Bất động sản hiện chiếm 23% tổng nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 9 tháng năm 2018.
Thông tin này được đưa ra trong buổi họp báo tổng quan về thị trường bất động sản Hà Nội quý 3 và xu hướng những tháng cuối năm do Công ty trách nhiệm hữu hạn CBRE Việt Nam tổ chức ngày 4/10.
Con số này là minh chứng thuyết phục cho nhận định của các chuyên gia về sự khả quan trong thu hút FDI của lĩnh vực bất động sản thời gian tới.
Nguồn vốn FDI tăng chứng tỏ những tín hiệu tích cực đến với thị trường. Cách đây khoảng 10 năm, mặc dù số vốn FDI đổ vào thị trường bất động sản lớn nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng FDI chung rót vào Việt Nam.
Việc bất động sản Việt Nam thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài được kỳ vọng sẽ giúp chuẩn hóa thị trường, tạo ra những giá trị theo tiêu chuẩn quốc tế. Trước mắt, nguồn hàng bất động sản sẽ dồi dào, phong phú và đa dạng hơn trước.
Tại cuộc họp báo, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE chi nhánh Hà Nội cho biết, trong quý 3/2018, tại Hà Nội có gần 5.000 căn hộ chung cư được chào bán từ 24 dự án trên toàn thành phố, giảm khoảng 24% so với quý trước. Cùng đó, lượng thanh khoản đạt khoảng 4.300 căn hộ, cũng giảm khoảng 27% so với quý 2/2018.
Lý giải về điều này, bà An cho rằng theo quy luật, quý 3 là thời điểm mà doanh số bán hàng không cao bởi có “tháng ngâu” và tâm lý của nhiều khách hàng “kiêng” mua nhà trong tháng này.
[Thị trường bất động sản Hà Nội trước chu kỳ khủng hoảng]
Bên cạnh đó, nhiều khách hàng muốn chờ đợi các dự án lớn sẽ mở bán vào những tháng cuối năm để có thêm lựa chọn. Điều này làm ảnh hưởng đến doanh số bán hàng và chủ đầu tư vì thế cũng “ém” dự án để chờ tung hàng vào thời điểm cuối năm.
"Mặc dù lượng giao dịch không nhiều nhưng lượng đặt chỗ ở các dự án lớn chuẩn bị được mở bán vẫn gia tăng. Điều này cho thấy thị trường vẫn đang nhận được sự quan tâm của người mua," bà An phân tích.
Theo CBRE, quý cuối của năm 2018, thị trường bất động sản Hà Nội dự kiến sẽ được bổ sung nguồn cung lớn từ các dự án trung có quy mô lớn như Vincity Ocean Park, Vin City Tây Mỗ Đại Mỗ.
Nguồn cung từ phân khúc trung cấp tiếp tục duy trì vị trị dẫn đầu trên thị trường với con số dự kiến chiếm khoảng hơn 60% tổng nguồn cung chung cư chào bán năm 2018 tại Hà Nội.
Các dự án nằm tại khu vực phía Tây và Nam chiếm hơn 70% nguồn cung mở bán mới trong quý. Đáng chú ý, thị trường nhà ở Hà Nội cho thấy xu hướng mở rộng ra ngoài khu vực trung tâm với các dự án mới ở huyện Thanh Trì và Hoài Đức. Khu vực phía Đông thời gian trước nguồn cung không phổ biến bằng nhưng càng ngày càng gia tăng hơn ở các khu vực khác. Quỹ đất khu vực phía Đông vẫn rất dồi dào.
Nhiều chuyên gia cho rằng nguồn vốn FDI bất động sản thường đổ vào phân khúc hạng sang. Tuy nhiên, tại Hà Nội, hiện phân khúc trung cấp vẫn là phổ biến, phân khúc cao cấp và tiệm cận hạng sang rất ít.
Hiện giá giao dịch bất động sản ở phân khúc chung cư tại Hà Nội từ nay đến cuối năm được kỳ vọng tăng từ 3-5%. Đây là dấu hiệu tương đối lành mạnh của thị trường bởi giá bán sơ cấp không có quá nhiều diễn biến. Giá chung cư tại Hà Nội tương đối ổn định.
Mặc dù thời gian qua có nhiều ý kiến quan ngại xảy ra tình trạng “bong bóng” ở phân khúc chung cư nhưng căn cứ vào biểu giá đang ổn định, bà An khẳng định không có sự tăng đột biến, thị trường vẫn phát triển lành mạnh.
Dự kiến trong dài hạn, giá bán có xu hướng đi lên nhưng mức tăng vừa phải, không có biến động lớn như thời kỳ trước.
Năm 2018 bước vào năm thứ 4 của chu kỳ mới của thị trường bất động sản. Từ năm 2015 đến nay, thị trường tăng trưởng tốt, nhu cầu nội tại về nhà ở, thay đổi chỗ ở của người dân vẫn rất dồi dào.
Sự dịch chuyển dân cư từ nông thôn lên thành thị là lực cầu tốt cho nhu cầu về nhà ở tại Thủ đô. Đây cũng chính là tiềm năng để thị trường bất động sản Hà Nội tăng trưởng và phát triển./.