Ngày 17/2/1979, thực hiện kế hoạch vạch ra từ trước, nhà cầm quyền Trung Quốc đã phát động cuộc tiến công quy mô lớn xâm phạm lãnh thổ Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh).
Thực hiện quyền tự vệ chính đáng, quân và dân Việt Nam anh dũng chiến đấu, giáng trả quyết liệt.
Chịu nhiều tổn thất mà chưa đạt được mục tiêu ban đầu đề ra, đồng thời bị dư luận thế giới lên án mạnh mẽ do tính chất phi nghĩa của cuộc tiến công, phía Trung Quốc rút hết quân về nước vào ngày 18/3/1979.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm của sự kiện này, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài viết: “Chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc Tổ quốc 1979 - Thắng lợi và bài học lịch sử” của tiến sỹ Trần Hữu Huy, Hội viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
Cuộc chiến tranh phi nghĩa của phía Trung Quốc
Trung Quốc là nước láng giềng của Việt Nam. Trong quá trình đấu tranh cách mạng, nhân dân hai nước gắn bó mật thiết, đoàn kết giúp đỡ nhau. Nhưng sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam thắng lợi (1975), quan hệ hai nước dần xấu đi.
Đầu năm 1979, khi Quân đội nhân dân Việt Nam tiến công đánh đổ tập đoàn phản động Pol Pot, giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, mở ra công cuộc hồi sinh đất nước, chính quyền Trung Quốc cùng một số nước khác ra sức tuyên truyền xuyên tạc sự xuất hiện của Quân tình nguyện Việt Nam trên lãnh thổ Campuchia.
Mục đích của họ là muốn chống phá cách mạng Việt Nam, hậu thuẫn cho các thế lực phản động để mưu toan áp đặt lợi ích dân tộc của họ trên bán đảo Đông Dương.
[40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Ký ức không quên]
Trong khi đó, bối cảnh quốc tế lúc này đang có những diễn biến rất phức tạp khi mâu thuẫn Liên Xô-Trung Quốc gia tăng căng thẳng; quan hệ Trung Quốc-Mỹ tiếp tục có sự cải thiện và cả hai đều coi Liên Xô là “kẻ thù số 1.”
Sau nhiều lần gây ra các vụ khiêu khích quân sự quy mô nhỏ, từ ngày 17/2/1979, phía Trung Quốc đã huy động 60 vạn quân, trên 500 xe tăng, xe bọc thép; hàng ngàn khẩu pháo các loại... mở cuộc tiến công xâm phạm lãnh thổ Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh), trong đó hướng tiến công chủ yếu là Cao Bằng-Lạng Sơn; hướng tiến công quan trọng là Lào Cai (Hoàng Liên Sơn); hướng phối hợp là Phong Thổ (Lai Châu); hướng nghi binh thu hút lực lượng là Quảng Ninh, Hà Tuyên.
Mở cuộc tiến công xuống biên giới phía Bắc Việt Nam, các nhà cầm quyền Trung Quốc hướng đến những mục tiêu cơ bản:
Thứ nhất, buộc Việt Nam phải rút Quân tình nguyện ra khỏi Campuchia, tạo điều kiện cho quân Pol Pot hồi phục lực lượng, giữ được những căn cứ còn lại, tiếp tục chống phá chính quyền cách mạng Campuchia vừa thiết lập.
Thứ hai, tranh thủ sự ủng hộ của một số nước lớn đang chống phá cách mạng Việt Nam (trong đó có Mỹ) để giúp Trung Quốc thực hiện “bốn hiện đại hóa” (nông nghiệp, công nghiệp, quân đội, khoa học-kỹ thuật).
Thứ ba, phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng, kích động bạo loạn, hạ uy thế quân sự, chính trị của Việt Nam trên trường quốc tế sau chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược năm 1975.
Thứ tư, thị uy sức mạnh đối với các nước trong khu vực Đông Nam Á; đồng thời thăm dò phản ứng của Liên Xô và dư luận thế giới để chuẩn bị cho những bước phiêu lưu quân sự sau này.
Bộ Chỉ huy phía Trung Quốc chủ quan nhận định: với lực lượng, vũ khí trang bị chiếm ưu thế áp đảo hiện tại (bộ binh đông hơn gấp 3,5 lần; pháo binh nhiều gấp 5,7 lần; xe tăng, thiết giáp nhiều gấp 9,8 lần...), quân Trung Quốc sẽ nhanh chóng đập tan hệ thống phòng thủ biên giới của Việt Nam; mặt khác, một bộ phận lớn Quân đội Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, lực lượng tăng cường cho mặt trận biên giới sẽ gặp nhiều khó khăn.
Từ nhận định đó, Bộ Chỉ huy phía Trung Quốc đề ra kế hoạch là nhanh chóng đánh chiếm một số thị xã, địa bàn quan trọng, sau đó tùy điều kiện tình hình cụ thể có thể phát triển sâu vào nội địa Việt Nam.
