Liên quan đến thông tin lợi dụng “tấm bùa” nạo vét khu vực bến khách ngang sông Hồng do lãnh đạo tỉnh Hưng Yên ký lệnh, từ giữa năm 2018 đến nay, nhiều doanh nghiệp đã vô tư sử dụng tàu hút cát công suất để “rút ruột” tài nguyên quốc gia đã được báo chí phản ánh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên vừa có văn bản yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát trái phép theo quy định của pháp luật.
Nội dung văn bản số 791/UBND-KT2 nêu rõ: Thời gian qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo công tác quản lý, xử lý việc khai thác cát trái phép trên địa bàn.
Tuy nhiên, lợi dụng đêm tối và việc cho phép nạo vét, khơi thông dòng chảy vào bến khách ngang sông, bãi bốc xếp hàng hóa, một số tổ chức, cá nhân đã tiến hành khai thác cát không đúng vị trí, thời gian, khối lượng và phương tiện khai thác theo quy định đã được báo chí phản ánh.
[Bài 2: Sông Hồng bị 'cát tặc' xâm hại: Trách nhiệm thuộc về ai?]
Sau khi xem xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên đã yêu cầu dừng ngay việc thi công nạo vét tại Bến khách ngang sông Hồng thuộc xã Bình Minh, xã Tân Châu và Bến bốc xếp vật liệu xây dựng tại xã Chí Tân, huyện Khoái Châu.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên cũng giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, và Ủy ban Nhân dân huyện Khoái Châu thông báo dừng thi công nạo vét đến các đơn vị; đồng thời giám sát, kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc dừng thi công nạo vét tại 3 khu vực trên.
Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên yêu cầu Công an tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát trái phép theo quy định của pháp luật.
[Bài 1:Núp bóng dự án nạo vét, ‘cát tặc’ thoải mái ‘rút ruột’ sông Hồng]
Vừa qua, VietnamPlus đã đăng tải loạt bài phản ánh những năm gần đây, vấn nạn “cát tặc,” khai thác cát trá hình dưới hình thức “nạo vét” đã diễn ra nóng bỏng trên nhiều dòng sông, nhưng chưa được chấn chỉnh một cách quyết liệt, kịp thời và hiệu quả.
Hoạt động “ăn cắp” tài nguyên quốc gia trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, làm sạt lở bờ sông, nhiều khu đất bãi, bờ xôi ruộng mật. Có nơi “cát tặc” bới tung cả đê điều, vườn tược, nhà cửa của người dân. Thậm chí, có nơi xảy ra xung đột, đổ máu.
Đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải dừng toàn bộ hoạt động nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa, đồng thời không cấp phép mới cho các dự án nạo vét lòng sông.
Nhưng các dòng sông chỉ tạm yên bình trong một thời gian ngắn.
Hoạt động “nạo vét sông” mà thực chất là khai thác cát trá hình lại tiếp tục diễn ra với quy mô còn rầm rộ hơn trước. Kể từ khi quyền cấp phép nạo vét lòng sông được chuyển xuống cấp tỉnh, “phong trào ăn cắp cát” ngày càng diễn ra công khai. Cát từ lòng sông bị khai thác không giới hạn, một nguồn lượng lớn tài nguyên quốc gia cứ thế “chảy” vào túi cá nhân, doanh nghiệp...
Chỉ riêng tại khu vực sông Hồng thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên, từ khi những Dự án nạo vét lòng sông được “khai sinh,” hoạt động khai thác cát của “cát tặc” đã diễn ra sôi động hơn hẳn.
[Xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra khai thác cát sỏi trái phép]
Nhiều doanh nghiệp lợi dụng “tấm bùa” nạo vét khu vực bến khách ngang sông Hồng do Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên cấp phép, từ giữa năm 2018 đến nay đã công khai điều động một lượng lớn phương tiện tàu hút cát công suất lớn (không đúng nội dung cam kết trong văn bản) ngày ngày “rút ruột” tài nguyên.../.