Ngày 12/12, các bên tham chiến tại Yemen đã nhất trí mở cửa trở lại sân bay quốc tế ở thủ đô Sanaa, hiện đang do phiến quân Houthi kiểm soát, cho phép thực hiện các chuyến bay nội địa.
Đây được coi là một trong những bước quan trọng nhằm xây dựng lòng tin giữa lực lượng chính phủ và phe phiến quân, đạt được trong vòng đàm phán hòa bình Yemen, do Liên hợp quốc bảo trợ, đang diễn ra tại Thụy Điển.
Hai bên cũng nhất trí các chuyến bay quốc tế sẽ dừng tại một sân bay do chính phủ kiểm soát để tiến hành các thủ tục kiểm tra trước khi bay tới hoặc bay ra khỏi thủ đô Sanaa.
Tuy nhiên, hiện hai bên vẫn chưa thống nhất được các thủ tục kiểm tra này sẽ diễn ra ở sân bay Aden hay sân bay Sayun.
Hiện sân bay Sanaa thuộc vùng lãnh thổ do phiến quân Houthi kiểm soát nhưng việc tiếp cận sân bay này bị liên minh Arab (do Saudi Arabia dẫn đầu) hạn chế vì đây là vùng không phận do liên minh này kiểm soát.
Vòng hòa đàm Yemen tại làng Rimno, Thụy Điển diễn ra từ ngày 6/12 và dự kiến kết thúc ngày 13/12.
Vòng đàm phán này đánh dấu lấn đầu tiên Chính phủ Yemen và phiến quân Houthi gặp nhau kể từ cuộc đàm phán năm 2016 nhằm kết thúc cuộc xung đột tại Yemen bị đổ vỡ.
[Chính phủ Yemen muốn nắm quyền kiểm soát thành phố cảng Hodeidah]
Theo Liên hợp quốc, vòng đàm phán lần này không nhằm mục tiêu tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột tại Yemen mà tập trung vào một số vấn đề chính như việc lập các hành lang nhân đạo, trao đổi tù nhân, mở cửa trở lại sân bay quốc tế tại thủ đô Sanaa và số phận của thành phố Hodeida gần bờ Biển Đỏ hiện do phiến quân kiểm soát.
Như vậy, cho tới nay, hai bên đã đạt được thỏa thuận về vấn đề trao đổi tù nhân và mở cửa trở lại sân bay quốc tế tại thủ đô Sanaa.
Hiện các nhà trung gian cũng đang thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn tại hai điểm nóng là thành phố Hodeida và Taiz, thành phố lớn thứ 3 tại Yemen, để mở đường cho các hoạt động vận chuyển hàng cứu trợ.
Cả phe chính phủ và phiến quân đều tiếp tục cáo buộc đối phương không sẵn sàng đàm phán, đặc biệt là về số phận của thành phố Hodeida, nơi có cảng lưu thông 90% lượng thực phẩm nhập khẩu và gần 80% số hàng cứu trợ tới quốc gia này.
Nhiều đề xuất đã được đưa ra cho các đoàn đàm phán nhưng chưa đề xuất nào nhận được sự ủng hộ.
Trong khi đại diện phiến quân cho rằng quá trình đàm phán đang có tiến triển chậm thì phía chính phủ khẳng định kiên định với Nghị quyết 2216 của Liên hợp quốc, trong đó kêu gọi phiến quân Houthi rút toàn bộ lực lượng khỏi các vùng bị phe này kiểm soát từ cuộc nổi dậy năm 2014 (gồm cả thành phố Hodeida).
Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi bùng phát xung đột giữa nhóm vũ trang Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh với các lực lượng ủng hộ chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi được quốc tế công nhận.
Tháng 3/2015, liên minh quân sự các quốc gia Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã can thiệp vào cuộc nội chiến ở Yemen để hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Hadi.
Theo Liên hợp quốc, hơn 10.000 người đã thiệt mạng tại Yemen kể từ khi liên minh Arab can thiệp quân sự.
Cuộc xung đột cũng đẩy Yemen vào cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới với gần 14 triệu người đứng trước nguy cơ bị đói./.