Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến ngày 1/3, đã có 60 tỉnh, thành phố trên cả nước cho học sinh đi học trở lại.
Hà Nội sẽ cho học sinh đến trường từ ngày mai, 2/3. Hải Phòng dự kiến cho học sinh trở lại trường từ tuần sau, ngày 8/3. Riêng Hải Dương vẫn chưa chốt thời điểm đưa hoạt động dạy và học trở lại bình thường do diễn biến dịch COVID-19 tại địa phương này vẫn còn đang diễn biến phức tạp.
Đảm bảo an toàn chống dịch
Để chuẩn bị cho học sinh trở lại trường vào ngày mai, từ 26/2, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện công tác chuẩn bị chu đáo, đảm bảo an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên nhà trường.
Cụ thể, các trường phải thực hiện phun khử khuẩn toàn bộ khuôn viên, lau rửa các vị trí học sinh thường xuyên tiếp xúc như tay vịn cầu thang, đồ dùng, đồ chơi… Các trường cũng phải chuẩn bị khẩu trang, nước sát khuẩn, nước rửa tay, máy đo thân nhiệt…
Công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 được Sở quán triệt chặt chẽ với hướng dẫn chi tiết. Theo đó, học sinh và giáo viên phải được đo thân nhiệt trước khi đến trường, nếu có biểu hiện ho, sốt sẽ phải tạm nghỉ ở nhà để theo dõi và liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn. Các trường phải thực hiện giãn cách khi học sinh đến lớp và ra về, hạn chế người vào trường để giảm thiểu tiếp xúc.
[Hải Phòng dự kiến đưa học sinh trở lại trường học từ ngày 8/3]
Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đặc biệt lưu ý các cơ quan chức năng của thành phố tập trung vào công tác quản lý, khai báo y tế với học sinh, sinh viên khi trở về thành phố.
“Với các trường nghề của thành phố, có lượng học sinh, sinh viên đến từ các tỉnh thành khác khá đông, Sở Lao động Thương binh và Xã hội cần có phương án phân luồng, giám sát chặt chẽ, nhất là với các trường hợp về từ vùng dịch,” ông Chử Xuân Dũng nêu rõ.
Không chỉ Hà Nội, đây cũng là những giải pháp được lãnh đạo các địa phương trên cả nước chỉ đạo sát sao khi tổ chức cho học sinh đi học trở lại sau thời gian phải tạm dừng đến trường vì dịch bệnh. Tại Thái Bình, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các nhà trường phải lập sổ theo dõi sức khỏe học sinh.
Tại Hưng Yên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, ông Nguyễn Văn Phê cho biết Sở đã chỉ đạo các trường phải phổ biến cho phụ huynh học sinh hợp tác trong việc khai báo y tế, sàng lọc những trường hợp có liên quan tới vùng dịch hoặc người bị nhiễm dịch, chuẩn bị bình uống nước cá nhân để học sinh không dùng chung. Tại Quảng Ninh, trường phải có cán bộ y tế túc trực phòng trường hợp học sinh, cán bộ giáo viên có biểu hiện sức khỏe bất thường. Toàn bộ giáo viên, học sinh (trừ bậc mầm non) phải đeo khẩu trang từ nhà đến trường, trong suốt quá trình học tại trường và từ trường về nhà.
Ổn định nề nếp, nâng cao chất lượng
Sau thời gian nghỉ học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến để phòng dịch COVID-19, việc đảm bảo chất lượng giáo dục được các nhà trường đặc biệt chú trọng.
Cô Phạm Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phúc Xá (thành phố Thái Nguyên) cho hay trong thời gian nghỉ dịch, Trường tiểu học Phúc Xá có 1.178 học sinh thì 1.171 em đã tham gia đầy đủ các hoạt động học tập trực tuyến. Riêng 7 học sinh không tiếp cận được vì phụ huynh không có điện thoại thông minh và thiết bị kết nối Internet.
Những học trò này được giáo viên trao đổi bài học, bài tập qua tin nhắn điện tử, phiếu bài tập và gọi điện trực tiếp tới từng phụ huynh để phối hợp hỗ trợ các em.
“Trường sẽ tổ chức rà soát, đánh giá trực tiếp kết quả học tập của các em trong thời gian tạm dừng đến trường, từ đó có kế hoạch tối ưu hoá thời gian và nội dung kiến thức cần tiếp tục dạy học, đồng thời có phương án phù hợp để bổ trợ kiến thức, kỹ năng cho học sinh chưa đáp ứng được yêu cầu,” cô Huyền cho hay.
Tại Thái Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Viết Hiển đề nghị các trường chủ động điều chỉnh kế hoạch giáo dục; xây dựng kế hoạch cho từng tiết học, từng tuần, thực hiện các chuyên đề mới hoặc luyện tập, bảo đảm tiến độ thời gian, chất lượng giảng dạy khi học sinh đi học trở lại.
Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại yêu cầu các cơ sở giáo dục khẩn trương ổn định nền nếp dạy và học ngay sau khi học sinh trở lại trường, từng bước nâng cao chất lượng dạy học sau thời gian nghỉ.
Các trường cần tổ chức ôn tập kiến thức cũ, dạy kiến thức mới theo chương trình kế hoạch, đảm bảo thực hiện nghiêm chương trình quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Sở đặc biệt lưu ý các trường quan tâm tổ chức dạy học cho học sinh lớp 9 và lớp 12 tiếp thu đầy đủ kiến thức của chương trình, chuẩn bị tốt cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, với việc học sinh trên cả nước trở lại trường học từ tuần này, kế hoạch thời gian năm học cơ bản chưa có sự thay đổi. Tuy nhiên, tư lệnh ngành giáo dục cũng yêu cầu các địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản khác nhau tương ứng với từng tình huống có thể xảy ra để tránh bị động, lúng túng trong bất kỳ tình huống nào./.