Yên Bái: Cuộc sống thấp thỏm của người dân dưới chân mỏ đá

Ông Hà Văn Huế, Bí thư Chi bộ xã Phong Dụ Hạ, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết có hơn 20 hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng khai thác đá trên mỏ với diện tích khoảng 4ha.
Mỏ đá đang làm ảnh hưởng đến người dân thôn 6 Làng Cang, xã Phong Dụ Hạ với diện tích khoảng 4ha. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Trong khoảng thời gian từ tháng 7-8/2021, người dân thôn 6, làng Cang, xã Phong Dụ Hạ, huyện Văn Yên (Yên Bái) đang canh tác trên nương của mình, bất ngờ đá từ trên mỏ của một công ty khai thác đã ào ào lăn xuống, khiến bà con hoảng sợ và bỏ chạy để đảm bảo tính mạng.

Mặc dù vậy, từ khi sự việc xảy ra đến nay, đơn vị khai thác đá vẫn chưa đến làm việc với chính quyền địa phương để giải quyết sự việc.

Gia đình chị Hoàng Thị Huệ ở thôn 6, làng Cang có khoảng 2.000 mét vuông đất làm nương ngô, mỗi vụ cho thu cũng đủ dùng chăn nuôi và bán để tăng thêm thu nhập. Thế nhưng năm nay, đá từ trên mỏ rơi xuống khiến không ai dám lên thu hoạch, mặc dù ngô đã đến ngày thu hái.

Chị Huệ không biết mỏ đá là của công ty nào, chỉ biết gần đây họ khai thác khiến đá lăn xuống nên bà con rất sợ. Chị Huệ bức xúc nói: “Đất này canh tác lâu lắm rồi, giờ ai cũng sợ không dám lên làm vì họ vẫn khai thác hàng ngày. Bây giờ phải tính thế nào cho dân chứ có mỗi ít đất mà phá thế này, không còn đất làm ăn…”

Anh Hoàng Quốc Việt, người dân thôn 6, làng Cang cũng cho biết, nhà anh có khoảng 3.000 mét đất màu mỡ để trồng ngô dưới chân núi và khoảng 2.000 mét vuông trồng quế đã trên 2 năm tuổi. Đây là đất xã giao cho bà con sử dụng và gia đình anh đã canh tác mấy chục năm nay, từ thế hệ trước, không thuộc mỏ đá. Vậy nhưng khi khai thác, doanh nghiệp không thông báo cho gia đình anh.

[Khai thác trái phép đá bazan, hai đối tượng bị phạt hơn 1 tỷ đồng]

Ngoài sự ầm ào của tiếng máy, tiếng đá rơi, gia đình anh nơm nớp lo khi đá từ mỏ lăn xuống nương, có tảng to như gian nhà. Do lo sợ, anh bỏ nương đang canh tác, gần 3.000 mét đất chưa cấy trồng đành bỏ hoang.

Người dân đã làm đơn gửi chính quyền địa phương đề nghị với doanh nghiệp, nếu thực hiện quyết định khai thác mỏ đá phải xem xét đền bù thỏa đáng cho bà con và phải hợp lý về vệ sinh môi trường và cảnh quan.

Ông Hà Văn Huế, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn 6, làng Cang, xã Phong Dụ Hạ bức xúc nói: "Có hơn 20 hộ dân bị ảnh hưởng bởi tình trạng khai thác đá trên mỏ với diện tích khoảng 4ha. Ngoài đá lăn uy hiếp tính mạng người dân, tàn phá nương ngô, nương quế thì tiếng ầm ào cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ, nếp sinh hoạt của bà con, chưa kể mỗi lần mưa lớn, nước từ mỏ đổ về ảnh hưởng đến nguồn nước sạch. Chúng tôi hướng dẫn người dân làm đơn lên chính quyền xã và đề nghị công ty khai thác mỏ đá làm việc với bà con. Trong khi chưa giải quyết, công ty vẫn cho công nhân làm trên núi đá.”

Khu vực mỏ đá của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Vinasan. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Xác nhận tình trạng mỏ đá khai thác làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, ngày 17/11, trao đổi với phóng viên TTXVN, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phong Dụ Hạ Lê Văn Thọ cho biết: “Mỏ đá do Công ty Vinasan đứng tên nhưng đến nay đã qua mấy lần đổi chủ. Khi anh Cường tiếp quản, tôi nhớ không nhầm là người thứ 3 rồi, anh ấy bảo là toàn bộ những chỗ nào mà nằm trong diện tích của công ty được cấp, anh ấy không chịu trách nhiệm. Cái nào ở bên ngoài cọc mốc mà ảnh hưởng đến hoa màu của dân, công ty sẽ xem xét để bồi thường. Đơn của người dân gửi đã gửi lên được 2, 3 tháng nhưng đúng đợt Hà Nội bị dịch COVID-19, anh Cường ở dưới Hà Nội không lên. Quan điểm của xã là nếu khu vực đất bị ảnh hưởng ở ngoài mốc của đơn vị khai thác phải đền bù cho bà con; khu vực bị ảnh hưởng ở trong mốc phải có những hỗ trợ cho bà con…”

Theo giấy phép khai thác, mỏ đá đang làm ảnh hưởng đến người dân thôn 6, làng Cang, xã Phong Dụ Hạ là của Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Vinasan, số giấy phép 951/GP-UBND do Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái cấp 30/6/2011, hết hạn vào 20/6/2036, với diện tích 8,97ha.

Hiện đã qua nhiều tháng chờ đợi các biện pháp khắc phục, nương ngô và nương quế đến kỳ khai thác, chăm sóc nhưng người dân thôn 6, làng Cang vẫn chưa dám quay trở lại sản xuất. Bà con mong mỏi các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nhanh chóng có hướng giải quyết phù hợp để đảm bảo tính mạng và sản xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục