"Chỉ mặt" các yếu tố bất lợi khiến lợi nhuận ngân hàng đi xuống

Yếu tố bất lợi nào khiến lợi nhuận của các ngân hàng đi xuống?

Ngành ngân hàng năm nay đang phải chịu ảnh hưởng không nhỏ từ xu hướng giảm lãi suất, tăng trưởng tín dụng thấp, huy động tăng nhanh hơn giải ngân... kéo theo mức giảm thu nhập lãi thuần.
Yếu tố bất lợi nào khiến lợi nhuận của các ngân hàng đi xuống? ảnh 1Nhiều yếu tố ảnh hưởng khiến lợi nhuận ngân hàng đi xuống. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tính đến ngày 26/10, nhiều ngân hàng thương mại đã công bố kết quả kinh doanh quý 3, trong đó đa phần ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù có một vài ngân hàng ghi nhận tăng trưởng dương, song đà tăng không đáng kể.

Lợi nhuận ngân hàng phân hóa mạnh

Ngân hàng lâu nay vẫn được coi là ngành tốp đầu về lợi nhuận, thậm chí được ví là "cô đơn trên đỉnh lợi nhuận." Ngay cả giai đoạn xảy ra đại dịch COVID-19, trong khi nhiều nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh khiến kết quả kinh doanh không như mong muốn thì ngân hàng vẫn là một trong những ngành đạt kết quả tốt nhất, luôn duy trì tăng trưởng 2 chữ số. Điển hình, năm ngoái, 28 ngân hàng công bố báo cáo tài chính cho thấy lợi nhuận tăng trưởng ở mức 40%.

Tuy nhiên, năm nay, tình hình đã có nhiều thay đổi khi có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng.

[Quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng]

Techcombank công bố lợi nhuận lũy kế 9 tháng đạt hơn 17.100 tỷ đồng, giảm 17,8% so với cùng kỳ nhưng tới thời điểm này Techcombank đang tạm dẫn đầu về về lợi nhuận trước thuế.

Trong khi đó, ACB đã vươn lên vị trí thứ hai với khoản lãi trước thuế hơn 15.000 tỷ đồng và bỏ khá xa VPBank, ngân hàng từng đứng vị trí thứ 2 vào năm ngoái. Năm nay, VPBank chỉ thu về gần 8.300 tỷ đồng trong 9 tháng. Trong khi đó, so với cùng kỳ năm trước VPBank báo lãi gần 20.000 tỷ đồng, đứng thứ ba toàn ngành ngân hàng, bám đuổi sát nút Techcombank và vượt qua hai đại diện Big4 là BIDV và VietinBank.

Tiếp đến là VIB, ngân hàng này vẫn giữ được phong độ khi lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 8.300 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, thực hiện được 68% kế hoạch năm. Trong đó, thu nhập từ phí đạt 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính riêng trong quý 3, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng ước đạt 2.700 tỷ đồng, giảm 3,9% so với cùng kỳ và 9% so với quý liền trước. 

MSB và TPBank cũng có sự hoán đổi vị trí cho nhau. Sau ba quý, MSB đang là ngân hàng có lợi nhuận trước thuế cao thứ 5, đạt hơn 5.223 tỷ đồng. TPBank lùi xuống vị trí số 6 với khoản lãi gần 5.000 tỷ đồng.

Yếu tố bất lợi nào khiến lợi nhuận của các ngân hàng đi xuống? ảnh 2Lợi nhuận ngân hàng phân hóa mạnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Những vị trí tiếp theo không có sự thay đổi, với thứ hạng lần lượt là LPBank, ABBANK, Bac A Bank, PG Bank, Saigon Bank, BaoViet Bank và NCB.

Nhì chung lại, tính đến thời điểm này mới chỉ có ACB, VIB, MSB và Saigonbank là ba ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương trong ba quý đầu năm.

Nhiều yếu tố tác động

Nguyên nhân khiến lợi nhuận của các ngân hàng đi lùi chủ yếu do chi phí trích lập dự phòng gia tăng và sự suy giảm trong thu nhập lãi thuần. Một số ngân hàng như Techcombank, TPBank hay BaoViet Bank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động (TOI) tăng trưởng tích cực nhưng lợi nhuận lại thụt lùi vì chi phí hoạt động hoặc chi phí dự phòng rủi ro tăng vọt. 

VPBank, Bac A Bank, ABBANK, TPBank báo lãi giảm khi chi phí lãi tăng nhanh hơn thu nhập từ lãi, khiến thu nhập lãi thuần đi xuống so với cùng kỳ, kéo lùi cả tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế.