Trên mỗi hướng tiến công, quân Trung Quốc thường kết hợp đánh chính diện với vu hồi, thọc sâu, bao vây, chia cắt; phối hợp giữa bộ binh, xe tăng, xe bọc thép và pháo binh, thực hiện đánh phá triệt để toàn diện rất tàn khốc. Tuy nhiên, trên thực tế, quân Trung Quốc đã gặp phải sự giáng trả quyết liệt từ phía Việt Nam.
Quyền tự vệ chính đáng của nhân dân Việt Nam
Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi (năm 1975), nhiều đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam (trong đó có cả Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn) sang thăm Trung Quốc, khẳng định Việt Nam luôn ghi nhớ và biết ơn sâu sắc Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc về sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn cả về chính trị, vật chất lẫn tinh thần trong hai cuộc kháng chiến cứu nước; phía Việt Nam luôn coi trọng việc giữ gìn quan hệ láng giềng hữu nghị hợp tác với Trung Quốc.
Cuối năm 1978, đầu năm 1979, khi quan hệ hai nước căng thẳng, xung đột vũ trang nhỏ lẻ ở biên giới liên tục diễn ra, phía Việt Nam vẫn kiên trì kêu gọi Chính phủ Trung Quốc cùng nhau đàm phán giải quyết mọi mâu thuẫn, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Đáp lại thiện chí đó, phía Trung Quốc vẫn chủ trương tiến hành đường lối chống Việt Nam, cắt toàn bộ viện trợ đã cam kết, đưa ra những đòi hỏi vô lý khi đàm phán (Việt Nam rút Quân tình nguyện khỏi Campuchia, có quy chế riêng bảo đảm quyền lợi người Việt gốc Hoa ở miền Nam Việt Nam...).
Mặt khác, Chính phủ Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vu cáo “Việt Nam xâm lược Campuchia,” “Việt Nam lấn chiếm đất đai, quấy rối biên cương phía Nam Trung Quốc” nhằm đánh lạc hướng dư luận trong và ngoài nước, từ đó ngang ngược tuyên bố “dạy cho Việt Nam một bài học.”
Lường định về một cuộc chiến tranh có thể xảy ra, cuối năm 1978, Trung ương Đảng, Chính phủ Việt Nam khẩn trương tăng cường lực lượng củng cố tuyến phòng thù biên giới phía Bắc.
Trước cuộc tiến công quy mô lớn của Trung Quốc, ngày 17/2/1979, Chính phủ Việt Nam ra tuyên bố nêu rõ nhà cầm quyền Trung Quốc đang đi ngược lại lợi ích của nhân dân, phá hoại nghiêm trọng tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước, đồng thời khẳng định quân và dân Việt Nam không có con đường nào khác là thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình để đánh trả.
Trong những ngày đầu chiến tranh, phía Việt Nam chủ trương không tập trung lực lượng dự bị chiến lược vào quyết chiến sớm, cũng không vội rút lực lượng chủ lực cơ động phía Nam ra, mà phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân địa phương, sử dụng lực lượng tại chỗ của Quân khu 1, Quân khu 2 là chính, có sự bổ sung một bộ phận lực lượng từ tuyến sau lên tăng cường.
Trải qua 10 ngày chiến đấu, các lực lượng vũ trang Quân khu 1, Quân khu 2 và nhân dân Việt Nam tại các tỉnh biên giới phía Bắc đã chiến đấu rất anh dũng, tiêu diệt nhiều sinh lực, phá hủy nhiều phương tiên chiến tranh, làm chậm ý định “đánh nhanh, chiếm nhanh” của quân Trung Quốc, buộc đối phương phải tung lực lượng dự bị chiến lược vào tham chiến. Với ưu thế quân đông, nhiều vũ khí trang bị kỹ thuật, quân Trung Quốc từng bước tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam, lần lượt chiếm một số địa bàn, thị xã quan trọng như: Lào Cai (19/2), Cao Bằng (24/2), Cam Đường (25/2), Lạng Sơn (5/3)...
Trước tình hình cấp bách đó, Chính phủ Việt Nam quyết định sử dụng các binh đoàn chủ lực mạnh, sẵn sàng mở những chiến dịch phản công quy mô lớn của binh chủng hợp thành. Theo phương châm đó, đầu tháng 3/1979, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng Việt Nam ra lệnh cho Quân đoàn 2 đang làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia nhanh chóng chuyển toàn bộ lực lượng về phía Bắc tập kết, đồng thời, ra quyết định thành lập Quân đoàn 5 (ngày 2/3/1979) ngay tại mặt trận biên giới (gồm bốn sư đoàn bộ binh: 3, 338, 327, 337 cùng một số đơn vị kỹ thuật và bảo đảm khác).
Các đơn vị chủ lực của Quân đoàn 1, Quân chủng Phòng không-Không quân và các binh chủng kỹ thuật khác sẵn sàng tham gia chiến đấu. Để phát huy sức mạnh tổng hợp cả nước, ngày 4/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam ra quyết định tổng động viên lực lượng bảo vệ Tổ quốc. Kế hoạch tác chiến chiến lược được bổ sung thảo luận thông qua.
Vào thời gian này, do bị thiệt hại nặng nề mà chưa đạt được mục tiêu cơ bản đề ra, lại bị dư luận quốc tế lên án mạnh mẽ, tối 5/3/1979, chính quyền Trung Quốc tuyên bố rút quân về nước. Để tỏ thiện chí hòa bình, mong muốn khôi phục quan hệ hữu nghị giữa hai nước, Trung ương Đảng, Chính phủ Việt Nam ra lệnh cho các lực lượng vũ trang và nhân dân trên vùng biên giới phía Bắc dừng chiến dịch phản công để tạo điều kiện cho quân Trung Quốc rút về. Đến ngày 18/3/1979, Trung Quốc hoàn thành việc rút quân khỏi Việt Nam.
Thắng lợi và bài học lịch sử
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của nhân dân Việt Nam diễn ra trong vòng khoảng một tháng (từ 17/2-18/3/1979) nhưng có ý nghĩa thắng lợi rất to lớn, thể hiện ở một số khía cạnh cơ bản:
Quân dân Việt Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 quân Trung Quốc, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự, trong đó có 280 xe tăng, xe thiết giáp, phá hủy 115 khẩu pháo và cối hạng nặng, thu nhiều vũ khí, đồ dùng quân sự... buộc đối phương sớm rút quân, qua đó làm thất bại hoàn toàn ý đồ của các nhà cầm quyền Trung Quốc muốn áp đặt lợi ích nước lớn lên bán đảo Đông Dương.
Cuộc chiến đấu này thêm một lần nữa khẳng định ý chí, sức mạnh bền bỉ của nhân dân Việt Nam quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, bởi Việt Nam lúc này vừa kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ chưa lâu (1975), vừa kết thúc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và đang làm nhiệm vụ quốc tế giúp đỡ nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, thực hiện công cuộc hồi sinh đất nước, kinh tế lại đang gặp rất nhiều khó khăn do cấm vận của Mỹ...
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của nhân dân Việt Nam góp phần khẳng định đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sự chỉ đạo chiến lược tài tình, sắc bén của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương Việt Nam, nhất là trong việc nắm bắt tình hình, đánh giá đúng khả năng hành động của đối phương, trên cơ sở đó kịp thời chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng vũ trang và nhân dân chuẩn bị các mặt sẵn sàng đối phó; tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo dựng thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc.
Qua thực tiễn điều hành, chỉ đạo chiến tranh, Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định về quyền tự vệ chính đáng của mình, kiên quyết đánh trả mọi cuộc tiến công xâm phạm chủ quyền, nhưng đồng thời cũng luôn thể hiện rõ lòng bao dung, khát vọng hòa bình, mong muốn chấm dứt xung đột để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam-Trung Quốc, góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới.
Để giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh, nhân dân Việt Nam cũng chịu những tổn thất nặng nề: hơn 30.000 cán bộ, chiến sĩ thương vong; hàng chục ngàn dân thường bị thiệt mạng. Các thị xã Cao Bằng, Lạng Sơn, Cam Đường, Lào Cai gần như bị hủy diệt hoàn toàn; tổng cộng có 320 xã, 735 trường học, 41 nông trường, 81 xí nghiệp, hầm mỏ và 38 lâm trường bị tàn phá; 400.000 gia súc bị giết, bị cướp. Khoảng 50% trong tổng số 3,5 triệu người ở sáu tỉnh biên giới bị mất nhà cửa, tài sản và phương tiện sinh sống.
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc 1979 là sự kiện lịch sử đặc biệt, để lại cho cách mạng Việt Nam nhiều bài học quý báu:
Một là, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nắm chắc tình hình, dự đoán chính xác âm mưu và hành động của các bên liên quan, nhất là động thái các nước lớn, trên cơ sở đó có sự chuẩn bị toàn diện, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống.
Hai là, giữ vững đường lối độc lập, tự chủ, tự cường, kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị, quân sự với đấu ngoại giao để vừa phát huy sức mạnh tổng hợp trong nước, vừa nêu cao tính chính nghĩa của cách mạng nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ quốc tế, không để các thế lực thù địch xuyên tạc hòng tìm cách cô lập.
Ba là, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, trên cơ sở đó phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân địa phương, đặc biệt là sức mạnh của lực lượng vũ trang tại chỗ (bộ đội chủ lực quân khu, bộ đội địa phương tỉnh, huyện, dân quân du kích) kết hợp với sức mạnh hậu phương cả nước tạo thành những “trường thành thép” sẵn sàng đánh trả có hiệu quả mọi cuộc tiến công từ bên ngoài ngay thời gian đầu.
Bốn là, vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự truyền thống Việt Nam “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều” với nghệ thuật quân sự hiện đại (phương thức tác chiến chính quy), đồng thời biết khai thác, phát huy tư tưởng nhân văn “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” của cha ông thuở trước kết hợp với chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh./.