Xung đột Hamas-Israel: Thủ tướng Netanyahu đề xuất kế hoạch hậu xung đột ở Gaza

Theo kế hoạch của Thủ tướng Israel Netanyahu, sau khi cuộc xung đột chấm dứt, các vấn đề dân sự tại Gaza sẽ do những quan chức Palestine và người không liên quan đến phong trào Hamas quản lý.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong cuộc họp nội các tuần ở Jerusalem, ngày 19/3/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong cuộc họp nội các tuần ở Jerusalem, ngày 19/3/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 23/2, truyền thông Israel đưa tin Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã đề xuất một kế hoạch cho Dải Gaza thời hậu xung đột, trong đó nêu rõ các quan chức Palestine địa phương không có liên kết với phong trào Hồi giáo Hamas hay những lực lượng ủng hộ phong trào này ở nước ngoài, sẽ quản lý vùng đất này. Tổng thống Palestine đã ngay lập tức phản đối đề xuất này.

Nguồn tin cho hay Thủ tướng Netanyahu đã đệ trình đề xuất trên lên Nội các vào tối 22/2.

Trong đề xuất, ông Netanyahu nêu rõ quân đội Israel tiếp tục cuộc chiến với Hamas cho đến khi đạt được các mục tiêu quan trọng như giải tán Hamas và lực lượng Thánh chiến Hồi giáo, đồng thời đảm bảo phóng thích tất cả các con tin vẫn đang bị giam giữ ở Gaza.

Báo Times of Israel trích dẫn nội dung chính trong kế hoạch của ông Netanyahu, cho biết sau khi cuộc xung đột chấm dứt, các vấn đề dân sự tại Gaza sẽ do các quan chức Palestine địa phương có kinh nghiệm hành chính và những người không liên quan đến phong trào Hamas và các lực lượng bảo trợ Hamas, quản lý.

Kế hoạch có đoạn viết Israel sẽ tiến hành dự án đã được triển khai nhằm thiết lập vùng đệm an ninh ở phía biên giới dải đất ở phía Palestine.

Bản kế hoạch cũng đề cập đến việc Israel muốn duy trì quyền kiểm soát an ninh với tất cả vùng đất phía Tây Jordan, bao gồm Bờ Tây và Dải Gaza.

Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng trong đề xuất của ông Netanyahu là giải tán Cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA) sau khi Israel cáo buộc 12 nhân viên làm việc cho cơ quan Liên hợp quốc này dính líu tới vụ tấn công của Hamas vào miền Nam Israel ngày 7/10/2023.

Kế hoạch cũng bao gồm các yếu tố liên quan đến vùng biên giới Ai Cập và Dải Gaza, trong đó có Israel nhấn mạnh việc đóng cửa phía Nam ở biên giới sẽ giúp ngăn chặn sự trỗi dậy của bất kỳ hoạt động cực đoan hoặc buôn lậu nào.

Trong phản ứng mới nhất, người phát ngôn của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, Nabil Abu Rudeineh, cho rằng đề xuất của ông Netanyahu chắc chắn sẽ thất bại, cũng như bất kỳ kế hoạch nào của Israel nhằm thay đổi hiện trạng địa lý và nhân khẩu học ở Gaza.

Ông Abu Rudeineh nhận định nếu thế giới thực sự quan tâm đến việc thiết lập an ninh và ổn định trong khu vực thì phải yêu cầu Israel chấm dứt chiếm đóng vùng lãnh thổ của người Palestine và công nhận giải pháp một nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Jerusalem.

Liên quan đến các nỗ lực thiết lập hòa bình tại Dải Gaza, ngày 22/2, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani cho biết nước này đang cùng các quốc gia Arab tham gia đàm phán kín nhằm đạt thỏa thuận ngừng bắn tạm thời ở vùng lãnh thổ này của Palestine.

Phát biểu tại một diễn đàn trực tuyến, ông Tajani nói Italy đang làm việc tích cực và kín đáo với các nước Arab như Ai Cập, Jordan, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Qatar để đạt được thỏa thuận ngừng bắn tạm thời để giải cứu con tin và viện trợ nhân đạo.

Ông cho biết Italy cũng đang phối hợp với Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm các nước Công nghiệp Phát triển (G7), nhóm mà Italy đang giữ chức Chủ tịch, để đạt được mục tiêu trên.

Ngoại trưởng Italy cũng cảnh báo nguy cơ bạo lực ở Bờ Tây bị chiếm đóng giữa những người định cư Israel và người Palestine, đồng thời kêu gọi Israel hành động để ngăn chặn nguy cơ này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.