4 lý do giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn về đầu tư sản xuất

Mạng tin tradefinanceglobal.com đánh giá Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư hàng đầu ở ASEAN nhờ chi phí lao động rẻ, môi trường ổn định và tích hợp trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
4 lý do giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn về đầu tư sản xuất ảnh 1Tân Cảng Sài Gòn. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Theo mạng tin tradefinanceglobal.com, trong thập niên qua, Việt Nam đã trở thành điểm đến hàng đầu cho các khoản đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, hấp dẫn hơn các nước ASEAN-4 (Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines).

Trang này chỉ ra 4 lý do giúp Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư hơn các nước ASEAN-4 gồm chi phí lao động thấp hơn, tích hợp chuỗi cung ứng đơn giản hơn, tiếp cận thương mại tự do tốt hơn và sự ổn định chính trị.

Chi phí lao động thấp hơn là một trong những lý do khiến nhiều công ty sản xuất chuyển đến Việt Nam trong thập niên qua. Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố duy nhất quyết định địa điểm đặt nhà máy.

Các công ty cũng phải xem xét các yếu tố như tích hợp chuỗi cung ứng. Việc kết hợp các nhà sản xuất Việt Nam vào chuỗi cung ứng là tương đối đơn giản cả ở thượng lưu (các hoạt động giữa nhà sản xuất và các nhà cung cấp của họ) và hạ lưu (các hoạt động nhằm phân phối sản phẩm đến khách hàng cuối cùng). 

Xét về chuỗi cung ứng thượng lưu, gần như không có nhà sản xuất Đông Nam Á nào có thể hoàn toàn thoát khỏi “trường hấp dẫn” của Trung Quốc.

Không giống như các quốc gia ASEAN-4, Việt Nam có chung đường biên giới với Trung Quốc, điều này giúp các công ty chế tạo ở Việt Nam dễ dàng hòa nhập hơn vào mạng lưới rộng lớn của Trung Quốc.

Về hạ lưu, việc kết hợp Việt Nam vào chuỗi cung ứng cũng là một quá trình tương đối ít trở ngại, do Việt Nam có hai sân bay quốc tế, một số cảng lớn, nguồn điện đáng tin cậy và truy cập internet dễ dàng.

Thêm vào đó, do Việt Nam có quy mô địa lý nhỏ nên hầu hết các nhà cung cấp đều nằm gần sân bay hoặc cảng biển lớn. Điều này giúp cho việc vận chuyển thành phẩm từ nhà máy đến tay khách hàng trở nên dễ dàng.

[Truyền thông Đài Loan: Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn năm 2022]

Ngoài ra, so với nhiều nước Đông Nam Á khác, Việt Nam rất dễ bán hàng hóa được sản xuất trong nước ở các nước khác mà không phải trả thêm chi phí không cần thiết, do Việt Nam là thành viên của 15 hiệp định thương mại tự do bao trùm hơn 50 quốc gia trên thế giới.

Đối với các nhà sản xuất, điều này có nghĩa là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam có thể được bán sang các thị trường khác - bao gồm nhiều thị trường giàu có hơn ở phương Tây - mà không cần phải trả mức thuế quá đắt.

Cuối cùng, một yếu tố quan trọng nữa giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn về đầu tư sản xuất là sự ổn định chính trị.

Tuyên bố về môi trường đầu tư năm 2021 của Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá “môi trường chính trị và an ninh của Việt Nam phần lớn ổn định."

Theo chỉ số của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam xếp trên nhiều quốc gia Đông Nam Á, bao gồm ba trong số các quốc gia ASEAN-4, về mức độ ổn định chính trị và không có bạo lực.

Trang mạng trên đánh giá sự kết hợp của cả 4 yếu tố trên rõ ràng là đủ để tạo ra sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư.

Việt Nam đã vượt qua rất tốt sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19 gây ra và được coi là một trung tâm sản xuất chủ chốt và đang phát triển.

Khi chính phủ tiếp tục thực hiện các hiệp định thương mại tự do trên khắp thế giới và đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông cũng như thông tin liên lạc, vị thế của Việt Nam là một “trung tâm sản xuất đang lên” sẽ ngày càng được củng cố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.