Xung đột Hamas-Israel: EU nhóm họp khẩn cấp về nguồn cung dầu mỏ

Các quốc gia phương Tây lo ngại xung đột Hamas-Israel leo thang có thể dẫn đến việc phong tỏa Eo biển Hormuz hoặc gây mất an ninh trên tuyến vận tải dầu mỏ quan trọng này.
Xung đột Hamas-Israel: EU nhóm họp khẩn cấp về nguồn cung dầu mỏ ảnh 1Tàu chở hàng hóa tiến về phía Eo biển Hormuz, ngoài khơi Khasab, Oman. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 27/10, nhóm điều phối dầu mỏ của Liên minh châu Âu (EU) đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp để thảo luận vấn đề đa dạng hóa nguồn cung dầu mỏ.

Theo một quan chức EU, cuộc họp được tổ chức theo đề xuất của Ủy viên EU phụ trách vấn đề năng lượng Kadri Simson nhằm đánh giá rủi ro về nguồn cung dầu mỏ trong trường hợp xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas kiểm soát Dải Gaza lan rộng ra khu vực.

Tại cuộc họp, các quan chức EU chung nhận định rằng các rủi ro về nguồn cung hiện ít hơn so với cách đây 50 năm khi xảy ra cuộc chiến Yom Kippur mà hậu quả là Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với các quốc gia phương Tây ủng hộ Israel, gây ra tình trạng thiếu nhiên liệu và được đánh giá là cú sốc dầu mỏ năm 1973.

["Xung đột Hamas-Israel giáng đòn nghiêm trọng với kinh tế toàn cầu"]

Quan chức trên nhấn mạnh: "Một cuộc khủng hoảng nếu xảy ra sẽ có thể lập tức tác động lên giá dầu nhưng gây ra ít rủi ro đối với nguồn cung, mặc dù thị trường đang bị siết chặt do quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ (OPEC và các đối tác)."

Tuy nhiên, quan chức trên cho rằng tuyến vận tải Trung Đông vẫn đóng vai trò quan trọng khi mỗi ngày có 20 triệu thùng dầu cung cấp cho châu Âu đi qua Eo biển Hormuz.

Các quốc gia phương Tây lo ngại xung đột Hamas-Israel leo thang có thể dẫn đến việc phong tỏa Eo biển Hormuz hoặc gây mất an ninh trên tuyến vận tải này.

Dự trữ dầu của EU hiện đã đáp ứng tiêu chí đạt tối thiểu 90 ngày nhập ròng, nhưng chủ yếu là dầu thô./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.