220 doanh nghiệp tham gia Triển lãm Hanoi PlasPrintPack 2023 ở Hà Nội

Hanoi PlasPrintPack 2023 là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng giúp các nhà đầu tư tiếp tục tìm kiếm đối tác, tạo điều kiện cho nhà sản xuất trong nước tiếp cận với công nghệ tiên tiến.
220 doanh nghiệp tham gia Triển lãm Hanoi PlasPrintPack 2023 ở Hà Nội ảnh 1Một dây chuyền sản xuất túi nhựa xuất khẩu. (Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTTXVN)

Sáng 8/6, Triển lãm Quốc tế lần thứ 11 về ngành công nghiệp nhựa, in ấn và đóng gói bao bì (Hanoi PlasPrintPack) 2023 đã khai mạc tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế I.C.E Hanoi.

Triển lãm do Công ty Cổ phần Quảng cáo và Hội chợ Thương mại Vinexad, Bộ Công Thương phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Yorkers Exhibition Service Vietnam tổ chức.

Triển lãm thu hút 220 đơn vị tham gia với 340 gian hàng trên diện tích triển lãm 6.500m2.

Tham gia triển lãm có đại diện doanh nghiệp, thương hiệu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như  Trung Quốc; Ấn Độ; Indonesia; Nhật Bản; Malaysia; Philippines; Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc), Thái Lan, Anh và Việt Nam.

Đại diện ngành công nghiệp nhựa với các thương hiệu Cmic, Guibao, Bole, Cutech, Fu Chun Shin, Shini và Boucherie đã giới thiệu các công nghệ mới nhất và giải pháp sáng tạo. Về lĩnh vực in ấn, những tên tuổi lớn như SANSIN, Fujifilm, Epson và HX Production trưng bày những thành tựu mới nhất về thiết bị in và in kỹ thuật số.

Tại triển lãm, khách tham quan cũng được khám phá một loạt các giải pháp đóng gói đa dạng từ các chuyên gia như Li ShenQI, Bao Bi Hoa Trung, Jorn và Drick.

Ngoài ra, thương hiệu Pan Stone, Nastah, Square Silicone và Huaqi Sealing - đại diện cho ngành cao su cũng trưng bày các sản phẩm và giải pháp cao su chất lượng cao.

Phát biểu khai mạc triển lãm, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng triển lãm là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng giúp các nhà đầu tư tiếp tục tìm kiếm đối tác, thị trường, tạo điều kiện cho nhà sản xuất trong nước tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật, dịch vụ tiên tiến.

Theo ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, ngành nhựa Việt Nam hiện có gần 4.000 doanh nghiệp trên cả nước, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 90%. Sản phẩm nhựa ngày càng hiện diện khắp nơi trong đời sống vì tính tiện ích, tham gia phục vụ cho nhiều nhóm ngành như: dệt may, da giày, thủy sản, lương thực, điện tử, gia dụng, y tế, điện lạnh, xây dựng...

[Triển vọng sáng cho các doanh nghiệp ngành nhựa xây dựng]

Thời gian qua, ngành nhựa đã phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 10-12% mỗi năm. Doanh thu ngành năm 2022 đạt hơn 25 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2021.

"Tuy nhiên, hiện tốc độ tăng trưởng ngành nhựa Việt Nam đang có dấu hiệu chậm lại từ đầu năm 2023 đến nay do tình hình suy thoái kinh tế toàn thế giới nói chung và tác động dai dẳng của đại dịch COVID-19 nói riêng," ông Hồ Đức Lam thông tin.

Ngành nhựa Việt Nam được ví như ngành gia công vì phần lớn nguyên liệu (70-80%) phụ thuộc vào nhập khẩu trong khi máy móc thiết bị cũng được nhập khẩu gần như 100% từ các thị trường chính như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Đức, Italy...

Năng lực sản xuất nguyên liệu nhựa của ngành đang được cải thiện rõ rệt và kỳ vọng thời gian tới có thể đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu trong nước với sự tham gia của một số nhà máy cung ứng lớn như Hyosung, Tập đoàn SCG của Thái Lan, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Trong khuôn khổ triển lãm còn diễn ra các buổi hội thảo giúp doanh nghiệp cơ hội xây dựng các kết nối có giá trị và hiểu rõ hơn về tương lai của ngành nhựa, in ấn và bao bì.

Triển lãm Hanoi PlasPrintPack 2023 kéo dài đến hết ngày 11/6./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.