1,36 tỷ USD cho hợp đồng EPC nhiệt điện Vĩnh Tân 4

Hợp đồng gói thầu EPC-Nhà máy chính của Dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 có giá trị khoảng 1,36 tỷ USD.

Chiều tối 23/12 tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Lễ ký kết Hợp đồng gói thầu EPC-Nhà máy chính của Dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4, với tổ hợp Nhà thầu Tập đoàn Công nghiệp nặng Doosan (Hàn Quốc), Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản), Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương và Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2 (PECC 2).

Giá trị hợp đồng EPC (thiết kế-cung cấp vật tư thiết bị-xây dựng lắp đặt) được ký kết khoảng 1,36 tỷ USD; trong đó 85% là vốn vay tín dụng của Ngân hàng KEXIM, KSURE (Hàn Quốc) và Ngân hàng JBIC (Nhật Bản), 15% còn lại là vốn đối ứng của chủ đầu tư.

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 sử dụng công nghệ nhiệt điện ngưng hơi truyền thống, lò hơi thông số siêu tới hạn đốt than nhập khẩu, loại công nghệ đã được áp dụng nhiều trên thế giới. Đây là nhà máy được áp dụng công nghệ hiện đại, công suất, hiệu suất cao, chi phí hợp lý và đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo các tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế.

Phát biểu tại lễ ký kết, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định những năm vừa qua, Chính phủ đã nỗ lực có nhiều biện pháp để tập trung vốn đầu tư các dự án điện, nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Nhờ vậy, năm nay, ngành điện đã có dự phòng.

Tuy nhiên, ở khu vực phía Nam vẫn có khả năng thiếu điện do phải truyền tải lớn sản lượng điện từ Bắc vào Nam vì đây là đầu tàu kinh tế của cả nước. Do vậy, với sản lượng điện dự phòng và cùng với việc đẩy nhanh các dự án điện ở phía Nam, có thể bù đắp vào sản lượng điện thiếu hụt ở khu vực này khoảng từ 2.000-3.000 MW.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng nhấn mạnh đây là lần đầu tiên tư vấn trong nước (Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2) đảm nhiệm công tác thiết kế cho Hợp đồng EPC; đồng thời có 30% khối lượng Hợp đồng EPC được làm trong nước để đội ngũ cán bộ, kỹ sư và công nhân kỹ thuật Việt Nam có điều kiện tiếp nhận, chuyển giao công nghệ từ những tập đoàn lớn trên thế giới. Với tầm quan trọng của dự án, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương, EVN và các nhà thầu tập trung làm chủ dự án này.

Theo kế hoạch, Nhà máy sẽ dự kiến khởi công vào quý 1/2014, tổ máy đầu tiên sẽ được đưa vào vận hành sau 46 tháng lắp đặt, xây dựng (dự kiến cuối quý 4/2017), tổ máy thứ 2 sau tổ máy thứ nhất khoảng sáu tháng (dự kiến cuối quý 3/2018).

Khi đi vào hoạt động, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 sẽ tăng cường năng lực cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế-xã hội khu vực Nam Trung bộ, qua đó góp phần giảm sự phụ thuộc của hệ thống điện vào nguồn thủy điện, đặc biệt vào mùa khô và các năm cạn kiệt, cũng như giảm sản lượng điện phải truyền tải từ Bắc vào Nam...

Dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 do Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3) làm chủ đầu tư có quy mô công suất khoảng 1200 MW gồm 2 tổ máy nằm trong Trung tâm điện lực Vĩnh Tân. Hàng năm, Nhà máy này sẽ cung cấp cho hệ thống điện Quốc gia khoảng 7,2 tỷ kWh. Nhà máy sử dụng nhiên liệu than nhập khẩu, được xây dựng và đưa vào vận hành giai đoạn 2017-2018.

Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân bao gồm 4 nhà máy nhiệt điện với tổng quy mô công suất lên đến 5.600 MW, được đặt tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết 100km, cách Thành phố Hồ Chí Minh 250km về phía Nam và cách tỉnh Ninh Thuận 15km về phía Bắc. Đây là trung tâm nhiệt điện than lớn nhất cả nước, khi xây dựng xong sẽ đáp ứng điện năng trực tiếp cho khu vực Nam Trung Bộ và các tỉnh thành phía Nam./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.