Đến 15 giờ chiều 19/10, sau nhiều nỗ lực của lực lượng quân đội, chính quyền và nhân dân địa phương, thi thể 22 chiến sỹ bị vùi lấp đã được lực lượng chức năng đã đưa được ra khỏi hiện trường vụ sạt lở đất tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Đây là một cuộc tìm kiếm hết sức khó khăn do địa hình hiểm trở, thời tiết phức tạp và đoạn đường ra vào liên tục bị sạt lở do mưa lũ.
Chạy đua với thời gian
“Tỉnh Quảng Trị đang tận dụng mọi đơn vị, mọi lợi thế tại chỗ để khẩn trương cứu hộ, cứu nạn và thông tuyến đường vào nơi đóng quân của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 trong thời gian sớm nhất. Dù có phải đi đường sông, đường rừng cũng phải làm mọi cách để đảm bảo bà con vùng chia cắt không bị đói và sớm cứu hộ cho các chiến sỹ bị nạn."
Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, người trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn ở xã Hướng Phùng từ ngày đầu tiên xảy ra sự việc.
Trước đó, vào hồi 1 giờ sáng 18/10, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 (Quân khu 4) gặp tai nạn do sạt lở đất, một phần đồi rộng lớn phía sau đơn vị đã sụp đổ, kéo theo khối lượng đất đá dày hàng mét vùi lấp một phần tòa nhà chỉ huy.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã họp khẩn trong đêm và lập đoàn tìm kiếm cứu nạn nỗ lực tiếp cận hiện trường, các đơn vị bộ đội biên phòng, công an, dân quân và chính quyền xã Hướng Phùng cũng tập trung tìm biện pháp cứu hộ.
Sáng sớm 18/10, ông Hà Sỹ Đồng dẫn đầu đoàn công tác của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã có mặt tại xã Hướng Phùng, nhưng đoàn đã phải đối mặt với hiểm nguy khi phải vượt qua hàng chục điểm sạt lở trên đường vào.
Một trận lũ quét cùng sạt lở đất lớn đã chia cắt đoàn công tác, một phần tiếp tục tiến vào khu vực nơi các thành viên Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 gặp nạn, một phần phải ở lại, lập Sở chỉ huy cứu nạn tiền phương tại thôn Choa, cách đó khoảng 3km.
Trong khi đó, tại hiện trường vụ tai nạn, Phó Tư lệnh Quân khu 4 Hà Tân Tiến vẫn đang trực tiếp chỉ huy hàng trăm chiến sỹ nỗ lực công tác tìm kiếm các nạn nhân.
Đầu giờ chiều 18/10, Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cùng Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng trực tiếp phối hợp chỉ đạo tại Sở chỉ huy cứu nạn tiền phương.
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng và tỉnh Quảng Trị cũng thống nhất phương án chuẩn bị sẵn trực thăng để kịp thời tăng cường hỗ trợ, ứng cứu đồng bào trong khu vực bị chia cắt do sạt lở và phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ.
Chung sức, đồng lòng thông tuyến
Xuyên đêm 18/10, hàng chục chiếc xe ủi, xe cẩu, xe tải, xe chuyên dụng sửa chữa đường đã hoạt động hết công suất. Từ dưới núi, những chuyến xe tải chở hàng tấn đá hộc liên tục được đưa lên phục vụ công tác san lấp những điểm sạt lở. Hàng trăm công nhân làm thâu đêm, tất cả chỉ mong sớm hoàn thành việc thông đường để phục vụ công tác cứu hộ.
Công nhân Đỗ Đức Thường (Công ty Cổ phần quản lý và xây dựng 494 Quảng Bình) cùng tổ máy xúc đã làm việc nỗ lực từ sáng 18/10, xuyên đêm đến sáng 19/10.
Anh Thường cho biết đơn vị của anh đang thi công ngoài tuyến đường chính, nghe lệnh điều động của cấp trên thì lập tức đưa xe, máy vào khẩn cấp phục vụ thông xe cho tuyến đường này. Vì phải làm việc suốt đêm, lại mưa liên tục nên công tác xúc, ủi đất đá gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng các anh đã cố gắng hết sức, dùng mọi phương tiện chiếu sáng để làm việc, mong sớm thông đường để kịp thời cứu hộ cho đơn vị bộ đội.
