4 nước Địa Trung Hải sắp đạt thỏa thuận về đường ống khí đốt

Cộng hòa Síp, Hy Lạp, Italy và Israel đang thảo luận về việc xây tuyến đường ống dưới biển dài nhất thế giới để vận chuyển khí đốt từ các mỏ năng lượng ở Đông Địa Trung Hải đến châu Âu.
4 nước Địa Trung Hải sắp đạt thỏa thuận về đường ống khí đốt ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: timesofisrael.com)

Một nguồn tin trong chính phủ Cộng hòa Síp ngày 25/11 cho biết bốn nước Địa Trung Hải gồm Cộng hòa Síp, Hy Lạp, Italy và Israel sắp đạt được thỏa thuận về việc xây dựng một tuyến đường ống dưới biển dài nhất thế giới để vận chuyển khí đốt từ các mỏ năng lượng ở Đông Địa Trung Hải đến châu Âu.

Theo nguồn tin, thỏa thuận xây dựng đường ống Đông Địa Trung Hải dự kiến sẽ sớm được ký kết. Sau đó, Liên minh châu Âu (EU) sẽ mất khoảng năm tuần để thẩm định và đánh giá các điều khoản của thỏa thuận. Trước đó, thông tin đăng tải trên một tờ báo Israel cho biết các bên đã đạt được thỏa thuận này.

Nguồn tin của chính phủ Công hòa Síp còn tiết lộ nước này cũng đang xem xét mọi khả năng thay thế khác, và phần lớn những khả năng thay thế này sẽ phụ thuộc vào kết quả hoạt động khoan thăm dò của ExxonMobil vốn đang được triển khai ở lô 10 thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Cộng hòa Síp.

[Nga, Thổ Nhĩ Kỳ khánh thành tuyến đường ống khí đốt dưới biển]

Một trong những khả năng thay thế mà Cộng hòa Síp đang nghiên cứu là xây dựng một nhà máy hóa lỏng khí đốt gồm hai dây chuyền sản xuất với chi phí lên tới 10 tỷ euro, cao hơn nhiều so với mức hơn 6 tỷ euro để xây dựng tuyến đường ống Đông Địa Trung Hải.

Khả năng phát hiện một mỏ khí đốt khổng lồ ở Cộng hòa Síp sẽ thúc đẩy nước này triển khai kế hoạch xây dựng nhà máy hóa lỏng khí đốt cũng như tham gia vào dự án xây dựng đường ống Đông Địa Trung Hải.

EU đã tài trợ 100 triệu euro cho việc nghiên cứu khả thi và đã bày tỏ sự ủng hộ đối với dự án xây dựng đường ống Đông Địa Trung Hải.

Tuyến đường ống này có chiều dài lên tới 2.200km. Điểm khởi đầu của tuyến đường ống sẽ nằm ở ngoài khơi cách đường bờ biển phía Nam của Cộng hòa Síp 170km và chạy thẳng vào lãnh thổ của nước này, tiếp đó sẽ nối sang Hy Lạp và điểm cuối sẽ nằm gần thành phố Otranto thuộc Đông Nam của Italy.

Các nguồn tin trong ngành dầu mỏ cho hay đây sẽ là tuyến dài nhất và sâu nhất thế giới. Với công suất vận chuyển khoảng 20 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, tuyến đường ống Đông Địa Trung Hải dự kiến sẽ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu khí đốt của châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.