Theo yêu cầu của liên minh quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Iraq chịu trách nhiệm giam giữ và xét xử các tay súng nước ngoài, bao gồm nhiều người Pháp.
Vấn đề được đặt ra là nên xử lý như thế nào với 2.000 chiến binh thánh chiến nước ngoài mà Iraq đang tạm giam giữ trong các nhà tù chật chội và kém an ninh.
Vấn đề nhạy cảm này không chỉ làm đau đầu chính quyền Baghdad mà cả các quốc gia quê hương của những tay súng đã gia nhập IS ở Syria và sau đó ở Iraq từ năm 2013.
Các quốc gia cho đến nay vẫn từ chối hồi hương công dân đã đi theo chủ nghĩa khủng bố.
Báo Le Figaro của Pháp cho hay kể từ đầu năm 2018, tòa án Iraq đã ra phán quyết đối với 514 trường hợp.
Tuần trước, 11 tay súng IS là công dân Pháp đã bị kết án tử hình. Hiện nay, 30 người nước ngoài khác đang trong quá trình xét xử và hơn 200 trường hợp đang được điều tra.
Đối với Baghdad, đây là gánh nặng lớn. Đặc biệt là trong số những chiến binh này, nhiều người đã được chuyển đến từ phía Đông Bắc Syria, nơi họ đã bị bắt giữ bởi các lực lượng dân chủ Syria (FDS), một đồng minh của phương Tây trong cuộc chiến chống lại IS. Hiện FDS cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý hàng nghìn tù nhân.
Ngoài 11 người Pháp vừa bị kết án ở Baghdad, hơn 80 người khác trước đó bị cầm tù ở Syria đã được bàn giao kín đáo - với sự đồng ý của Paris - cho cơ quan tình báo Baghdad từ tháng 11/2018.
Tương lai sẽ có nhiều vụ chuyển tù binh khác từ phía Đông Bắc Syria đến Baghdad do khoảng 450 tay súng IS quốc tịch Pháp hiện đang bị người Kurd bắt giữ hoặc quản lý trong các trại tị nạn, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em.
[Tòa án Iraq tiếp tục tuyên án tử hình thêm 2 công dân Pháp]
Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Pháp Laurent Nunez mới đây đã xác nhận vụ việc này nhưng không đưa ra con số chính xác.
Theo một số nguồn tin, Iraq vẫn giữ hơn 120 công dân Pháp đang chờ xét xử, bao gồm một số người bị bắt trên lãnh thổ Iraq trong trận chiến tại Mosul vào mùa Hè năm 2017 và tại Tall Afar, phía Bắc Iraq.
Còn rất lâu Baghdad mới có thể kết thúc các phiên tòa xét xử một số lượng lớn tù nhân đến từ khắp nơi trên thế giới từng tham gia hàng ngũ chiến binh thánh chiến.
Phải thừa nhận rằng, Baghdad sẵn sàng giúp đỡ các đồng minh phương Tây vì cho rằng mình phải có trách nhiệm trong việc xét xử các tội ác do khủng bố IS đã gây ra trên vùng đất nằm giữa Iraq và Syria.
Đổi lại, Chính phủ của Thủ tướng Iraq Adel Abdel-Mahdi cũng yêu cầu phương Tây bồi thường tài chính cho các hoạt động giam giữ, xét xử và cung cấp thực phẩm cho số tù binh này. Tổng chi phí có thể lên tới 2 tỷ USD, theo ước tính của một bộ trưởng Iraq.
Trên thực tế, theo một số nguồn tin, Iraq yêu cầu 1 triệu USD cho mỗi tay súng IS nước ngoài được chuyển từ Syria và bị kết án tử hình, cũng như 2 triệu USD cho mỗi tù nhân chịu bản án chung thân. Điều này tương ứng với tổng số tối đa 2 tỷ USD khi người ta biết rằng hiện có khoảng 1.000 tù binh liên quan.