Ông Phạm Duy Hiếu - quyền Tổng Giám đốc ABBANK nhận định: “Bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế tác động không nhỏ đến kết quả kinh doanh của ABBANK. Tuy vậy, chúng tôi đang kiên trì từng bước cải thiện các mảng hoạt động, tiếp tục thực hiện chuyển đổi số, hướng tới thúc đẩy kinh doanh, quản trị rủi ro hiệu quả và tối ưu hóa chi phí hoạt động.”

Trong khi đó, đại diện PG Bank thông tin, nguyên nhân khiến lợi nhuận quý 3 giảm tới 60% so với quý cùng kỳ về mức 57 tỷ đồng chủ yếu do tình hình hoạt động chung quý 3 của ngành ngân hàng khó khăn dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp, khiến thu nhập lãi thuần ghi nhận mức giảm lên đến 16%. Bên cạnh đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 42% do tình hình xuất nhập khẩu nói chung của các doanh nghiệp trong quý 3 kém, dẫn đến các hoạt động thanh toán bị ảnh hưởng lớn. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của PG Bank đạt 360 tỷ đồng, giảm 7%.

NCB là ngân hàng duy nhất đến thời điểm hiện tại bị lỗ trong quý 3 và cả lũy kế 9 tháng. Ngân hàng cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do tình hình biến động chung của nền kinh tế, thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản… Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, cá nhân là khách hàng của NCB, dẫn đến khoản mục thu nhập thuần trong hoạt động dịch vụ và các hoạt động khác đều sụt giảm.

Huy động vốn tăng nhanh hơn giải ngân cho vay cũng là nguyên nhân khiến gánh nặng chi phí của nhiều ngân hàng tăng lên trong quý 3, làm giảm biên lợi nhuận. Tính tới cuối tháng Chín, tín dụng tại BAC A BANK chỉ tăng 4,8%, trong khi tiền gửi khách hàng tăng tới 18,2% so với đầu năm.

VPBank cũng ghi nhận tiền gửi tăng trưởng rất mạnh trong năm nay. Huy động từ khách hàng tại ngân hàng mẹ VPBank tăng tới 35% trong 9 tháng, trong đó được thúc đẩy bởi các khách hàng cá nhân (tăng tới 60% so với đầu năm).

Yếu tố bất lợi nào khiến lợi nhuận của các ngân hàng đi xuống? ảnh 3Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong nước bị ảnh hưởng bởi các biến động của nền kinh tế thế giới. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bên cạnh đó, không chỉ vì biên lợi nhuận thu hẹp, nguồn thu ngoài lãi của nhiều ngân hàng sụt giảm trong 3 quý năm 2023, nhất là đối với mảng bảo hiểm - vốn mang lại nguồn thu lớn cho ngân hàng ở các năm trước thì năm nay bị ảnh hưởng khá nặng.

Nợ xấu gia tăng cũng là yếu tố khiến lợi nhuận ngân hàng sụt giảm do phải tăng trích lập dự phòng rủi ro. Tính đến cuối tháng 7/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 3,56%, cao hơn mức 2,0% hồi cuối năm 2022 và mức 1,69% vào cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng cộng với nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 6,16% so với tổng dư nợ tín dụng.

Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều ngân hàng kỳ vọng, tỷ lệ nợ xấu đã đạt đỉnh trong quý 3 và sẽ được kiểm soát trong giai đoạn cuối năm khi triển vọng nền kinh tế tích cực hơn, tình hình tài chính của khách hàng được cải thiện. Theo đó, thách thức vẫn còn, song sẽ có những cơ hội để ngân hàng phục hồi lợi nhuận.

Ông Nguyễn Anh Tùng, Trưởng nhóm phân tích Khối Ngân hàng, Bảo hiểm, Chứng khoán, Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định trong ngắn hạn ngành ngân hàng vẫn đối diện với những khó khăn từ làn gió ngược trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và kênh bancassurance khiến nguồn thu từ hai mảng này cần thêm thời gian chờ đợi thị trường hồi phục, nhưng vẫn có những điểm sáng về triển vọng ngành trong quý cuối năm 2023.

Theo ông Tùng, tăng trưởng tín dụng năm 2023 khó hoàn thành mục tiêu 14%, nhiều khả năng đạt mức tăng 10%-12%, cải thiện đáng kể so với mức tăng 6,92% tính đến cuối tháng Chín. Cơ sở để dự báo tín dụng tăng trưởng tích cực trong quý cuối năm 2023 là kỳ vọng tiêu dùng của phân khúc khách hàng cá nhân cuối năm hồi phục. Bên cạnh đó nhu cầu tín dụng vào các ngành nghề gia tăng nhờ hoạt động xuất nhập khẩu, lĩnh vực bất động sản dần được tháo gỡ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.