15 năm sau “Người Mỹ trầm lặng”: Nàng thơ và những chiếc đũa thần

Tôi chú ý đến Yến ngay từ lúc cô bước vào, Yến ăn nói nhỏ nhẹ, lễ phép và lịch sự cô gần như không trang điểm gì, ăn mặc cũng đơn giản, không có gì nổi bật.
15 năm sau “Người Mỹ trầm lặng”: Nàng thơ và những chiếc đũa thần ảnh 1Diễn viên Đổ Thị Hải Yến.

Nằm trong số ít người Việt tham gia dự án ngay từ ngày đầu, đạo diễn Bá Vũ được nhà sản xuất người Australia giao trọng trách tuyển diễn viên (casting) ở Việt Nam cho phim “Người Mỹ trầm lặng.”

Là người phát hiện ra Phượng (nhân vật do diễn viên Đỗ Thị Hải Yến đóng ​-PV), nhưng anh thừa nhận chính những mối duyên gặp gỡ và ngôi sao may mắn đã giúp bộ phim có được một Phượng thuần Việt như trong nguyên tác văn học.

Кhe cửa hẹp để Phượng trở về Việt Nam

Thực tế, “Người Mỹ trầm lặng” đã được đưa lên màn ảnh từ rất sớm, ngay sau khi tác phẩm văn học ra đời, vào giữa thập niên 1950. Đó cũng là bộ phim nước ngoài đầu tiên quay ở Sài Gòn.

Khi công chiếu vào năm 1958, bộ phim “Người Mỹ trầm lặng” của đạo diễn Joseph L.Mankiewicz chỉ thu được thành công hết sức khiêm tốn. Và điều hết sức khó hiểu của phiên bản phim năm 1958 là vai Phượng lại được giao cho Giorgia Moll - một cô đào người Italy.

Thông tin tiểu thuyết nổi tiếng “The Quiet American” của nhà văn Graham Greene sẽ được chuyển thể lên màn ảnh lần thứ hai đã râm ran từ đầu thập niên 90. Nhưng vì lý do kinh phí, dự án phải hoãn tới hoãn lui, mãi đến cuối năm 1999 mới chính thức được khởi quay.

Công việc casting của tôi là tìm các vai diễn phụ người Việt và đặc biệt là tìm ra Phượng - vai nữ chính của phim. Phượng phải nói tiếng Anh nên tôi không chắc nhà sản xuất sẽ chọn một Phượng nào đó ở Việt Nam. Ngoài ra, nhiệm vụ casting cũng được triển khai ở tất cả các nước có cộng đồng người Việt sinh sống như Mỹ, Anh, Pháp, Australia…

Vào thời điểm ấy, cô đào gốc Á Lucy Liu đang nổi đình nổi đám với bộ phim “Những thiên thần của Charlie” (Charlie’s Angels). Phương án chọn Lucy Liu đóng vai Phượng được xem là khả thi nếu tính đến góc độ thương mại. Và cùng lúc này, đạo diễn Phillip Noyce cũng tổ chức casting ở Pháp.

Ông có ý chọn diễn viên người Pháp gốc Việt Phạm Linh Đan cho vai diễn này. Linh Đan nói thành thục tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Việt, và đã từng đóng vai chính trong bộ phim đoạt giải Oscar “Đông Dương” (1992).

Tôi hiểu, cơ hội để tìm được Phượng ở Việt Nam là vô cùng hiếm hoi.

Кhi “nàng thơ” gõ cửa…

Một trong những người tôi mời đến văn phòng casting ở Hãng phim Giải Phóng là diễn viên Ngô Quang Hải. Sáng hôm đó, Hải là người tôi gặp cuối cùng, nên tôi và anh có nhiều thời gian trò chuyện. Một lúc sau, có cô gái nhỏ nhắn gõ cửa. Cô hơi bực mình vì Hải để cô chờ ở ngoài khá lâu. Hải giới thiệu với tôi đây là Hải Yến, người yêu anh.

Tôi chú ý đến Yến ngay từ lúc cô bước vào. Yến ăn nói nhỏ nhẹ, lễ phép và lịch sự. Cô gần như không trang điểm gì, ăn mặc cũng đơn giản, không có gì nổi bật. Nhưng tôi lại rất ấn tượng với vẻ đẹp giản dị của Yến, càng nhìn càng thu hút.

Yến mảnh dẻ, cổ cao, vai gầy… nhìn giống những tiểu thư đài các thời đầu thế kỷ 20. Qua cách nói chuyện, tôi thấy rõ Yến là kiểu người con gái cần được dựa dẫm và chở che bởi một người đàn ông mạnh mẽ, y như nhân vật Phượng trong tiểu thuyết “Người Mỹ trầm lặng.”

Tôi hỏi Yến có muốn casting vai Phượng không. Yến ngần ngừ rồi nhìn qua Hải. Hải có vẻ rất hào hứng, còn Yến xem ra không mấy mặn mà. Nhưng vài ngày sau, Yến đã thay đổi thái độ hoàn toàn, có lẽ do tác động của Hải, hoặc cô đã nhận thức được tầm quan trọng của bộ phim.

