Nhìn lại quá trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp - FDI hơn 30 năm qua, tiến sỹ Nguyễn Thị Tuệ Anh, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đã có phần phân tích chuyên sâu phản ánh thực trạng và những bất cập về khung khổ pháp lý khiến các hoạt động chuyển giao công nghệ từ khối ngoại lan tỏa các khu vực kinh tế trong nước còn nhiều hạn chế.
[Chuyên gia quốc tế: Việt Nam là câu chuyện thành công về thu hút FDI]
Công nghệ lạc hậu…cản trở liên kết
- Nguồn vốn FDI được thu hút vào Việt Nam có những tác động lan tỏa tích cực, như thúc đẩy đổi mới, giúp cải thiện năng suất của doanh nghiệp trong nước, song về yêu cầu chuyển giao công nghệ, đón bắt những tiến bộ khoa học có đạt yêu cầu đặt ra?
Tiến sỹ Nguyễn Thị Tuệ Anh: Trong thực tế, mức độ chuyển giao công nghệ còn thấp, chủ yếu đến từ việc các doanh nghiệp Việt nâng cao khả năng cạnh tranh, học hỏi, mua máy móc có kèm chuyển giao công nghệ…, còn hoạt động lan tỏa thông qua liên kết sản xuất, tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp trong nước không nhiều.
Thực tế cho thấy, các dự án FDI thường tập trung vào các hoạt động lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hóa thấp, do đó các giá trị tạo ra tại Việt Nam không cao. Dẫn đến tình trạng, lượng vốn thu hút được nhiều, tỷ lệ giải ngân tăng nhưng doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị lại hạn chế, vì vậy các tác động lan tỏa công nghệ đạt dưới mức tiềm năng, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Cụ thể, tác động lan tỏa chỉ diễn ra trong một số ngành, như công nghệ thông tin-viễn thông, dầu khí, tài chính-ngân hàng... và xuất phát từ phía nội lực trước nhu cầu hội nhập đòi hỏi phải có hoạt động đổi mới công nghệ nhanh chóng. Với các ngành - lĩnh vực còn lại, công nghệ lạc hậu tiếp tục là yếu tố cản trở liên kết sản xuất...
Có thể nói, công nghệ và sáng tạo tại Việt Nam vẫn trong tình trạng "vùng trũng kinh niên," minh chứng từ các mức xếp hạng thấp, kéo dài nhiều năm trong sơ đồ cạnh tranh các quốc gia..
Báo cáo thường niên về năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2017-2018 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), mặc dù Việt Nam xếp hạng 55 trên 137 quốc gia. Song, nhóm yếu tố năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp xếp hạng 79, chất lượng nghiên cứu khoa học xếp hạng 90, các mức xếp hạng khiêm tốn được coi là điểm yếu lâu dài.
Điều này trùng với những đánh giá của Ngân hàng thế giới - Báo cáo năm 2017 chỉ ra, các doanh nghiệp Việt Nam đang rất nỗ lực cải tiến sản phẩm và quy trình sản xuất nhưng lại hiếm khi giới thiệu được những sản phẩm mới hay có những chức năng hoàn toàn mới so với các sản phẩm trong khu vực.
Chuyển giao công nghệ dừng ở…công ty con
- Cụ thể, các hoạt động chuyển giao công nghệ đang diễn ra như thế nào giữa khu vực FDI và nội địa?
Tiến sỹ Nguyễn Thị Tuệ Anh: Phải nhìn nhận thẳng thắn, tính cạnh tranh của sản phẩm sản xuất tại Việt Nam trên thương trường quốc tế thấp, do hầu hết công nghệ được sử dụng trong dự án FDI phần lớn là công nghệ đã và đang được sử dụng phổ biến ở chính quốc.
Ở một động thái khác, số hợp đồng chuyển giao công nghệ của khối FDI cho khu vực trong nước là rất hạn chế, không tương xứng với vai trò và tiềm năng.
Điểm cần lưu ý, Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (năm 2015) đã thống kê, các hợp đồng chuyển giao công nghệ tại Việt Nam chỉ diễn ra dưới hình thức công ty mẹ và công ty con, chưa có hợp đồng nào được ghi nhận về sự chuyển giao từ doanh nghiệp FDI cho doanh nghiệp trong nước.
Hơn thế nữa, các đối tác đầu tư vào Việt Nam thường đến từ các quốc gia nắm giữ công nghệ nguồn rất ít. Tính đến 2015, qui mô vốn đăng ký các dự án của các quốc gia sở hữu công nghệ nguồn (như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu) chỉ chiếm hơn 15% vốn đăng ký.
Những khảo sát gần đây cũng cho thấy, một tình trạng đáng lưu tâm, nhiều máy móc, công nghệ của khối ngoại nhập vào Việt Nam không phải là công nghệ mới thậm chí hết khấu hao đồng thời người lao động Việt Nam chỉ phụ trách công đoạn đơn giản. Tuy nhiên không thể phủ nhận một thực tế, cho dù chất lượng công nghệ của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam là khá thấp nhưng vẫn tiên tiến hơn nhiều so với mặt bằng công nghệ chung ở trong nước.
Trong khi, khoảng cách công nghệ cũng là yếu tố tác động ngược chiều, cản trở hiệu ứng lan tỏa. Công nghệ giữa khối ngoại và nội càng xa nhau thì mức độ tiếp cận và bắt chước các kỹ thuật, công nghệ mới từ FDI càng khó.
Do đó, để tối đa hóa hiệu ứng lan tỏa công nghệ tích cực, không có cách nào khác là phải chú trọng vào các giải pháp rút ngắn khoảng cách công nghệ giữa doanh nghiệp trong nước và FDI.
Chính sách đi sau
- Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên và giải pháp nào để có thể rút khoảng cách công nghệ giữa hai bên?
Tiến sỹ Nguyễn Thị Tuệ Anh: 30 năm qua, hành lang pháp lý nhằm thu hút và nâng cao hiệu quả FDI luôn có sự cải thiện, nhưng quá trình triển khai lại diễn ra rất chậm và thiếu sự nhất quán, hiệu lực thực thi kém thậm chí còn gây cản trở, làm chậm trễ hoạt động chuyển giao công nghệ.
Ví như, Luật đầu tư nước ngoài có từ năm 1987 nhưng Pháp luật chuyển giao công nghệ được ban hành vào năm 1990. Hay, những Nghị định về chuyển giao công nghệ năm 2006, Luật đầu tư năm 2005 và năm 2014 có điều chỉnh ưu đãi hơn cho chuyển giao công nghệ song hiệu lực thực thi vẫn thấp và kết quả còn chưa rõ ràng.
Chưa kể, hệ thống ưu đãi thuế và trợ cấp xây dựng riêng cho các ngành – lĩnh vực FDI được ưu tiên, chọn lọc song chưa thấy hiệu quả.Trong nước, chính sách khuyến khích hoạt động nghiên cứu, phát triển R&D có thì nhiều nhưng kết quả rất hạn chế. Tính liên kết giữa các khu vực với nhau còn nhiều bất cập, tình trạng phụ thuộc vào linh kiện, phụ kiện bên ngoài vẫn chưa được giải quyết.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời gian tới, giải pháp thúc đẩy hoạt động lan tỏa từ khối FDI cần được điều chỉnh và hoàn thiện về chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư có năng lực. Điều này đồng nghĩa với việc thực hiện cơ chế đầu tư bền vững, hài hòa cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Bên cạnh đó, Chính phủ cần sớm có những chính sách hỗ trợ thông tin, kết nối, khuyến khích doanh nghiệp trong tăng cường tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp nước ngoài./.