Theo anh Thường, tất cả các đơn vị hoạt động ở đây đều phối hợp rất nỗ lực, cố gắng hết sức để giải cứu cho những người gặp nạn.
[Diễn biến quá trình tìm 22 cán bộ, chiến sỹ bị vùi lấp ở Quảng Trị]
Ông Lê Vĩnh Thình, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần quản lý và xây dựng đường bộ Quảng Trị, cũng là người trực tiếp chỉ huy công tác khắc phục bão lụt của đơn vị tại khu vực này.
Ông Thình nhận định tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn Quảng Trị là tuyến đường có địa hình hết sức phức tạp. Ngay khi xảy ra sạt lở, đơn vị đã tập trung nhân lực, vật lực khẩn trương khắc phục, nhưng mức độ hư hỏng của tuyến đường rất lớn, ban đầu được đánh giá là không thể hoàn thành trong ngày một, ngày hai.
Không chỉ công an, bộ đội, lực lượng cứu hộ, những đồng bào Vân Kiều ở thôn Choa, thôn Cợp (gần hiện trường vụ sạt lở) cũng luôn nhiệt tình giúp đỡ, hỗ trợ trong suốt thời gian diễn ra cứu hộ.
Sáng 18/10, khi thấy đoàn cứu hộ phải dừng lại trước điểm sạt lở gần nhà, bà Hồ Thị Khá (52 tuổi, thôn Choa) đã nhiệt tình mời đoàn lập sở chỉ huy cứu nạn tiền phương ngay tại nhà mình để tiện công tác.
Gia đình bà cũng cung cấp chỗ ăn, chỗ ngủ, điện nước cho các thành viên trong đoàn để có thể sớm ứng cứu cho bộ đội phía trong khu vực sạt lở.
Hay như gia đình bà Hồ Thị Tuyết Mai (50 tuổi, thôn Cợp, nhà đối diện nơi đóng quân của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337) đã nhiệt tình cho các cán bộ, chiến sỹ tham gia cứu hộ cứu nạn tạm trú ngay sau vụ sạt lở.
Ngôi nhà sàn của bà Hồ Thị Tuyết Mai cũng là nơi hỗ trợ thức ăn, nước uống cho các phóng viên, nhà báo hiện trường trong suốt những ngày thông tin về công tác cứu hộ, cứu nạn.
Họ là những người nông dân còn nghèo khổ, lam lũ, vất vả, nhưng khi xảy ra sự cố, đều nguyện cống hiến tất cả những gì mình có để hỗ trợ tốt nhất cho lực lượng chức năng.
Các máy ủi, máy xúc hoạt động suốt ngày đêm, từng đoàn công binh, biên phòng khẩn trương vượt mưa gió, đua với thời gian, bất chấp hiểm nguy khắc phục, dọn dẹp những điểm sạt lở.
Kết quả, chỉ sau một ngày đêm, tuyến đường dài khoảng 15km với hàng chục điểm sạt lở đã cơ bản được thông tuyến. Công việc tìm kiếm, khắc phục hậu quả sạt lở đất cũng được gấp rút tiến hành.
Rạng sáng 19/10, hàng chục chiếc xe cấp cứu đã khẩn trương vào khu vực bị nạn để đưa thi thể những người lính bị vùi lấp về thành phố Đông Hà an toàn.
Chiều 19/10, sau hơn một ngày khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn, cả 22 nạn nhân trong vụ sạt lở đất tại nơi đóng quân Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 đã được tìm thấy và đưa về với gia đình.
Trên con đường sạt lở mới được khắc phục, hàng trăm người dân địa phương, hàng trăm công nhân, chiến sỹ, lực lượng cứu hộ đứng lặng lẽ hai bên đường đưa tiễn những người lính bị nạn về với quê nhà./.