Xung đột tại Syria: Không gian hẹp cho các bên ở Idlib

Vòng đàm phán thứ hai giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về Idlib kết thúc tại Moskva vào ngày 18/2 mà không có thỏa thuận giữa hai bên, Ankara cũng không hài lòng với kết quả của các cuộc đàm phán.
Binh sỹ và xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai tại thị trấn Binnish, tỉnh Idlib, Syria, ngày 12/2/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Binh sỹ và xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai tại thị trấn Binnish, tỉnh Idlib, Syria, ngày 12/2/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tờ Al-Monitor ngày 20/2 đăng tải bài viết có tựa đề "Thỏa hiệp giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về Idlib sẽ như thế nào?" với nội dung như sau:

Vòng đàm phán thứ hai giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về Idlib kết thúc tại Moskva vào ngày 18/2 mà không có thỏa thuận giữa hai bên.

Phái đoàn Nga bao gồm Đặc phái viên Tổng thống Nga về Syria Alexander Lavrentiev, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin và đại diện của Bộ Quốc phòng, trong khi phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ do Thứ trưởng Ngoại giao Sedat Onal đứng đầu.

Bộ Ngoại giao Nga ra thông báo cho biết thảo luận chi tiết về tình hình "trên thực địa" tại Syria được tiếp tục, tập trung vào khu vực giảm căng thẳng Idlib, đồng thời tiết lộ "cả hai bên lưu ý tuân thủ những thỏa thuận hiện có để định hướng cho các biện pháp giảm căng thẳng, chấm dứt tình trạng khủng hoảng nhân đạo và tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố."

Thông báo trên cho biết các bên tham gia đàm phán cũng nhấn mạnh "tầm quan trọng của việc thúc đẩy tiến trình chính trị giải quyết cuộc khủng hoảng Syria được chính người dân Syria dẫn dắt và thực hiện, phù hợp với Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc."

Theo ông Ibrahim Kalin, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara không hài lòng với kết quả của các cuộc đàm phán.

Ông Kalin nói: "Chúng tôi không chấp nhận bản đồ (biên giới của khu giảm căng thẳng) do Nga đề xuất. Mục tiêu của chúng tôi không phải là dầu mỏ hay chiếm giữ lãnh thổ. Chúng tôi chỉ muốn bảo vệ dân thường và ổn định tình hình tại khu vực. Các làn sóng người tị nạn đang gia tăng gây áp lực đối với Thổ Nhĩ Kỳ."

Một nguồn tin từ phe đối lập Syria nói với tờ Al-Monitor rằng đề xuất của Nga ngụ ý Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát một dải của khu vực giảm căng thẳng Idlib, rộng 15km, dọc theo biên giới Syria với Thổ Nhĩ Kỳ, và lập các trại tị nạn cho người Syria tại đây.

Hiện nay, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang đồn trú trong phạm vi 20-35km dọc theo biên giới.

Đề xuất này cũng cho phép Nga triển khai các chốt tuần tra giữa phần Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát của khu vực giảm căng thẳng Idlib và các khu vực Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếm đóng sau chiến dịch Cành Olive tại Afrin.

Cuối cùng, thỏa thuận trên đề xuất các tuyến đường M4 và M5 sẽ được mở cho phương tiện giao thông đi lại dưới sự kiểm soát chung của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ kế hoạch và yêu cầu quân đội Syria rút hoàn toàn khỏi khu vực giảm căng thẳng Idlib.

Người phát ngôn Kalin nói: "Chúng tôi kiên quyết thực hiện bản ghi nhớ Sochi về khu vực giảm căng thẳng Idlib và yêu cầu rút quân đội Syria ra khỏi khu vực," đồng thời "đó là các đường biên giới đã được vạch ra hai năm rưỡi trước. Các vị trí giám sát của chúng tôi được thiết lập theo các đường biên giới đó và chúng tôi sẽ không thay đổi thực tế này."

Mặc dù không có tiến triển thực sự trong đàm phán giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhưng vẫn có những cải thiện trong nền tảng quan hệ giữa hai nước.

Tuần tra chung giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã được nối lại tại Đông Bắc Syria vào ngày 17/2. Ngoài ra, có nhiều khả năng hai nước đang phối hợp chiến thuật tại Idlib. Điều này có lẽ được áp dụng cho việc triển khai quân Thổ Nhĩ Kỳ và các khu vực mà quân đội của Syria hoạt động tại Idlib.

Nằm giữa khu định cư Taftanaz và Ariha, khu vực Thổ Nhĩ Kỳ triển khai nhiều quân nhất đã ngăn chặn đà tiến quân của quân đội Syria tới Idlib.

Cho đến gần đây, các tuyến đường tại khu vực Aleppo và hướng đến thành phố Atarib đã được mở cho quân đội Syria. Các hoạt động quân sự tại đó dẫn tới việc khôi phục quyền kiểm soát của các lực lượng Chính phủ Syria đối với khu ngoại ô Aleppo.

