Xung quanh chuyện tuyển dụng viên chức "kỳ lạ" ở huyện Thạch Thất

Câu chuyện “bỗng dưng thất nghiệp” của hàng chục cán bộ dân số thuộc 23 xã của huyện Thạch Thất, Hà Nội đã đặt ra rất nhiều câu hỏi về quy trình tuyển dụng viên chức.
Sau kỳ tuyển dụng viên chức lạ kỳ tại Thạch Thất, nhiều cán bộ cũ bỗng dưng tay trắng vì thất nghiệp (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+)

Sau nhiều năm công tác ở vị trí chuyên trách dân số xã, hàng chục nữ cán bộ bỗng dưng rơi vào cảnh thất nghiệp, trắng tay bởi một kỳ thi viên chức không rõ ràng. Ngày ngày, họ đội đơn kêu cứu, gõ cửa rất nhiều phòng, ban… để đòi lại quyền lợi vốn đã ít ỏi, còm cõi của mình nhưng mọi hy vọng vẫn dần rơi vào thinh không.

Câu chuyện “bỗng dưng thất nghiệp” của hàng chục cán bộ chuyên trách dân số thuộc 23 xã của huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội đã đặt ra rất nhiều câu hỏi về quy trình tuyển dụng viên chức cũng như trách nhiệm của các bên có liên quan.

Bài 1: Kỳ tuyển dụng “cá mè một lứa” tại huyện Thạch Thất

Tiến hành kỳ tuyển dụng viên chức vào 4 đơn vị sự nghiệp với những đặc thù công việc cũng như yêu cầu hết sức khác nhau nhưng Hội đồng tuyển dụng huyện Thạch Thất lại “mạnh dạn” sử dụng một đề thi chung thuần về kiến thức luật để làm căn cứ. Không thực hành, không phân loại nhóm đối tượng thi theo ngành nghề, vị trí làm việc, kết quả của kỳ tuyển dụng viên chức năm 2015 tại huyện Thạch Thất, Hà Nội đang bị đặt trước dấu hỏi về tính minh bạch và công bằng.

Kỳ tuyển dụng lạ lùng

Theo kế hoạch tuyển dụng viên chức vào các đơn vị sự nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất năm 2015, toàn huyện này có 61 chỉ tiêu thuộc 4 lĩnh vực khác nhau bao gồm: Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng, Trung tâm dạy nghề huyện, Trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình và viên chức làm công tác dân số kế hoạch hóa gia đình thuộc các xã, thị trấn.

Ngay trong mỗi lĩnh vực được xét tuyển cũng có nhiều vị trí khác nhau. Cụ thể, tại Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng, phần lớn chỉ tiêu là kỹ sư, bên cạnh đó còn có chỉ tiêu làm kế toán. Tương tự là trường hợp của Ban bồi thường giải phóng mặt bằng với các vị trí chuyên viên, kỹ sư; Trung tâm dạy nghề với vị trí giáo viên.

Cũng theo kế hoạch trên, hình thức tuyển dụng là xét tuyển với hai nội dung bao gồm kết quả học tập và phần kiểm tra, sát hạch thông qua thực hành về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến vị trí tuyển dụng.

Đáng ngạc nhiên hơn, phần thi viết được xác định là “thông qua thực hành” trên lại chỉ được giới hạn xung quanh các kiến thức về luật viên chức, thông tư về… thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính, chương trình cải cách hành chính và chức năng nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị đăng ký dự tuyển.

Chị Khuất Thị Chiều, nguyên cán bộ chuyên trách dân số xã Cẩm Yên cũng là một trong số rất nhiều người đã tham dự vào kỳ tuyển dụng viên chức năm 2015 của huyện Thạch Thất. Mặc dù kỳ tuyển dụng đã trôi qua hơn 4 tháng, chị Chiều vẫn chưa hết bức xúc.

Người phụ nữ 41 tuổi chia sẻ: “Mặc dù theo kế hoạch nêu rất rõ là thực hành về năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến vị trí ứng tuyển nhưng thực tế khi cầm đề, chúng tôi mới ngã ngửa ra vì toàn bộ các câu hỏi đều chỉ xoay quanh luật viên chức và các nội dung khác có liên quan.”

Đề kiểm tra sát hạch chỉ thuần túy các câu hỏi về Luật... (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chị Chiều cũng cung cấp cho phóng viên đề kiểm tra sát hạch tuyển dụng viên chức loại B tại kỳ thi được tổ chức vào ngày 25/7/2015 vừa qua. VietnamPlus ghi lại nguyên văn:

Câu 1: (40 điểm) Hãy nêu quyền và nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp được quy định trong Luật Viên chức năm 2010 và cho biết trong Luật viên chức năm 2010, đơn vị sự nghiệp công lập được và không được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức trong trường hợp nào?

Câu 2: (40 điểm) Anh (chị) hãy nêu các trường hợp và nguyên tắc xử lý trách nhiệm bồi thường, hoàn trả được quy định tại Nghị định 27/2012/NĐ-CP ngày 06 tháng 04 năm 2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức.

Câu 3: (20 điểm) Anh (chị) hãy cho biết quy định về chế độ và nội dung tập sự đối với người trúng tuyển viên chức được quy định trong Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Ghi chú: Không được sử dụng tài liệu

Đề kiểm tra sát hạch của các ngạch tuyển dụng viên chức khác trong cùng đợt này cũng chỉ đề cập đến thuần túy lý thuyết tương tự như đề thi chúng tôi đã trích dẫn ở trên.

