10% dân số Việt Nam mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa

Tình trạng suy dưỡng ở trẻ em có mối liên quan tới việc thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa và hô hấp, dẫn tới số ngày nghỉ học tăng lên, ảnh hưởng tới tăng trưởng và học tập.
(Ảnh minh họa từ clip)

Tại Việt Nam, có tới 10% dân số mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa và đáng lo ngại hơn khi những trường hợp mắc bệnh này đang có sự gia tăng đáng báo động.

Thông tin trên được đưa ra tại buổi họp báo phát động Chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày sức khoẻ tiêu hóa, với chủ đề “Khỏe tiêu hóa- Khỏe hơn mỗi ngày,” do Viện Dinh dưỡng Quốc gia và Báo Sức khoẻ đời sống tổ chức ngày 5/5 tại Hà Nội.

[Vụ ngộ độc ở Bình Định: Không có vi khuẩn bệnh đường ruột trong nước]

Giáo sư Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay đường tiêu hóa, cụ thể là đường ruột, nơi tập trung tới hơn 70% thành phần hệ miễn dịch, cũng chính là địa điểm hệ miễn dịch và vi khuẩn gặp nhau. Hệ tiêu hóa khỏe mạnh là hệ tiêu hóa được hỗ trợ bởi hệ miễn dịch mạnh mẽ, bảo vệ cơ thể trước các tấn công liên tục từ tác nhân gây bệnh trong thức ăn.

Theo kết quả điều tra về tình trạng dinh dưỡng của trẻ em, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở Việt Nam tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, với tỷ lệ 14,1% năm 2015 đối với thể nhẹ cân, tuy nhiên tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi chung toàn quốc vẫn ở mức 24,6% năm 2015, xếp vào hàng các quốc gia có tỷ lệ thấp còi cao, theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng 2009-2010, 2019-2020 của Viện Dinh dưỡng và các nghiên cứu gần đây tại Việt Nam cho thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng và thiếu vi chất là khẩu phần ăn trẻ em dưới 5 tuổi còn thiếu về số lượng và kém về chất lượng.

Giáo sư Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Các nghiên cứu trên thế giới cũng như nhiều nghiên cứu tại Viện Dinh dưỡng ở Việt Nam cho thấy tình trạng suy dưỡng ở trẻ em có mối liên quan tới khả năng thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa và hô hấp, dẫn tới số ngày nghỉ học tăng lên, ảnh hưởng tới tăng trưởng và học tập của trẻ. Ở trẻ nhỏ hơn, các bệnh nhiễm trùng (gồm nhiễm vi khuẩn, vi rút và ký sinh vật) đều có thể dẫn đến suy dinh dưỡng và ngược lại, suy dinh dưỡng khiến trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng và vòng xoắn bệnh lý này cứ thế tiếp diễn nếu không có can thiệp hoặc xử trí phù hợp,” giáo sư Tuyên nhấn mạnh.

Theo ông, nhiễm trùng, đặc biệt là tiêu chảy ảnh hưởng rất trầm trọng đến tình trạng dinh dưỡng của trẻ. Nhiễm trùng dẫn đến các tổn thương đường tiêu hóa do đó làm giảm hấp thu, đặc biệt các vi chất, làm cho kháng nguyên và các vi khuẩn đi qua nhiều hơn.

Giáo sư Lê Danh Tuyên cho biết suy dinh dưỡng trẻ em sẽ để lại những hậu quả rất nặng nề về sức khỏe cũng như trí tuệ dẫn đến giảm khả năng học tập và lao động của của trẻ khi đến tuổi trưởng thành. Những trẻ bị suy dinh dưỡng dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn hơn những trẻ bình thường và khi mắc bệnh thì thường nặng hơn và lâu bình phục hơn. Suy dinh dưỡng làm tăng nguy cơ tử vong ở trẻ nhỏ và tạo nên vòng xoắn bệnh lý.

Vì vậy, ông cho rằng trước thực trạng về dinh dưỡng và sức khỏe tiêu hóa hiện nay, việc truyền thông để giúp nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về vai trò của dinh dưỡng và tiêu hóa đối với sức khỏe tổng thể là rất cần thiết. Dinh dưỡng đúng và đủ, giúp chăm sóc hệ tiêu hóa khỏe mạnh, từ đó tăng cường sức đề kháng, nâng cao miễn dịch, giúp phòng tránh bệnh tật.

Các hoạt động của chương trình nhằm nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe tiêu hóa của cộng đồng, giúp người dân có nhận thức đúng về ý nghĩa của tiêu hóa đối với sức khoẻ, các giải pháp dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường đề kháng, xây dựng thói quen tốt để chăm sóc hệ tiêu hóa khỏe mạnh tự nhiên./.

Từ năm 2004, Tổ chức Tiêu hóa Thế giới (WGO) phối hợp với Quỹ WGO (WGOF) đã chọn ngày 29/5 là Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới với mục đích nâng cao nhận thức chung của cộng đồng về vai trò của hệ tiêu hóa đối với sức khỏe, cũng như cách phòng ngừa, chẩn đoán, quản lý và điều trị các bệnh và/hoặc tình trạng rối loạn tiêu hóa.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục