Mặc dù xuất khẩu và nhập khẩu đều duy trì mức tăng trưởng cao trong 5 tháng qua, song thâm hụt thương mại của Việt Nam cũng quay trở lại.
Xuất khẩu vượt 130 tỷ USD
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy trong tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 26 tỷ USD, giảm 2,1% so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ năm trước tăng 35,6%.
Dù vậy, tính chung 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước.
[Tăng cường biện pháp phòng COVID-19 tại các khu công nghiệp]
Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao gồm điện thoại và linh kiện đạt 21,9 tỷ USD; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 19,5 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 14,9 tỷ USD.
Ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết tác động của làn sóng dịch COVID-19 lần này đã ảnh hưởng ngay đến giá bông thế giới, đẩy mặt hàng nay tăng cao. Nguyên nhân là Ấn Độ - nước đang bị dịch COVID-19 tàn phá nặng nề không xuất khẩu được bông.
Còn ở trong nước, nếu chỉ một công nhân ở doanh nghiệp bị dương tính với COVID-19, hoặc công nhân sống trong vùng có dịch bị phong tỏa, không thể sản xuất được... thì thiệt hại cho doanh nghiệp rất lớn.
“Các đợt dịch trước đã tạo cho doanh nghiệp tính thích ứng cao, luôn luôn cảnh giác và thường trực giải pháp, cũng như rèn người lao động thói quen mới trong thời đại dịch. Do đó khi có đợt dịch thứ 4 này, mọi việc được triển khai nhanh chóng, nghiêm ngặt hơn. Tuy nhiên, chính vì chúng ta đã thành công ở các đợt chống dịch trước nên rất dễ có tâm lý chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch, nên công tác tuyên truyền phải được làm thường xuyên từ xưởng sản xuất đến các phòng, ban tại đơn vị,” ông Cao Hữu Hiếu nói.
Nhờ sự chủ động cao nên dịch COVID-19 dù diễn biến phức tạp, song xuất khẩu hàng dệt may vẫn đạt mức tăng 15%, đem về 12,2 tỷ USD.
Đáng chú ý, xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản cũng ghi nhận sự tăng trưởng tốt. Sau 5 tháng, giá trị kim ngach xuất khẩu của nhóm này ước đạt 10,99 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Thống kê cho thấy Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 37,6 tỷ USD, tăng 49,8% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 20,1 tỷ USD, tăng 26%; thị trường EU đạt 16,1 tỷ USD, tăng 20,8%; thị trường ASEAN đạt 11,5 tỷ USD, tăng 23,7%; Hàn Quốc đạt 8,9 tỷ USD, tăng 17,1%; Nhật Bản đạt 8,4 tỷ USD, tăng 7,7%.
Tập trung ổn định sản xuất
Ở chiều ngược lại, trong tháng 5/2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 28 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước tăng 56,4%.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 131,31 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, kim ngạch nhập khẩu hầu hết các mặt hàng trong 5 tháng đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, đơn cử như: Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 24,7%, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 35,9%, điện thoại các loại và linh kiện tăng 51,3%...
"Hoạt động nhập khẩu có sự gia tăng mạnh mẽ trong 5 tháng đầu năm 2021 nhờ sự mở rộng của lĩnh vực sản xuất đã thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng trong nước," đại diện Bộ Công Thương cho hay.
- Cả nước nhập siêu gần 370 triệu USD trong 5 tháng 2021:
Với kết quả trên, cán cân thương mại hàng hóa tháng 5/2021 thâm hụt 2 tỷ USD. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập siêu 369 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 3,87 tỷ USD).
Do dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, vì vậy việc ổn định sản xuất, đặc biệt tại các khu công nghiệp là hết sức quan trọng. Đây cũng là ưu tiên của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khi làm việc với tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh mới đây.
Theo đó, Bộ trưởng đề nghị Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Vụ thị trường nước ngoài làm việc với các bộ, ngành, địa phương xử lý vướng mắc trong quá trình thông quan hàng hóa tại biên giới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác lưu thông hàng hóa của Việt Nam với các đối tác.
Về sản xuất, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương cần chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch, nghiêm túc thực hiện 5K; chủ động đánh giá mức độ an toàn của dịch COVID-19, cập nhật bản đồ an toàn, sống chung với dịch bệnh để có phương án sản xuất phù hợp.
“Từng cơ sở công nghiệp phải tự đánh giá sự an toàn của cơ sở và xây dựng tốt phương án duy trì sản xuất theo từng cấp độ. Nếu an toàn thì có thể sản xuất 100%, hoặc nếu không được thật sự an toàn thì phải tìm phương án phù hợp theo tinh thần nếu đảm bảo an toàn thì mới sản xuất,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị chức năng hỗ trợ doanh nghiệp tìm nguồn nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, linh kiện là đầu vào để đảm bảo ổn định sản xuất trong nước./.