Ý kiến chuyên gia: Quản lý ngay thuốc lá làm nóng theo luật hiện hành

Việc sớm có khung pháp lý phù hợp cho mặt hàng này sẽ giúp các cơ quan chức năng thực thi nghiêm minh các mức hình phạt cụ thể, xác đáng đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan.
Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Tọa đàm “Thuốc lá thế hệ mới: Đủ điều kiện để quản lý ngay theo luật hiện hành” diễn ra tại Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút sự tham gia của nhiều đại diện các cơ quan, ban ngành.

Trong đó, có các đại biểu thuộc cơ quan quản lý, như ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương; ông Trần Văn Dũng, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý Thị trường, Bộ Công Thương; ông Vũ Hoài Linh, đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính; ông Đặng Thái Thiện, Phó trưởng Phòng giám sát Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh; ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam; cùng với các chuyên gia như bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó giáo sư, Tiến sỹ, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Hội Dược học Việt Nam, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh và Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.

Thiếu khung pháp lý: Khó quản lý thuốc lá thế hệ mới

Tọa đàm là nơi để các bộ ngành liên quan và các chuyên gia trình bày quan điểm, kiến nghị, đề xuất giải pháp để quản lý hiệu quả thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá thế hệ mới).

Đồng thời các ý kiến trong tọa đàm cũng nhằm mục đích góp phần hoàn thiện khung pháp lý nhằm nâng cao năng lực kiểm soát mọi loại sản phẩm thuốc lá của quốc gia, cũng như chấm dứt tình trạng thả lỏng cho thị trường chợ đen hoành hành, gây khó khăn cho công tác kiểm soát buôn lậu và thiệt hại cho ngân sách Nhà nước lẫn sức khỏe người dùng.

[Thuốc lá thế hệ mới dự kiến sẽ là tâm điểm thảo luận tại COP 10]

Ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục công nghiệp, Bộ Công thương lý giải: “Ở Việt Nam, trong nhiều năm qua, chúng ta thấy rõ thực trạng là  thuốc lá thế hệ mới chưa có hệ thống chính sách quản lý, chưa được phép lưu hành hay thương mại hóa dưới rất nhiều hình thức. Sản phẩm này có thể mua bán trực tiếp hoặc thông qua Internet.

Hầu hết các sản phẩm này đều được nhập qua hình thức là đường sân bay, buôn lậu và không được quản lý về mặt chất lượng và nguồn gốc. Dù chưa được phép thương mại hóa nhưng lại được tiếp cận tương đối dễ dàng trên thị trường.

Do chưa có biện pháp quản lý và chế tài nên các hoạt động kinh doanh, quảng cáo phi pháp, vi phạm các quy định của pháp luật, nhà nước không thu được thuế, người dân sử dụng thì tiếp cận sản phẩm không rõ nguồn gốc và ảnh hưởng sức khỏe.”

Cần quản lý thuốc lá làm nóng theo luật hiện hành

Phó Chủ tịch hội Dược học Việt Nam kiêm Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại biểu Quốc hội, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Khánh Phong Lan cũng mong đợi một chính sách quản lý phù hợp với các chủ thể liên quan cần sớm được ban hành.

Bà nhấn mạnh, mọi đối tượng đều xứng đáng được bảo vệ, bao gồm giới trẻ, cộng đồng và quan trọng không kém là những người đang hút thuốc với độ tuổi hợp pháp - đối tượng chịu tác động trực tiếp.

“Trong định nghĩa thuốc lá trong Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đã quy định rõ sản phẩm thuốc lá là những sản phẩm sử dụng nguyên liệu thuốc lá một phần và toàn bộ cũng như các dạng khác. Chúng tôi chính là những người đã đóng góp ý kiến xây dựng luật này, vốn được thông qua năm 2012 và có hiệu lực từ năm 2013. Chúng ta không nói chuyện quản lý thuốc lá mới hay cũ vì bản chất chúng đều là thuốc lá. Không nhất thiết phải trình chính phủ quy định quản lý mới mà chỉ cần quy định lại cho rõ ràng cụ thể hơn để dễ quản lý,” bà Phạm Khánh Phong Lan nhìn nhận.

Ông Trần Văn Dũng, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng Cục quản lý thị trường, Bộ Công thương cũng góp ý: “thuốc lá thế hệ mới gồm 2 loại: thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử.

Với thuốc lá làm nóng, chúng ta có thể áp dụng các quy định của luật về thuốc lá để quản lý. Thuốc lá điện tử chưa được Nghị định 67 và các văn bản khác quy định rõ là nó thuộc thuốc lá. Với những mặt hàng độc hại chúng ta có thể cấm, nhưng những mặt hàng ít độc hại hơn như thuốc lá chúng ta sẽ đưa vào quản lý.”

Kết thúc tọa đàm, đại diện của các bộ ngành liên quan cùng các chuyên gia về y tế, pháp lý, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đều đồng thuận về tầm quan trọng và tính cấp bách của việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 67/2013 về kinh doanh thuốc lá, nhằm tạo điều kiện cho việc luật hóa thuốc lá thế hệ mới, hướng đến việc tìm ra giải pháp giảm tác hại cho thuốc lá điếu.

Đặc biệt, việc sớm có khung pháp lý phù hợp cho mặt hàng này sẽ giúp các cơ quan chức năng thực thi nghiêm minh các mức hình phạt cụ thể, xác đáng đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan./.

(PV/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục