệp, đừng gây thêm khó khăn."

Đây là ý kiến của ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến thủy sản (VASEP) tại Hội nghị "Bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản," do Bộ Công Thương phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức chiều 3/6, tại Hà Nội.

Giải thích rõ hơn, theo ông Dũng, mặc dù kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng thủy sản trong 5 tháng đầu năm tăng gần 30%, nhưng bản thân các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản, thủy sản lại hết sức khó khăn.

Trích dẫn Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT về "Quy định về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu" của Bộ Nông nghiệp ban hành ngày 12/11/2013, theo ông Dũng thông tư này có một số quy định đang "bó" chân doanh nghiệp.

Cụ thể, ông Dũng cho rằng, theo thông lệ quốc tế thì khi doanh nghiệp có hơn 400 nhà máy được Liên minh châu Âu (EU) cấp chứng nhận thì cơ quan nhà nước chỉ thẩm tra xem doanh nghiệp làm có tốt không. Tuy nhiên, Thông tư 48 mới ra được hơn 5 tháng nhưng tần suất kiểm tra đối với doanh nghiệp lại nhiều hơn, gây phiền hà và tốn chi phí cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ông Dũng cũng kiến nghị thêm về Nghị định số 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra, theo đó Nghị định này được Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn xây dựng trình Chính Phủ ký nhưng lại có một số điểm không đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ trong buổi làm việc với các doanh nghiệp của Hiệp hội này.

Đơn cử như việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra, nếu làm theo quy định sẽ không đảm bảo bí mật kinh doanh của doanh nghiệp... Không những thế, Nghị định này còn thiếu cả chế tài để quản lý thức ăn nuôi cá tra (hiện chiếm 80% chi phí sản phẩm cá tra), dẫn đến tình trạng nước ngoài đang thao túng thị trường này.

"Rất mong cơ quan nhà nước khi ban hành văn bản cần đồng hành cùng doanh nghiệp và thương doanh nghiệp hơn nữa," ông Nguyễn Hữu Dũng kiến nghị.

Trước những phản ánh của Hiệp hội VASEP, tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Cao Đức Phát cho rằng, trong mọi chính sách, Bộ luôn mong muốn đồng hành hiệu quả cùng doanh nghiệp và vì lợi ích quốc gia.

"Mọi chính sách ban hành đều nhằm khuyến khích doanh nghiệp hoạt động đúng luật pháp và chỉ cản trở những doanh nghiệp làm tổn hại đến lợi ích chung. Trong trường hợp chính sách ban hành ra có làm khó cho một doanh nghiệp nào đó thì cần xem xét từng trường hợp cụ thể để tháo gỡ," Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Theo báo cáo của liên bộ Công Thương-Nông nghiệp, trong 5 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu thủy sản ước đạt 2,9 tỷ USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các thị trường chủ lực của Việt Nam đều tăng trưởng.

Cụ thể, kim ngạch thủy sản xuất sang thị trường EU đạt 1,3 tỷ USD, chiếm 18,2% trong tổng giá trị xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản của cả nước. Ngoài ra, xuất khẩu nông, thủy sản của cả nước sang Trung Quốc 5 tháng đầu năm cũng đạt gần 1,3 tỷ USD, chiếm 18,2% trong tổng xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục