Các chuyên gia cho rằng một khi thuốc lá điếu - sản phẩm được cho là độc hại nhất trong các sản phẩm thuốc lá hiện nay - vẫn được kinh doanh hợp pháp, thì việc đưa các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, thuốc lá ngậm… vào quản lý là việc không thể né tránh hay chần chừ, đặc biệt khi các sản phẩm này vốn vẫn đang tồn tại trên thị trường chợ đen theo quy luật cung-cầu gần 10 năm nay.
Nâng cao năng lực quản lý và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia tiên tiến
Các chuyên gia được hỏi ý kiến đều ủng hộ đề xuất của Bộ Công Thương cho phép thí điểm thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, thuốc lá ngậm,…) nhưng nhấn mạnh rằng cần phải có khung hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể để quản lý chặt chẽ tất cả các sản phẩm thuốc lá.
Đưa thuốc lá thế hệ mới vào quản lý cũng là cách giúp Bộ Y tế bớt “còng lưng” giải quyết các hệ lụy sức khoẻ cộng đồng do thuốc lá điếu hoặc do vấn nạn ma túy trá hình dưới vỏ bọc thuốc lá điện tử lậu gây ra.
Trên thực tế, các quốc gia tiên tiến cũng từng bắt đầu quản lý thuốc lá thế hệ mới với “zero” kinh nghiệm.
Họ cũng phải từng bước nâng cao năng lực quản lý, phối hợp giữa việc lắng nghe giới khoa học và đánh giá khách quan tác động thực tiễn của sản phẩm đối với sức khỏe người dùng, sức khỏe cộng đồng…
Đến nay, các quốc gia này đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong cuộc chiến chống và giảm tác hại thuốc lá, trong số đó có thể nhắc đến trường hợp của Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Thụy Điển, Na Uy, Canada, New Zealand…
Tại Việt Nam, trong những năm qua, nhiều chuyên gia y tế và pháp lý đã kêu gọi đưa những sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vào quản lý dưới Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá hiện hành.
Gần đây nhất, trong một tọa đàm về “Xu hướng giảm tác hại thuốc lá”, PHó Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ Trần Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Liên chi Hội Hô hấp Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Cần phải quản lý thuốc lá thế hệ mới và tham khảo những chính sách quản lý tốt trên thế giới. Vấn đề quản lý chặt chẽ chừng nào là do trình độ của chúng ta.”
[Cần sớm hoàn thiện chính sách quản lý các loại thuốc lá thế hệ mới]
Tại một tọa đàm khác với chủ đề “Quản lý thuốc lá thế hệ mới - Cần góc nhìn mới” đầu năm nay, bà Nguyễn Quỳnh Liên - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự-hành chính, Bộ Tư pháp cho biết hiện các quốc gia đi trước trong lĩnh vực này như Mỹ, Anh, Nhật, New Zealand,... không cấm sản phẩm để tránh tình trạng buôn lậu khó kiểm soát.
Thay vào đó, chính phủ các nước này chỉ cấm một số hương liệu tinh dầu, mùi vị gây thu hút giới trẻ, và ngăn chặn giới trẻ không được phép tiếp cận sản phẩm bằng nhiều biện pháp, đặc biệt các quy định kinh doanh nghiêm ngặt đối với kênh bán lẻ.
Quản lý thuốc lá thế hệ mới và việc giảm gánh nặng cho ngành y tế cùng các bên liên quan
Các chuyên gia cho biết, ngày càng có nhiều nghiên cứu khoa học độc lập và nhiều tổ chức y tế trên thế giới khẳng định các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới dựa trên nguyên lý “không khói (không đốt cháy)” được khoa học kiểm nghiệm là giải pháp giảm hại so với thuốc lá điếu thông thường.
Một số báo như Guardian và Bloomberg mới đây cũng đưa tin về đánh giá mới nhất của Đại học King’s College London do Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội Anh ủy quyền thực hiện.
Kết quả này dựa trên hơn 400 nghiên cứu khoa học đã được công bố trên toàn cầu, chỉ ra những người hút thuốc lá điếu chuyển sang sử dụng thuốc lá thế hệ mới sẽ giảm đáng kể “khả năng tiếp xúc với các chất độc hại gây ung thư, bệnh phổi và tim mạch.”
Đồng thời, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ, từ 0,6-0,7% những người chưa từng hút thuốc mà bắt đầu sử dụng thuốc lá thế hệ mới.
Lion Shahab, Giáo sư Sức khỏe Tâm lý, Khoa Khoa học Hành vi và Sức khỏe, Viện Dịch tễ và Y tế Anh đánh giá: “Báo cáo mới nhất này sẽ trấn an các nhà hoạch định chính sách và cơ quan y tế rằng, việc khuyến khích những người không thể cai thuốc lá chuyển đổi sang các sản phẩm giảm tác hại này sẽ có lợi cho sức khỏe cộng đồng.”
Trên thế giới, mỗi năm, thuốc lá gây thiệt hại cho nền kinh tế 500 tỷ USD. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm người dân chi 31.000 tỷ đồng mua thuốc lá.
Ngoài tổn thất của việc mua thuốc hút, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa-hô hấp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) do hút thuốc gây ra là hơn 23.000 tỷ đồng trong một năm.
Trên thực tế, tất cả các loại thuốc lá đều có hại, cấm hoàn toàn tất cả các sản phẩm thuốc lá là tối ưu.
Nhưng khi thuốc lá điếu độc hại nhất vẫn đang được phép kinh doanh hợp pháp trên toàn cầu thì giải pháp giảm tác hại cần được xem xét theo nhu cầu thực tiễn của cung-cầu vì quyền lợi chính đáng của 17 triệu người đang hút thuốc chưa thể cai được tại Việt Nam.
Trong bối cánh đó, việc quản lý thuốc lá thế hệ mới bằng luật sẽ góp phần giảm đáng kể gánh nặng cho ngành y tế, các cơ quan quản lý thị trường, nhất là trong công tác phòng chống buôn lậu./.