Xung đột tại Ukraine: Kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 1.600 tỷ USD

Cuộc xung đột ở Ukraine đã dẫn đến sự gián đoạn của hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời khiến cho giá năng lượng tăng vọt dẫn tới lạm phát toàn cầu tăng mạnh.
Người dân mua thực phẩm tại một khu chợ ở Toronto, Canada. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân mua thực phẩm tại một khu chợ ở Toronto, Canada. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 22/2, kênh truyền hình N-TV dẫn một nghiên cứu của Viện Kinh tế Đức Cologne cho biết cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu hơn 1.600 tỷ USD.

Gián đoạn hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu

Xung đột Nga-Ukraine đang làm gián đoạn hoạt động vận chuyển, khiến một số doanh nghiệp cân nhắc lại cách tiếp cận đối với chuỗi cung ứng.

Chuỗi cung ứng toàn cầu đang phải đối diện với 5 thách thức: lạm phát, bất ổn thị trường lao động, thiếu năng lượng, sự không chắc chắn về địa chính trị, thời tiết khắc nghiệt.

Nhưng theo nhiều chuyên gia, đây cũng là cơ hội để các công ty tính toán lại chiến lược của họ, và đầu tư vào các công nghệ giúp họ giải quyết các sóng gió đang nổi lên.

[Kinh tế thế giới vẫn oằn mình từ tác động của xung đột Nga-Ukraine]

Các công ty đã có những biện pháp thích nghi khác nhau để đa dạng hóa sản xuất và không phụ thuộc vào một nguồn cung ứng hay quốc gia nào.

Việc xây dựng một mạng lưới cung ứng thay cho một chuỗi cung ứng duy nhất sẽ làm tăng độ phức tạp vì có nhiều nhà cung cấp các sản phẩm giống nhau.

Tuy nhiên, lựa chọn này lại có thể làm giảm rủi ro một khi xảy ra cú sốc về nguồn cung.

Giá năng lượng tăng vọt

Cuộc xung đột Ukraine và các biện pháp trừng phạt sau đó của phương Tây đã tạo ra áp lực mới đối với nguồn cung dầu khí vốn đã căng thẳng do sự phục hồi kinh tế nhanh chóng sau đại dịch.

Các công ty năng lượng hàng đầu thế giới đã nhanh chóng rút lui khỏi Nga và “xóa sổ” các tài sản trị giá hàng chục tỷ USD.

Các quốc gia châu Âu đang vật lộn để đảm bảo rằng họ có thể giữ cho hệ thống chiếu sáng công cộng và tư gia vẫn hoạt động và người dân của họ không bị chết cóng trong mùa Đông thiếu nguồn cung năng lượng năm nay.

Giá khí đốt đạt mức cao nhất trong nhiều năm và giá dầu chạm mức xấp xỉ 140 USD/thùng, gần mức kỷ lục mọi thời đại, thúc đẩy vòng xoáy lạm phát hậu đại dịch và là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở nhiều quốc gia.

Lạm phát càn quét toàn cầu

Xung đột Ukraine kéo theo “cơn bão” lạm phát “càn quét” khắp các nền kinh tế. Cùng với suy giảm tăng trưởng ở Mỹ và Trung Quốc, hai đầu tàu kinh tế thế giới, tất cả đã và đang “bóp nghẹt” đà tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.

Theo phân tích của Ngân hàng Thế giới (WB), lạm phát đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, tác động đến toàn bộ các nước tiên tiến, gần 90% số các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.

Giá năng lượng tăng cộng với tình trạng thiếu lương thực làm gia tăng lạm phát. Nếu lạm phát tiếp tục tăng trong một thời gian dài, nguy cơ kinh tế tăng trưởng chậm lại hoặc suy thoái kết hợp với lạm phát phi mã có thể xảy ra.

Một năm sau khi nổ ra xung đột giữa Nga và Ukraine, các nước châu Âu rơi vào thế khó, khi chịu tác động của lạm phát, khủng hoảng năng lượng, trong khi tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Tại châu Âu, xung đột Nga-Ukraine đã khiến lạm phát tại Pháp gia tăng. Giá cả tại nước này tăng lên mức kỷ lục kể từ tháng 2/2022.

Số liệu của Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (INSEE) cho thấy lạm phát tại Pháp ở mức 5,2% trong năm 2022, so với mức 1,6% trong năm 2021 và 0,5% trong năm 2020.

Ngoài ra, trong quý 4 năm 2022, sáu nền kinh tế ở Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng trưởng âm, trong đó có Đức và Italy, với các mức tương ứng là -0,2% và -0,1%.

Còn tại châu Á, giá tiêu dùng (thước đo chính của lạm phát) ở Hàn Quốc cũng đã tăng 5,2% trong tháng 1 so với một năm trước đó (mức tăng của tháng 12/2022 là 5%). Đây cũng là mức tăng lạm phát 5% hoặc cao hơn trong tháng thứ 9 liên tiếp.

Ông Michael Gromling, một trong những tác giả nghiên cứu của Viện Kinh tế Đức Cologne, lưu ý rằng do triển vọng kinh tế không rõ ràng, chi phí tài chính tăng và chi phí lợi ích đầu tư tăng lên, các doanh nghiệp trên toàn thế giới đang quay lưng lại với các khoản đầu tư mới.

Nghiên cứu dự báo tổng thiệt hại của nền kinh tế toàn cầu năm 2023 sẽ thấp hơn một chút so với năm 2022 căn cứ theo dự báo thị trường năng lượng và tài nguyên thế giới bớt căng thẳng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các nước đang phát triển trong năm nay sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn năm trước./

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.