102 ngày thực hiện dự án nhà máy điện Mặt Trời Trung Nam-Thuận Nam

Ngoài việc khai thác hơn 1 tỷ kWh điện tương đương 1GWh điện từ nguồn năng lượng tái tạo, dự án sẽ góp phần quan trọng giải tỏa công suất lưới điện cho khu vực Ninh Thuận và Duyên hải Nam Trung Bộ.
102 ngày thực hiện dự án nhà máy điện Mặt Trời Trung Nam-Thuận Nam ảnh 1Trungnam Group phát động chiến dịch thi đua. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Chiều tối 15/5, tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, Tập đoàn Trung Nam (Trungnam Group) đã tổ chức lễ phát động chiến dịch thi đua 102 ngày đêm thực hiện dự án nhà máy điện Mặt Trời Trung Nam-Thuận Nam công suất 450 MW kết hợp trạm biến áp 220/500kV và đường dây 500kV, 220kV.

Nhà máy điện Mặt Trời Thuận Nam công suất 450MW, kết hợp trạm biến áp 220/500kV Trung Nam-Thuận Nam và đường dây 500kV, 220kV là một dự án cấp thiết chiến lược phục vụ phát triển hệ thống truyền tải điện của tỉnh Ninh Thuận nói riêng, khu vực Duyên hải miền Trung nói chung và xa hơn là toàn bộ hạ tầng truyền tải điện Quốc gia.

Dự án được Trungnam Group triển khai với tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng; quy mô thực hiện gồm nhà máy điện Mặt Trời công suất 450MW, kết hợp với trạm biến áp 220/500kV và hơn 17km đường dây truyền tải 500kV, 220kV kéo dài từ xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận đến xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Ngoài việc khai thác hơn 1 tỷ kWh điện tương đương 1GWh điện từ nguồn năng lượng tái tạo, dự án sẽ góp phần quan trọng giải tỏa công suất lưới điện cho khu vực Ninh Thuận và Duyên hải Nam Trung Bộ.

Bên cạnh đó, hai trạm biến áp của dự án với tổng công suất 1.800MVA, kết hợp với các đường dây giúp tăng khả năng kết nối, tăng độ tin cậy cho hệ thống lưới điện tại khu vực Nam Trung bộ.

[Đưa máy siêu biến áp 500kV phục vụ dự án điện Mặt Trời]

Tại lễ phát động, chủ đầu tư Trungnam Group và 22 nhà thầu đã ký cam kết triển khai, quyết tâm nỗ lực hết mình, tập trung mọi nguồn lực để thực hiện dự án, đưa dự án về đích đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình ở mức cao nhất và đạt hiệu quả nhất khi dự án đi vào vận hành.

Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho biết, đây được xem là dấu mốc lịch sử của ngành năng lượng Việt Nam khi doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng truyền tải năng lượng và nhận được sự đồng thuận từ Trung ương đến địa phương.

Việc hoàn thành và đưa nhà máy điện Mặt Trời Trung Nam-Thuận Nam công suất 450 MW kết hợp trạm biến áp 220/500KV và đường dây 220kV, 500kV vào sử dụng có ý nghĩa quan trọng. Đó là, góp phần hiện thực hóa Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế-xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023, từ đó đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của quốc gia.

Bên cạnh đó, dự án sẽ đóng góp quan trọng trong việc giải tỏa công suất các nhà máy năng lượng tái tạo tại khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận, tránh tình trạng giảm phát gây thiệt hại cho các nhà máy hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh trong việc cam kết với các nhà đầu tư và góp phần giải quyết tình trạng cả nước thiếu điện nhưng năng lượng tái tạo lại đang giảm phát.

Tại buổi lễ phát động, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Trungnam Group khẳng định: Quán triệt Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Trungnam Group cam kết hoàn thành dự án nhà máy điện Mặt Trời Trung Nam-Thuận Nam 450MW kết hợp trạm biến áp 220/500kV Trung Nam-Thuận Nam và đường dây 220kV, 500kV tính từ ngày 15/5 và dự kiến sẽ hoàn thành, kết nối với hệ thống lưới điện quốc gia trong tháng 9/2020.

Dịp này, đại diện Trungnam Group đã trao bảng tài trợ, hỗ trợ kinh phí 3,4 tỷ đồng cho chính quyền địa phương trong tỉnh để thực hiện tu sửa cơ sở vật chất, xây dựng các trường mẫu giáo trên địa bàn tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.