Theo ông Trương Đức Trọng, đại diện Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay, khoảng 38% doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính, trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), doanh nghiệp quy mô lớn và hoạt động lâu năm đều phản ánh việc tìm hiểu thủ tục hành chính còn nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, vấn đề minh bạch thông tin liên quan đến chính sách, thủ tục xuất nhập khẩu còn thiếu vắng phương thức cung cấp thông tin toàn diện, dễ hiểu và dễ sử dụng. Thiếu vắng các hỏi đáp về các vấn đề thương mại quốc tế. Khó khăn khi tra cứu thông tin và hỏi đáp giải quyết vướng mắc trên cổng một cửa quốc gia.
[Công bố kết quả khảo sát doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính]
Về việc thực hiện các thủ tục hải quan, ông Trọng cho biết mức độ thuận lợi khi tuân thủ các thủ tục hành chính hải quan tương đối khác biệt. Doanh nghiệp lo ngại các quy định pháp luật về thông quan hay thay đổi. Thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thời gian kiểm tra kéo dài và nội dung kiểm tra chồng chéo. Doanh nghiệp thường gặp trở ngại ở giai đoạn trước khi khai hải quan đối với mã xác nhận HS và ở giai đoạn khai hải quan với xác định giá trị hải quan.
Riêng vấn đề thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành, theo ông Trọng, mức độ thuận lợi khi tuân thủ các thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực quản lý chất lượng hàng hoá ở mức trung bình. Không có thủ tục nào nhận được trên 70% được đánh giá tương đối dễ hoặc dễ thực hiện.
Kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá việc tuân thủ hoặc dễ thực hiện chỉ đạt tối đa 66%.
Không có khâu, quy trình nào nhận được từ 70% ý kiến doanh nghiệp trở lên đánh giá việc tuân thủ là dễ hay tương đối dễ.
Khâu quy trình nộp hồ sơ đăng ký kiểm tra là bước được doanh nghiệp nhìn nhận dễ tuân thủ nhất trong 4 khâu. Trong khi lấy mẫu kiểm tra là khâu doanh nghiệp thường gặp khó khăn hơn cả. 59% doanh nghiệp đã gặp ít nhất một loại khó khăn nào đó trong quá trình tuân thủ kiểm tra chuyên ngành...
Từ những vấn đề trên, VCCI khuyến nghị một số lĩnh vực cần tập trung cải thiện. Đối với cơ quan Hải quan, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về hải quan với tính ổn định, nhất quán, hiện đại, khả thi, công khai, minh bạch và dễ tiếp cận. Hài hòa các thủ tục hải quan phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Áp dụng đồng bộ các phương thức quản lý hải quan hiện đại trong giải quyết thủ tục từ khai hải quan, thông quan đến kiểm tra sau thông quan…
Đối với các cơ quan quản lý và kiểm tra chuyên ngành, cần tập trung cải thiện những lĩnh vực, khâu quy trình còn phiền hà như các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, rà soát hoạt động lấy mẫu kiểm tra vì đây là khâu doanh nghiệp thường phản ánh gặp khó khăn.
Đồng thời giảm tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành, trong đó nghiên cứu giảm số mặt hàng và số lô thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, áp dụng đầy đủ và thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro, rà soát những điểm chồng chéo giữa các quy định pháp lý về kiểm tra chuyên ngành…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tìm hiểu và nắm rõ các quy định pháp luật, các chính sách hiện hành về xuất nhập khẩu; tăng cường hiểu biết về công nghệ thông tin để ứng dụng hiệu quả hơn trong thực hiện thủ tục hành chính; đồng thời, liên kết và tận dụng hiệu quả kênh hiệp hội doanh nghiệp./.