Đã 60 năm trôi qua kể từ dấu mốc lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” nhưng ký ức về một thời máu lửa hào hùng và cả những mất mát, hy sinh vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của những người lính Điện Biên năm xưa.
Những câu chuyện chân thực và đầy xúc động của những nhân chứng sống ấy đã được thể hiện đậm nét thông qua cuộc thi viết “Ký ức Điện Biên,” góp phần tái hiện một phần lịch sử của dân tộc.
Những góc nhìn mới về chiến dịch
Nhà báo Mai Chi, Phó Trưởng ban tổ chức, Phó Trưởng ban Giám khảo cuộc thi “Ký ức Điện Biên” chia sẻ 1.810 bài gửi dự thi là 1.810 con người cụ thể với những nhiệm vụ, tâm tư tình cảm cụ thể, 1810 tình huống, ăm ắp kỷ niệm và những câu chuyện làm xúc động lòng người.
Các bài thi đã đưa người đọc trở về giai đoạn gian khổ nhất nhưng cũng hào hùng nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, khi cả nước bước vào những trận đánh quyết định cuối cùng. Chiến dịch Điện Biên Phủ được các tác giả dựng lại một cách sinh động và chân thật hơn bất cứ một tài liệu lịch sử chính thức nào, đem lại cái nhìn vừa toàn cảnh, vừa cụ thể, chi tiết tới từng nẻo đường chiến dịch, từng bước chân chiến sỹ, từng góc chiến hào, từng trận đánh. Nó chạm tới từng ngóc ngách tâm hồn của những người tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, từng biểu hiện sinh động của tình cảm quân dân thắm thiết, sự bao bọc che chở của đồng bào các dân tộc Tây Bắc đối với bộ đội Cụ Hồ.
Hình ảnh những anh bộ đội, những cô du kích, những thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến ra trận với tâm hồn trong trẻo và tinh thần lạc quan phơi phới đã hiện lên đầy đủ, chân thực trong các tác phẩm dự thi. Ở những cương vị khác nhau, công việc khác nhau nhưng họ đều sống và chiến đấu với lòng quả cảm, với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Có những gia đình cùng ra trận, để rồi họ gặp nhau mừng mừng, tủi tủi ở ngay vùng đất lịch sử ấy, như trường hợp anh bộ đội tên Cưu với vợ anh, một dân công hỏa tuyến tên Cườm, trong tác phẩm dự thi của tác giả Vũ Thế Kiên. Hay chuyện hai anh em ruột gặp nhau ở chiến trường, là anh thương binh Nguyễn Huy Dũng và nữ cứu thương Nguyễn Thị Nhi trong bài “Gặp gỡ Điện Biên” của tác giả Lê Vũ.
Các tác phẩm còn đem đến những góc nhìn mới với những đề tài, vấn đề mà sách sử và tài liệu chưa hoặc ít đề cập đến. Như sự xuất hiện của đội quân cối xay trong tác phẩm “Đội quân đóng cối xay” của tác giả Minh Nguyệt, kể về một lực lượng đặc biệt, tập hợp những người nông dân chỉ làm nhiệm vụ đóng cối xay lúa, cung cấp lương thực tại chỗ, phục vụ chiến dịch.
Hay tác phẩm “Gặp người anh hùng phá thác đá trên sông Nậm Na” của tác giả Trường Sơn, nói về năng lực sáng tạo vô song của anh hùng Phan Tư và các đồng đội, người với tư duy chân chất và hồn nhiên của một nông dân, trong lúc ăn bánh chưng đã nghĩ ra cách gói bộc phá như gói bánh chưng, dùng lá rừng thay cho nilông, dùng cơm nếp giã nát, trát lên các khe hở thay cho nhựa đường. Cách làm độc đáo đó đã giúp ông và đồng đội hoàn thành xuất sắc việc phá các thác đá trên sông Nậm Na để thuyền bè đi lại, tiếp tế cho chiến dịch.
Trung tướng Nguyễn Hải Bằng trong tác phẩm “Tiến công cứ điểm A1 của Đại đội 315, D249, E 174, Đại đoàn 316 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ” đã kể câu chuyện về việc thiếu kinh nghiệm, thiếu dự phòng nên khi đường dây liên lạc bị đứt, trung đoàn 174 của ông đã để mất đi yếu tố bất ngờ trong cuộc tấn công đồi A1 lần thứ 2.
Đặc biệt, các bài thi nói rất nhiều về những hy sinh, mất mát mà quân và dân ta phải trải qua trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Có những khó khăn về vật chất như thiếu thuốc, thiếu gạo, thiếu phương tiện, đạn dược, thuốc nổ. Có những khó khăn về tinh thần như phải đi gom xác của đồng đội hy sinh. Có những khó khăn về tâm lý như khi đang tập trung cao độ để đánh địch thì được lệnh rút, không lý do, không giải thích; hay lúc biết đồng đội đang bị bao vây và tấn công mà không thể sang tiếp viện.
Nhà báo Mai Chi khẳng định "không một cuốn sách lịch sử nào có thể thuật lại chiến dịch với những chi tiết, những tư liệu tràn đầy cảm xúc như vậy."
Khơi gợi miền ký ức
Đại tá Đặng Đức Song, 80 tuổi, là người tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ từ những ngày đầu đến khi chiến thắng, được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã đạt giải Nhất cuộc thi với tác phẩm “Đánh lấy lại lô cốt cột cờ Đồi C1.”