Tôi tìm đến nhà Yến để hướng dẫn cô những gì cần làm trong buổi casting. Yến đưa cho tôi xem một vài mẫu áo dài mà cô có và nhờ chọn. Tôi chọn chiếc áo dài lụa đơn giản màu vàng đất. Và Yến đã mặc chiếc áo dài này, từ lúc bắt đầu casting cho đến khi được chọn.

15 năm sau “Người Mỹ trầm lặng”: Nàng thơ và những chiếc đũa thần ảnh 2Ảnh tư liệu phim “Người Mỹ trầm lặng”

Câu chuyện “bia kèm lạc” hay phép thử liều lĩnh của đạo diễn

Ngay lần đầu gặp bà Christine King - giám đốc casting của dự án, ngoại hình và vẻ đẹp mong manh của Yến đã gây được ấn tượng tốt, cô được chọn vào danh sách rút gọn (short list).

Nhưng lần thử vai chính thức tại khách sạn Majestic, tôi sửng sốt khi chỉ mới nói được 2 câu thoại bằng tiếng Anh, Yến đột ngột dừng lại và nước mắt chảy dài không thể diễn tiếp. Yến nói: “Em không chịu nổi áp lực, trong đầu em chỉ nghĩ đến thất bại, và như thế sẽ phụ sự kỳ vọng của anh Hải, của mọi người…” Trong đầu tôi khi đó hiện ra hai chữ: “Tiêu rồi!”

Tuy nhiên, trước khi lên đường trở lại Australia để hội kiến với đạo diễn Phillip Noyce, bà Christine King khẳng định sẽ cố gắng hết sức tiến cử Yến. Khoảng một tuần sau, bà Christine gọi thông báo để tôi sắp xếp buổi gặp gỡ giữa đạo diễn Phillip Noyce và hai diễn viên Việt Nam được nhắm đến, Hải Yến (vai Phượng) và Mai Hoa (vai Hải, chị của Phượng). Niềm vui của tôi bỗng nhiên được nhân đôi.

Đạo diễn Phillip Noyce tiếp xúc với Yến nhiều lần trước khi đưa ra quyết định, đương nhiên lần nào cũng có sự tháp tùng của Hải. Người đạo diễn kỳ cựu đủ tinh tế để hiểu tầm quan trọng của Hải đối với Yến, vậy là ông bí mật nói với bà Christine King: Nếu chọn Yến đóng vai Phượng, thì sẽ cho Hải đóng một vai trong phim để Yến được toàn tâm toàn ý với bộ phim.

Song, cùng với quyết định chọn Yến, đạo diễn Phillip Noyce cũng phải đối diện với một “chướng ngại vật” cực kỳ quan trọng và quyền lực, đó là các nhà sản xuất, nhất là khi họ đang nhắm cô đào Lucy Liu cho vai Phượng.

Lý lẽ Phillip Noyce đưa ra nhằm thuyết phục họ là: Về mặt thương mại, phim đã có Brendan Fraser (đang rất nổi tiếng với phim “Xác ướp Ai Cập” - The Mummy), về mặt nghệ thuật thì đã có tượng đài Michael Caine (diễn viên từng đoạt 2 giải Oscar), vậy hãy cho ông cơ hội để chọn Phượng là một cô gái người Việt, đúng với nguyên bản của tiểu thuyết.

Phải công nhận rằng, Yến có ngôi sao may mắn chiếu mệnh. Khởi đầu thì có người phụ trách casting (là tôi) hỗ trợ, có người yêu Quang Hải luôn bên cạnh chỉ bảo, động viên. Đến khi nhập cuộc thì có giám đốc casting Christine King tận tình tiến cử, và quan trọng nhất là sự bảo vệ đến cùng của đạo diễn Phillip Noyce. Cuối cùng thì các nhà sản xuất đã đồng ý ký vào bản hợp đồng để Đỗ Thị Hải Yến chính thức được đóng vai Phượng. Và phần còn lại là lịch sử…!

Bài BÁ VŨ Ảnh TL

15 năm sau “Người Mỹ trầm lặng”: Nàng thơ và những chiếc đũa thần ảnh 3

Khi người Mỹ... không trầm lặng

Năm 2002, “Người Mỹ trầm lặng” - bộ phim về chiến tranh Việt Nam của đạo diễn Phillip Noyce - chính thức được công chiếu rộng rãi trên toàn thế giới.

Bộ phim được quay tại Việt Nam với sự tham gia của nhiều gương mặt đại diện cho nền điện ảnh Việt lúc đó đã là một tiếng vang, thu hút được sự quan tâm lớn từ công luận.

Sau 15 năm vật đổi sao dời, khi những người xưa đã thành cố nhân, khi bản hợp đồng cũng đã ráo mực, thì câu chuyện những người trong cuộc chọn kể không chỉ là chuyện nghề, mà là những hoài niệm, dư âm - dù có phần… chênh phô ở không ít tình tiết, nhưng lấp lánh trong đó vẫn là niềm tự hào, bởi họ đã tận hiến hết mình.

Còn “trầm lặng” hay không, đó là lựa chọn sống của mỗi người!

Tổ chức: Việt Tú

Đọc thêm:
- Diễn viên Đỗ Thị Hải Yến: Phượng làm tôi nhớ đến sự dại khờ của đàn bà tuổi
- Đạo diễn Ngô Quang Hải: Đối với tôi Phượng phải khác

(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục