Chiều 9/12, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đại diện cho Ủy ban Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản thuộc Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN) tổ chức cuộc họp tiền khởi động giai đoạn 8 Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản.
Sau quá trình làm việc tích cực trên tinh thần hợp tác, hai bên Việt Nam và Nhật Bản đã thống nhất nội dung Kế hoạch hành động Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản giai đoạn 8 bao gồm cả một số vấn đề tồn tại của giai đoạn 7 và một số nội dung mà hai phía đều quan tâm.
Kế hoạch hành động giai đoạn 8 gồm 11 nhóm vấn đề. Trong đó 8 nhóm vấn đề đã được thống nhất, bao gồm: đẩy mạnh việc áp dụng án lệ, hệ thống tổ chức thi hành án dân sự, cạnh tranh công bằng, tự do; Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; cải thiện các vấn đề về môi trường lao động; luật PPP; cải cách doanh nghiệp Nhà nước và thị trường chứng khoán; phương thức thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm tạo ra cơ cấu nguồn điện tốt nhất tại Việt Nam; hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về lắp đặt đường ống dẫn khí đốt thiên nhiên nhằm thúc đẩy nhập khẩu khí LNG; các vấn đề liên quan đến đất đai.
Ba nhóm vấn đề còn lại gồm công nghiệp hỗ trợ; đào tạo nhân lực kỹ năng nghề cao và đổi mới sáng tạo là những vấn đề phía Nhật Bản có thế mạnh và Việt Nam đang tập trung phát triển sẽ được các nhóm công tác của hai phía thảo luận nội dung cụ thể sau.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết trong xu thế đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất và mở rộng đầu tư, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư, cho thấy sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đối với các nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.
Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản là hình thức hợp tác đặc biệt và rất hiệu quả giữa Việt Nam và Nhật Bản trong 17 năm thực hiện vừa qua, với 7 giai đoạn. Đây là kênh đối thoại quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản với các cơ quan của Chính phủ Việt Nam, đã có nhiều tham mưu về chính sách cũng như thực thi các chính sách. Năm 2019, giai đoạn 7 đã khép lại với những kết quả đáng khích lệ, 52/52 hạng mục cam kết đã thực hiện xong hoặc đang thực hiện.
“Sáng kiến Việt Nam-Nhật Bản giai đoạn 8 sẽ tiếp tục thực hiện một cách có hiệu quả nhằm góp phần hoàn thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam; đồng thời, thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng hiệu quả hơn nữa, tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên,” Thứ trưởng Trần Duy Đông tin tưởng.
[Việt Nam-Nhật Bản thúc đẩy hợp tác thương mại, công nghiệp, năng lượng]
Ngài Kazunori Sudo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đánh giá, sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản là một cơ chế hợp tác đặc biệt trong hợp tác quốc tế. Cơ chế đặc biệt này, cùng với sự nỗ lực của các bên đã đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hợp tác song phương Việt Nam-Nhật Bản; đặc biệt, những nội dung trong Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản giai đoạn 7 là những chủ đề thể hiện đầy đủ sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Điều này nhằm mục đích phát triển hơn nữa sự hợp tác giữa hai nước.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản được khởi xướng từ tháng 4 năm 2003, là sự hợp tác đặc biệt giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản.
Qua hơn 17 năm, Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản đã thực hiện được 7 giai đoạn, với 430/525 (82%) hạng mục trong kế hoạch hành động được triển khai tốt và đúng tiến độ. Tại cuộc họp cấp cao đánh giá cuối kỳ Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản giai đoạn 7 vào tháng 12/2019, hai bên đã thống nhất tiếp tục triển khai giai đoạn 8 Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản.
Thông qua việc thiết lập một diễn đàn đối thoại chính sách giữa các nhà đầu tư Nhật Bản với các bộ, ngành liên quan của Việt Nam. Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản góp phần tạo dựng môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng, minh bạch tại Việt Nam, đồng thời đưa ra những khuyến nghị chính sách mang tính xây dựng, làm thông tin tham khảo trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách cho các cơ quan chức năng của Việt Nam.
Tại cuộc họp, đại diện phía Nhật Bản đã đưa ra các khuyến nghị nhằm tăng cường mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản thời kỳ hậu COVID-19 và các dự định mở rộng đầu tư tại Việt Nam của năm doanh nghiệp lớn, đại diện cho các ngành nghề khác nhau của Nhật Bản. Điều này đã cho thấy lòng tin và quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp Nhật, gắn bó và cùng phát triển những chuỗi giá trị mới để nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác đầu tư.
Thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục nỗ lực hợp tác và tích cực triển khai đúng các cam kết trong nội dung Kế hoạch hành động để mang đến thành công của giai đoạn 8 nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát triển và thịnh vượng chung của cả cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam.
"Bên cạnh các nhóm vấn đề doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm, kế hoạch hành động giai đoạn 8 đã đề cập tới những vấn đề vĩ mô gắn với những khuyến nghị chính sách lớn, cụ thể, khả thi, góp phần cải thiện môi trường đầu tư Việt Nam, đẩy mạnh hơn nữa đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam và củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa 2 quốc gia," Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh./.