Trong khoảnh khắc xúc động, ông tâm sự: “Khi viết tác phẩm này, tôi nhớ lại những kỷ niệm sâu sắc với những người đồng đội đã chiến đấu cùng tôi trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi ấy, chúng tôi đang ở độ tuổi thanh niên 18-20, tuổi thanh xuân đã tình nguyện đi bộ đội, chiến đấu giải phóng quê hương. Tôi nhớ đến người đồng chí đã hy sinh trên tay tôi, máu chảy thấm đẫm áo tôi. Tôi nhớ đến người chiến sĩ bị thương hai chân, trao cho tôi quả lựu đạn đã rút dây, thúc giục tôi tiến lên phía trên. Với tinh thần quả cảm ấy, chúng tôi đã quyết tâm đánh lấy lại lô cốt cột cờ, tiếp đến là cả đồi C1.”
Thiếu tá Nguyễn Thế Bình, 85 tuổi, ở Từ Sơn, Bắc Ninh, tác giả đạt giải nhì với tác phẩm “Những phút cuối cùng ở mặt trận Điện Biên Phủ” chia sẻ “Tham gia chiến đấu tại Điện Biên Phủ, lúc ấy, tôi mới 24 tuổi. Nếu nói về kinh nghiệm, chúng tôi hoàn toàn không có kinh nghiệm gì cho trận đánh cuối cùng, chiến thắng giành được phần nhiều do sự chỉ huy tài tình của cấp trên và tinh thần quyết tâm đánh thắng kẻ thù của tuổi trẻ. Chiến tranh đã đi qua, nhưng đến nay ký ức về cuộc chiến vẫn luôn thường trực trong tâm trí. Trong giấc mơ nhiều đêm, tôi vẫn thấy mình đang đi trinh sát, dò mìn, chiến đấu trên chiến trường”...
Ông Nguyễn Trọng Cẩn, tác giả của “Một thời Điện Biên” bồi hồi kể, trọn tuổi 18 của tôi dành cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Vì vậy, tác phẩm được tôi viết để kể lại những điều thực tế trong chiến dịch, từ lúc chuẩn bị học tập, đến quá trình đi lên Điện Biên, chiến đấu tại Điện Biên và kết thúc khi đoàn quân chúng tôi giải tù binh Pháp về Thanh Hóa. Nhiều cảm xúc đan xen trong hành trình ấy, có tiếng gầm giận dữ, có tiếng nấc nghẹn, có những phút yếu lòng nhưng không bao giờ có sự hèn nhát. Tôi đã muốn kể lại câu chuyện ấy từ cách đây 10 năm, trong dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng sức khỏe không cho phép. Đến nay, khi sức khỏe đã dần ổn định, ký ức xưa lại ùa về, nhắc nhở tôi cần ghi chép lại một phần câu chuyện đầy bi tráng, hào hùng ấy."
Gửi trọn niềm tin vào thế hệ trẻ
Tham gia cuộc thi lần này, bên cạnh các tác phẩm của chính những người trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ ghi lại, Ban tổ chức còn đặc biệt ấn tượng với một công trình của thế hệ trẻ hôm nay gửi dự thi. Đó là công trình dự thi của nhóm sinh viên Học viện An ninh nhân dân, được đầu tư thực sự công phu, chứa đựng tâm huyết và tình cảm của giới trẻ hướng về cội nguồn, hướng về lịch sử, là lời tri ân của thế hệ hôm nay đối với cha ông.
Vũ Đức Thành, sinh viên Học viện An ninh nhân dân, Trưởng nhóm chia sẻ công trình gồm 5 quyển theo 5 chủ đề: Quyết sách quan trọng của người đứng đầu là Ban chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; tinh thần chiến đấu dũng cảm, quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta; tình cảm quân dân; tinh thần quốc tế cao cả và vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
"Thông qua bài thi, chúng em thêm biết ơn công lao to lớn của thế hệ đi trước, đã không tiếc máu xương giành lại nền hòa bình, độc lập để thế hệ trẻ hôm nay có điều kiện học tập, rèn luyện, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với tuổi trẻ học viện an ninh nhân dân, chúng em nguyện tiếp tục học tập, rèn luyện, giữ trọn lời thề sắt son với Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng của dân tộc," bạn Vũ Đức Thành xúc động nói.
Trong không khí xúc động, Đại tá Đặng Đức Song mong muốn: "Trong giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn như hiện nay, thanh niên cần hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng đất nước sánh ngang với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tôi gửi gắm tình cảm của người đi trước dành cho thế hệ trẻ và gửi trọn niềm tin tưởng, lớp thanh niên sẽ kế tục được sự nghiệp anh dũng trong chiến đấu của ông cha trước đây trong xây dựng nền hòa bình và bảo vệ Tổ quốc."
"So với thế hệ của ông trước đây, giới trẻ ngày nay có những điều kiện phát triển tốt hơn nhiều cả về vật chất và tri thức. Khát vọng lớn nhất của thanh niên thời xưa là được xông pha nơi chiến trường, chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Ngày nay, thế hệ trẻ có nhiều cơ hội, nhiều hoài bão và ước mơ. Vì vậy, thanh niên không nên để tuổi trẻ trôi đi lãng phí và vô ích; cần cố gắng học tập, phấn đấu để biến ước mơ thành hiện thực," ông Nguyễn Trọng Cẩn nhắn gửi.../.