Theo một lãnh đạo của Trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình huyện Thạch Thất: “Đề kiểm tra cũng có phân loại trình độ Trung cấp hay trình độ Đại học, các đề này tuy có khác nhau chút ít nhưng nội dung câu hỏi cũng đều xoay quanh kiến thức về Luật viên chức…”

Kết quả có khách quan?

Như vậy, căn cứ theo nội dung các đề kiểm tra sát hạch tuyển dụng viên chức B đã dẫn chứng ở trên hay đề kiểm tra A0, A1, có thể thấy rõ, không quan tâm các ứng viên đăng ký dự tuyển vào ngành nào, đặc thù chuyên môn nghiệp vụ ra sao, họ được giao cho thực hiện 1 trong những bài kiểm tra mang tính chất “đánh đồng” với một loạt câu hỏi rất chung chung về “Luật viên chức”. Hiểu nôm na, nghiệp vụ về dân số của anh được định đoạt bằng kiến thức Luật viên chức, chuyên môn quản lý dự án đầu tư xây dựng được đánh giá bằng Luật viên chức. Nếu trong viễn cảnh đợt tuyển viên chức có thêm một ngành nghề khác liên quan đến giáo dục, y tế, thì sau cùng, chỉ cần thuộc làu Luật viên chức là được…

“Từ kỹ sư, chuyên viên, kế toán, giáo viên đến cán bộ dân số đều chỉ chung những câu hỏi thuần về luật và các nghị định chứ không hề phân loại được trình độ chuyên môn,” chị Chiều bức xúc.

Cũng là người tham gia kỳ tuyển dụng viên chức năm 2015, chị Chu Thị Thêu, nguyên cán bộ dân số xã Thạch Xá thắc mắc: “Phần thực hành chiếm đến 50% tổng số điểm để xét tuyển lại không có nội dung chuyên biệt cho từng ngành nghề là hết sức vô lý.”

Để tiện so sánh, chị Thêu tiếp tục cung cấp cho phóng viên kế hoạch số 156/KH-UBND của Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất ban hành ngày 20/11/2012 về kế hoạch tuyển viên chức năm 2012.

Đây được coi là tiền thân của kế hoạch tuyển viên chức năm 2015 vừa qua. Mặc dù đã bị tạm hoãn do những điều chỉnh về chính sách từ Bộ Nội Vụ nhưng văn bản 156/KH-UBND lại có những điều mục hết sức chi tiết về cách thức xét, thi tuyển. Cụ thể, người dự tuyển viên chức vào thời điểm đó phải thực hiện một bài thi kiến thức chung về luật, đường lối chủ trương chính sách; một bài thi chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành dưới hình thức trắc nghiệm về thực hành phỏng vấn và hai môn điều kiện là Tiếng Anh và Tin học văn phòng.

Trong kế hoạch tiền thân của kỳ tuyển dụng viên chức năm 2015, có ghi rất chi tiết các môn thi mà ứng viên phải thực hiện (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tuy nhiên, sau hơn 2 năm bị tạm hoãn, đến năm 2015, bản kế hoạch vốn hết sức chi tiết và mang tính phân loại cao trên lại trở nên giản lược đến khó tin. Tất cả các vị trí khác biệt nhau về đặc thù tính chất công việc đã vô tình “được” Hội đồng tuyển dụng viên chức cào bằng theo kiểu “cá mè một lứa.”

Cách thức xét tuyển như trên được coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng không ít cán bộ với thâm niên công tác lâu năm với nhiều kinh nghiệm vẫn bị đánh trượt.

Chỉ riêng tại lĩnh vực cán bộ dân số cấp xã, phường, các chị Chu Thị Thê, Khuất Thị Chiều, Kiều Thị Thơi… đều có ít nhất 6 năm công tác tại đều không thể vượt qua kỳ thi này.

Theo Luật sư Trần Đình Triển, Văn phòng Luật sư Vì dân: Khi tiến hành các bài kiểm tra sát hạch cần phải đảm bảo đúng nội dung, tính chất, phù hợp với đặc thù công việc ứng tuyển. Vì vậy, Luật sư Triển cho rằng, ngoài phần kiến thức chung cần có nội dung thi liên quan đến trình độ chuyên môn, thực hành của người dự tuyển.

“Ngược lại, nếu đưa ra một đề gồm toàn câu hỏi chung cho tất cả mọi ngành để chấm là không được,” trưởng văn phòng Luật Vì Dân nhấn mạnh.

Đáng buồn hơn, sau kỳ xét tuyển năm 2015, 12/23 cán bộ dân số cấp xã của Thạch Thất hiện “bỗng dưng thất nghiệp”, đối mặt với rất nhiều khó khăn. Ngày qua ngày, họ vẫn miệt mài đội đơn, gõ cửa các cơ quan chức năng mong đòi lại được phần quyền lợi vốn dĩ rất còm còi của mình nhưng tất cả cố gắng vẫn đang rơi vào thinh không.

Trong khi đó, cách thức và kết quả của kỳ thi viên chức năm 2015 tại huyện Thạch Thất vẫn đang đặt ra rất nhiều dấu hỏi?

Bài 2: Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng huyện: Trong đề chung có cái riêng?

Trước thắc mắc về đề thi 4 chung cho 4 ngành nghề, ông Nguyễn Mạnh Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất, Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng viên chức 2015 cho rằng: Trong đề chung vẫn sẽ có những phần riêng. Tuy nhiên, khi được yêu cầu chỉ rõ riêng ở điểm nào thì ông Hồng không ​trả  lời được.

Trong khi đó, đại diện Trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình huyện này cũng thừa nhận với phóng viên: Với đề thi như vậy, việc đỗ được cũng chỉ là ăn may…

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục