Xúc tiến thương mại quốc gia cần hướng tới hiệu quả của doanh nghiệp

Đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng xuất khẩu tuy nhiên, theo yêu cầu, của lãnh đạo Bộ Công Thương, chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia cần đổi mới, hướng tới hiệu quả của doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp tận dụng được cơ hội mở rộng thị trường thông qua các chương trình xúc tiến thương mại (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Kết quả xuất khẩu năm 2015 tăng 8,1% so với năm 2014 có đóng góp không nhỏ của các chương trình xúc tiến thương mại, tuy nhiên, để đạt được hiệu quả nhiều hơn nữa, chương trình cần phải đổi mới, hướng tới hiệu quả của doanh nghiệp.

Đó là yêu cầu của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, tại hội nghị Báo cáo kết quả chương trình Xúc tiến Thương mại quốc gia năm 2015 và triển khai chương trình năm 2016, do Bộ Công Thương tổ chức sáng nay (22/1).

Theo báo cáo của Cục Xúc tiến Thương mại, năm 2015, chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia đã hỗ trợ được 8.850 lượt doanh nghiệp với 14.499 gian hàng tại các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước.

Đáng chú ý, đã có 213.300 giao dịch và ký kết được nhiều hợp đồng kinh tế với tổng trị giá trên 858 triệu USD và khoảng 637,8 tỷ đồng cũng như thu hút trên 3 triệu lượt khách tham quan, mua sắm.

"Thông qua chương trình Xúc tiến Thương mại quốc gia, các hiệp hội ngành hàng, trung tâm Xúc tiến Thương mại địa phương đã phát huy vai trò hỗ trợ doanh nghiệp thành viên, doanh nghiệp địa phương trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường, quảng bá ngành hàng, địa phương đối với người tiêu dùng trong nước và quốc tế," ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho biết.

Cũng theo ông Linh, trong năm 2015 đã có nhiều chương trình Xúc tiến Thương mại tại khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo đã được tổ chức đóng góp tích cực và hiệu quả trong việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần thúc đẩy thương mại, tạo lập kênh phân phối cung cấp sản phẩm thiết yếu, nâng cao đời sống cho người dân.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Xúc tiến Thương mại cũng chỉ ra một số hạn chế trong việc triển khai chương trình trong thời gian qua, đơn cử là hàng hóa tham gia các phiên chợ hàng Việt về nông thôn chưa phong phú, đa dạng, còn có hiện tượng hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc là hàng hóa của nước ngoài sản xuất trà trộn vào hội chợ, phiên chợ hàng Việt....

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp mới chỉ tập trung chủ yếu vào việc bán hàng, chưa chú trọng giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, nghiên cứu, thăm dò nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.

Trong khi đó, để đạt được mức tăng trưởng xuất khẩu 10% so với năm 2015, theo đại diện Cục Xúc tiến thương mại, sẽ cần phải phát huy vai trò hơn nữa của các doanh nghiệp, ngành hàng. Đặc biệt trong bối cảnh nguồn kinh phí được phân bổ cho Chương trình Xúc tiến Thương mại quốc gia bị co hẹp, chỉ khoảng 90 tỷ đồng cho năm 2016 (giảm 20 tỷ đồng so với năm 2015) sẽ là những thách thức lớn để hoàn thành các chỉ tiêu trên.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu chỉ đạo hội nghị (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trước thực tế đó, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, bên cạnh sự chủ động của các doanh nghiệp trong việc tìm hiểu thông tin và tham gia vào mạng lưới xúc tiến thương mại thì chương trình Xúc tiến Thương mại quốc gia năm 2016 cần tập trung vào chiều sâu để doanh nghiệp có thể tận dụng những thuận lợi từ sự phục hồi của các nền kinh tế thế giới.

Thứ trưởng nhấn mạnh, Bộ Công Thương sẽ nâng cao chất lượng triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức Xúc tiến Thương mại Chính phủ trung ương và địa phương... trong việc tổ chức một số hoạt động Xúc tiến Thương mại trọng điểm thuộc các ngành hàng, lĩnh vực Việt Nam có tiềm năng, thế mạnh, có lợi thế, có thị trường và có khả năng cạnh tranh nhằm đạt được hiệu quả cao nhất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục