5 năm sau “cơn bão” Brexit, châu Âu trở nên đoàn kết hơn?

Dù Anh đã chính thức cắt đứt mọi ràng buộc thành viên với EU từ ngày 1/1/2021 sau thỏa thuận thương mại lịch sử, song mối quan hệ Anh-EU hậu Brexit vẫn còn những rào cản.
5 năm sau “cơn bão” Brexit, châu Âu trở nên đoàn kết hơn? ảnh 1(Ảnh: AFP/TTXVN)

Đêm 23/6/2016, một “cơn bão” đã tràn vào Brussels (Bỉ), và trong vài giờ ngắn ngủi sau đó, xảy ra một "tiếng sét" chính trị mà hầu như không ai có thể đoán trước được.

Đó là khi các cử tri Anh lựa chọn chấm dứt tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong một cuộc trưng cầu dân ý gây chia rẽ. Dù Anh đã chính thức cắt đứt mọi ràng buộc thành viên với EU từ ngày 1/1/2021 sau thỏa thuận thương mại lịch sử, song mối quan hệ Anh-EU hậu Brexit vẫn còn những rào cản.

5 năm tiến trình Brexit

Ngày 31/1/2020, nước Anh đã chính thức ra khỏi EU, chấm dứt 47 năm là thành viên của liên minh kinh tế lớn nhất hành tinh này. Và đây đúng là sự khởi đầu cho một quá trình đàm phán phức tạp với nhiều thời hạn được đặt ra, rồi bị bỏ qua.

Chỉ hơn một tháng sau ngày chính thức ra khỏi EU, đầu tháng 3/2020, Anh đã khởi động vòng đàm phán đầu tiên với EU nhằm tìm kiếm một thỏa thuận điều chỉnh mối quan hệ hai bên trong tương lai.

Hai bên đều đặt ra mục tiêu sớm đạt được một thỏa thuận toàn diện, không thuế quan, không hạn ngạch… do hai bên là đối tác quan trọng của nhau và kỳ vọng rằng sự tương đồng có được sau 47 năm Anh là thành viên EU sẽ giúp sớm giải quyết những bất đồng.

Tuy nhiên, ngay sau đó, đại dịch COVID-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt nghiêm trọng tại nhiều nước châu Âu. Các biện pháp phòng chống dịch khiến giới chức EU và Anh không thể gặp trực tiếp và các cuộc đàm phán bị tạm dừng.

Đến cuối tháng 4/2020, đàm phán mới được nối lại qua hình thức trực tuyến, nhưng không mấy hiệu quả do sự khác biệt giữa hai bên trong một loạt vấn đề vẫn quá lớn.

Ngay cả khi hai bên thống nhất tăng cường đối thoại để sớm cùng nhau tìm ra những nguyên tắc chung cho một thỏa thuận, thì việc Chính phủ Anh ngày 9/9 đưa ra dự luật Thị trường nội địa, mà EU cho rằng có những điều khoản vi phạm Thỏa thuận rút lui hai bên ký tháng 10/2019, đã khiến đàm phán hầu như bế tắc.

[Anh hướng tới trở thành trung tâm công nghệ toàn cầu hậu Brexit]

Chính phủ Anh đã tuyên bố từ bỏ các điều khoản được cho là vi phạm Thỏa thuận rút lui, nhưng lòng tin giữa EU và Anh dường như đã bị ảnh hưởng. Hai bên không thể lấp đầy được sự khác biệt trong nhiều vấn đề quan trọng để có thể ký kết được một thỏa thuận tại Hội nghị thượng đỉnh EU giữa tháng 10/2020, như mục tiêu chính phía Anh đặt ra.

Tuy nhiên, do Anh và EU là những thị trường quan trọng của nhau và do những tác động to lớn về kinh tế nếu không đạt được một thỏa thuận hậu Brexit, hai bên lại nhất trí tiếp tục đàm phán và thời hạn 10/12 được đặt ra.

Bất đồng đã khiến Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo rằng nước Anh sẽ phát triển mà không cần thỏa thuận với EU. Mặc dù vậy, một "món quà bất ngờ" đã đến ngay trước Giáng Sinh 2020 khi Anh và EU đạt được thỏa thuận thương mại lịch sử hậu Brexit.

Bước thỏa hiệp quan trọng này sẽ giúp Anh và EU tránh được kịch bản Brexit không thỏa thuận gây tổn hại cho cả hai, giúp các doanh nghiệp hai bên có quyền tiếp cận các thị trường của nhau thuận lợi hơn rất nhiều so với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đảm bảo rằng hàng hóa mua bán giữa hai bên không phải đối mặt với hạn ngạch và thuế quan.

Để có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, thời điểm Anh chính thức cắt đứt mọi ràng buộc thành viên với EU, thỏa thuận dài gần hai nghìn trang này đã được Anh và Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn.

Việc phê chuẩn thỏa thuận thương mại sẽ cung cấp các công cụ cần thiết để đảm bảo việc thực hiện đầy đủ và chính xác các nghĩa vụ mà cả hai bên đã ký kết, cũng như tập trung vào việc tìm ra những giải pháp thực tế để giải quyết các vấn đề cấp thiết, mà trước hết là liên quan tới Nghị định thư Bắc Ireland.

EU “sống sót” qua cơn bão?

Chuyên gia Georg Riekeles - làm việc tại Trung tâm Chính sách châu Âu, trước đây từng là cố vấn của nhà đàm phán Brexit Michel Barnier của EU - nhận định: “EU không chỉ sống sót qua 'cơn sốt' mà còn tiếp tục phát triển.”

Ông cho biết trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về Brexit, đã có một xu hướng dân túy muốn làm tan rã liên minh, ví dụ như chương trình nghị sự của chính trị gia người Pháp Marine Le Pen, chính trị gia người Hà Lan Geert Wilders và các nhà lãnh đạo khác của các đảng cực hữu chống EU.

Thế nhưng, theo nghị sỹ Quốc hội Đức Bernd Lange - một nhà dân chủ xã hội - hiện nay, ngay cả những người theo chủ nghĩa dân túy cực hữu cũng không còn thảo luận về việc rời EU, và Frexit (việc Pháp rút khỏi EU) cũng đã biến mất, “họ chỉ đang nói rằng chúng ta cần thay đổi EU.”

EU vẫn gặp khó khăn bởi sự chia rẽ sâu sắc trong nhiều vấn đề, từ việc giúp đỡ người tị nạn đến khắc phục những sai sót trong liên minh. Ông Riekeles cho rằng trong bối cảnh đó, Brexit đã giúp EU khám phá sự phát triển của mình. Các nước thành viên EU nhỏ hơn đã rất ấn tượng với cách EU đứng sau Ireland trong các tranh chấp với Anh về biên giới với Bắc Ireland.

Cựu Bộ trưởng Pháp phụ trách vấn đề châu Âu Nathalie Loiseau nhận định rằng chính quá trình Brexit đã làm cho 27 quốc gia thành viên quan tâm đến nhau nhiều hơn.

Ông nói: “Brexit khiến mọi người nhận thức rõ hơn về ý nghĩa của việc có một thị trường duy nhất, có một sân chơi bình đẳng và điều này sẽ đóng vai trò trong tương lai của mối quan hệ giữa EU với phần còn lại của thế giới.”

Trong các cuộc đàm phán, ngay cả các nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm cũng thừa nhận rằng tiến trình Brexit đã dạy họ những điều mới mẻ về thị trường chung và liên minh thuế quan của EU.

Rem Korteweg, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Clingendael (Hà Lan), nói: “Để bảo vệ thị trường nội bộ, EU đã chủ động hơn và quyết đoán hơn trong các lĩnh vực kinh tế khác.”

Điều đó đã được duy trì ngay cả sau khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ. Các nhà lãnh đạo EU đã phớt lờ những quan ngại của chính quyền Tổng thống Biden khi đồng ý thỏa thuận thương mại với Trung Quốc vào tháng 12/2020, mặc dù thỏa thuận này hiện giờ đã bị "đóng băng". Trái với Mỹ, EU tìm cách tiếp cận ít đối đầu hơn với Bắc Kinh. Ông Korteweg nói: “EU rất quyết đoán và thậm chí tự tin khi nói rằng EU có câu chuyện của riêng mình để nói rằng thương mại toàn cầu sẽ phát triển như thế nào.”

Mặc dù nhiều người nuối tiếc về sự ra đi của Anh, nhưng Brexit đã giúp EU dễ dàng đạt được tiến bộ hơn đối với các chính sách bị đình trệ từ lâu. Ngay sau cuộc bỏ phiếu Brexit, EU đã kích hoạt các kế hoạch phòng thủ chung vốn vẫn "nằm trên giấy" trong nhiều năm.

Đại dịch COVID-19 cũng dẫn đến một bước đi kinh tế từng được cho là bất khả thi về mặt chính trị: Vay vốn chung từ các thị trường tài chính để tài trợ cho Quỹ phục hồi trị giá 800 tỷ euro.

Theo một số nhà quan sát, Quỹ phục hồi của EU nhấn mạnh sức mạnh của Pháp và Đức, hai chính phủ đã thúc đẩy đề xuất kế hoạch. Có lẽ, nếu phe ủng hộ nước Anh ở lại EU giành chiến thắng vào năm 2016, khó có thể tưởng tượng quỹ này sẽ hiện hữu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.