Một nguồn tin Iraq cho biết trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào giữa tháng Năm vừa qua, Thủ tướng Adel Abdel-Mahdi đã đề cập đến vấn đề bồi thường nói trên.
Tuy hiện nay cả Điện Elysée và Đại sứ quán Iraq tại Paris đều từ chối bình luận về việc này, song nguồn tin trên khẳng định rằng sớm hay muộn Iraq sẽ gửi yêu cầu đến chính quyền Pháp.
Khoản tiền bồi thường từ 180-270 triệu euro (khoảng 200-300 triệu USD) không phải là lớn nếu so sánh với chi phí chính trị và xã hội khi Pháp phải hồi hương tất cả những công dân đi theo IS này.
Pháp không phải là nước duy nhất chuyển giao các tù binh từ Syria sang Iraq. Kể từ cuối năm 2017 đến hết năm 2018, Mỹ đã chuyển khoảng 30 tù binh nước ngoài sang các căn cứ quân sự của Mỹ ở Jordan và Iraq để thẩm vấn.
Ba người trong số họ sau đó đã bị tòa án Iraq kết án tử hình và 5 người khác chịu án tù chung thân. Những chiến binh thánh chiến này đến từ Bỉ, Pháp, Đức, Australia, Ai Cập và Maroc.
Một nhà ngoại giao Iraq cho biết Mỹ đang bực tức các quốc gia khác vì sự chậm chạp trong vấn đề xử lý tù binh. Mới đây, Washington đã hồi hương 2 phụ nữ Mỹ theo IS cùng 6 con nhỏ ở miền Đông Bắc Syria.
Tại Baghdad cũng như Paris, vụ việc đang được xử lý ở mức độ thận trọng tối đa. Đối lập với mong muốn của gia đình các tù binh Pháp cùng các luật sư của họ, dư luận nói chung phản đối sự hồi hương những công dân đã đi theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan này.
Tuy nhiên, trước phán quyết mới đây dành cho 11 tay súng người Pháp, Paris đã nhắc nhở Baghdad - nhưng một cách yếu ớt - rằng họ phản đối án tử hình.
Mỗi tù nhân bị kết án sẽ có 30 ngày để kháng cáo. Liệu Iraq có giảm án tử hình vừa tuyên hay không?
Theo Bộ trưởng Tư pháp Pháp Nicole Belloubet: "Vẫn còn quá sớm để xem xét việc này… câu trả lời thuộc về tòa án Iraq."
Một nguồn tin khác khẳng định Iraq sẽ không xem xét lại bản án, vì nếu Iraq chấp nhận yêu cầu của một quốc gia thì cũng sẽ phải làm như vậy đối với tất cả các quốc gia khác. Điều đó liên quan đến gần 2.000 tù nhân nước ngoài đang đối mặt với án tử hình. Và Iraq sẽ phải xây thêm rất nhiều nhà tù.
Tuy nhiên, ai sẽ thanh toán chi phí xây dựng và quản lý các nhà tù này? Baghdad không thể đảm nhiệm gánh nặng một mình.
Người ta cũng e ngại trước nguy cơ cai ngục địa phương sẽ thông đồng với tù nhân để giúp họ trốn thoát. Trong khi đó, việc huy động lực lượng bảo vệ tư nhân quốc tế sẽ làm tăng chi phí vận hành nhà tù.
Ý tưởng về một tòa án quốc tế cũng đã được đề cập đến, nhất là giữa các nước châu Âu. Tuy nhiên, sự ra đời của tòa án này sẽ còn rất lâu mới trở thành hiện thực.
Giữa Paris và Baghdad, các cuộc đàm phán đặc biệt nhạy cảm đã dẫn đến việc Pháp phải cung cấp cho Iraq thông tin tình báo thu được qua mạng lưới vệ tinh gián điệp, nhằm tiếp tục tìm kiếm giải pháp cho vấn đề nhức nhối liên quan đến các công dân Pháp theo IS đang bị giam giữ trong các nhà tù Iraq./.