Xung đột tại Syria: Không gian hẹp cho các bên ở Idlib ảnh 1Binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai tại làng Qaminas, cách thành phố Idlib của Syria 6km về phía đông nam, ngày 10/2/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau khi kết thúc các chiến dịch tại các khu ngoại ô Aleppo và thành lập khu vực an ninh gần đường cao tốc M5, quân đội Syria có thể tiến tới tái chiếm đường cao tốc M4, kết nối Aleppo với Latakia.

[Thổ Nhĩ Kỳ triển khai lượng lớn khí tài quân sự và binh sỹ tới Syria]

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đến nay đã mở một lối đi cho quân đội Syria phát động các cuộc tấn công tại đó.

Trong khi đó, bất kỳ khả năng nào cho một thỏa thuận mới về Idlib có thể là tạm thời và dễ đổ vỡ. Thỏa thuận này có khả năng sẽ dựa trên bản ghi nhớ Sochi năm 2018.

Mặc dù hiện nay, bản ghi nhớ này không còn phù hợp với tình hình thực tế nhưng cả hai bên sẽ tiếp tục khẳng định sự cần thiết của triển khai thực hiện thỏa thuận này.

Do Thổ Nhĩ Kỳ từ chối yêu cầu quân đội Syria rút khỏi khu vực giảm căng thẳng nên Ankara sẽ không có bất kỳ nỗ lực nào hướng tới triển khai bản ghi nhớ trên thực tế.

Về phần mình, Nga nhiều khả năng không đồng ý trao địa vị "Khu vực an ninh Thổ Nhĩ Kỳ" cho các vùng lãnh thổ tại Idlib mà quân đội Syria chưa tái chiếm được.

Một địa vị không chính thức như vậy đã được trao cho các khu vực nơi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các chiến dịch trước đây như Lá chắn Euphrates, Cành Olive và Mùa xuân Hòa bình.

Cùng thời điểm đó, cũng có những nghi ngờ về khả năng các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tại Idlib đã sẵn sàng tiến hành một cuộc phản công. Việc triển khai quân hiện nay được xem như là một bằng chứng cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ không thực sự sẵn sàng và chưa có một kế hoạch kỹ càng.

Nếu các lực lượng của Chính quyền Syria vượt qua giữa các vị trí trú đóng của Thổ Nhĩ Kỳ mà không phải đối mặt với một cuộc phản công của Ankara, quân đội Syria có thể tiến thẳng tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, thiết lập sự kiểm soát hoàn toàn khu vực giảm căng thẳng Idlib và phong tỏa các căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.

Một kịch bản như vậy sẽ là sự thất bại thảm hại đối với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trước cử tri ủng hộ và vì lẽ đó ông Erdogan ít có khả năng cho phép điều này xảy ra.

Khó xảy ra khả năng quân đội Syria có thể phong tỏa và tránh khỏi sự tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng ước tính lên tới 7.000-9.000 quân tại Idlib.

Xung đột tại Syria: Không gian hẹp cho các bên ở Idlib ảnh 2Máy bay quân sự của Nga bay trên bầu trời tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria ngày 7/9/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nếu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chống lại các cuộc tấn công của quân đội Syria có hiệu quả, Ankara sẽ gây sức ép buộc Chính quyền Syria dừng các hoạt động tại Idlib.

Tất cả các cuộc tấn công khác của Syria sẽ bị ngăn chặn tương tự. Vậy là sự phân cách các khu vực ảnh hưởng tại Idlib sẽ trở thành hiện thực cùng với đường dây liên lạc giữa quân đội Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau khi có sự phân định tạm thời, có thể hình thành một thỏa thuận tính đến thực trạng mới tại khu giảm căng thẳng Idlib. Tất cả phụ thuộc vào quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ và sự sẵn sàng cho hành động cứng rắn, không dừng lại ở các tuyên bố.

Trong bất kỳ tình huống nào, Moskva và Ankara không muốn cắt đứt quan hệ và khả năng tiếp tục tìm kiếm giải pháp cho Idlib.

Thậm chí yêu cầu cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ về quân đội Syria rút lại phía sau đường giới tuyến đã được thiết lập theo bản nghi nhớ Sochi cũng không bao gồm việc đưa trở lại các nhóm đối lập đến các khu vực này hoặc những khu vực này được chuyển cho nhóm Hayat Tahrir al-Sham.

Ví dụ, những khu vực mà quân đội Syria đã chiếm tại Idlib có thể được quân cảnh Nga và Trung đoàn 5 thân Nga kiểm soát.

Lực lượng này bao gồm Lữ đoàn 8 được hình thành từ các tay súng "đã được hòa giải" từ các nhóm Syria đối lập. Điều này sẽ hạn chế cuộc phản công từ phía Thổ Nhĩ Kỳ. Nói cách khác, vẫn còn không gian cho một thỏa hiệp thực sự giữa các bên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.