Ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam của Thái tử kế vị Đan Mạch Frederik

Thái tử kế vị Frederik và Công nương Đan Mạch dẫn đầu đoàn doanh nghiệp lớn với trên 30 công ty chuyên về lĩnh vực xanh như năng lượng gió, quản lý và sử dụng năng lượng hiệu quả sang thăm Việt Nam.
Ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam của Thái tử kế vị Đan Mạch Frederik ảnh 1Bà Lina Hansen, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đan Mạch phụ trách Thương mại và Bền vững toàn cầu, trả lời phỏng vấn TTXVN. (Ảnh: Vũ Tùng/TTXVN)

Nhân dịp Thái tử kế vị Frederik cùng Công nương Đan Mạch thăm chính thức Việt Nam từ ngày 31/10-3/11 theo lời mời của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, phóng viên TTXVN có mặt tại Copenhagen đã phỏng vấn bà Lina Hansen, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đan Mạch phụ trách Thương mại và Bền vững toàn cầu, về mục đích và ý nghĩa chuyến thăm cũng như triển vọng hợp tác giữa hai nước.

Chia sẻ về mục đích và ý nghĩa chuyến thăm, Thứ trưởng Lina Hansen cho biết Thái tử kế vị Frederik và Công nương Đan Mạch dẫn đầu một đoàn doanh nghiệp lớn với trên 30 công ty chuyên về lĩnh vực xanh như năng lượng gió, quản lý và sử dụng năng lượng hiệu quả.

[Các doanh nghiệp Đan Mạch kỳ vọng lớn vào cơ hội đầu tư tại Việt Nam]

Mục đích của chuyến thăm là nhằm thảo luận về tương lai xanh, tính bền vững và các giải pháp chung.

Thứ trưởng Đan Mạch bày tỏ tin tưởng chuyến thăm sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp Đan Mạch gặp gỡ các công ty và các chuyên gia Việt Nam, qua đó xây dựng các mối liên hệ cũng như với các cơ quan Việt Nam nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa giữa hai nước.

Về quan hệ song phương, Thứ trưởng Hansen cho biết Đan Mạch đã mở Đại sứ quán tại Việt Nam nửa thế kỷ trước và năm ngoái là kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương.

Hai nước có lịch sử quan hệ lâu đời, gắn kết rất sâu sắc không những giữa hai dân tộc mà kể cả giữa các doanh nghiệp hai bên.

Với việc hợp tác và chia sẻ của các chuyên gia Đan Mạch cũng như Việt Nam, Thứ trưởng Hansen kỳ vọng hai nước có thể xây dựng được các giải pháp sáng tạo và giải pháp xanh tốt hơn cho tương lai.

Để thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương, Thứ trưởng Hansen cho rằng việc xây dựng nền tảng cho quan hệ đối tác chính là biện pháp đẩy mạnh hơn nữa quan giữa hai nước, trong đó hai bên sẽ tổ chức các cuộc hội thảo thương mại và các cuộc thảo luận bàn tròn giữa các công ty và cơ quan nhà nước, kết nối và chia sẻ về kinh nghiệm cũng như kiến thúc nhằm thúc đẩy hiệu quả hơn nữa các cuộc thảo luận như vậy.

Theo bà, hướng đi này sẽ rất hữu ích và việc phái đoàn Đan Mạch tới Việt Nam lần này là một ví dụ tốt về cách hai nước có thể thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương.

Trước đó, trong buổi tiếp Đại sứ Lương Thanh Nghị sau lễ trình Quốc thư hồi tháng 5/2022 tại Cung điện Fredensborg, Nữ hoàng Margrethe II bày tỏ hài lòng trước sự phát triển không ngừng của quan hệ Việt Nam-Đan Mạch trong suốt 50 năm qua kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1971.

Quan hệ Việt Nam-Đan Mạch đã đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực truyền thống như chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại-đầu tư, giao lưu nhân dân, hợp tác nông nghiệp, giáo dục, lao động cho đến các lĩnh vực mới như chống biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Trên cơ sở các thành tựu đã đạt được trong hơn nửa thế kỷ qua, Nữ hoàng Margrethe II bày tỏ kỳ vọng quan hệ hai nước sẽ tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới theo hướng ngày càng toàn diện, thực chất, đi vào chiều sâu trên cơ sở tương đồng lợi ích giữa hai nước.

Nữ hoàng Margrethe II cũng nhắc lại chuyến thăm Việt Nam năm 2009, bày tỏ ấn tượng trước sự đón tiếp và tình cảm nồng hậu, chân tình, hiếu khách mà lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đã dành cho Nữ hoàng, Hoàng thân và gia đình Hoàng gia Đan Mạch.

Nữ hoàng Margrethe II rất xúc động khi kể về những năm tháng Hoàng thân Henrik (Cha của Thái tử kế vị Frederik) gắn bó với Việt Nam cũng như những kỷ niệm trong chuyến thăm năm 2009, coi đây là sợi dây kết nối tình cảm bền chặt giữa Hoàng gia Đan Mạch với đất nước và con người Việt Nam.

Chuyến thăm lần này sẽ là chuyến thăm lần thứ ba của Thái tử kế vị Frederik tới Việt Nam sau hai lần năm 2009 và 2011./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.