Đường 9 huyền thoại năm xưa nay trở thành hành lang kinh tế nối Lào-Thái Lan và Myanmar, nối đôi bờ Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, với điểm khởi đầu phía Thái Bình Dương là cảng biển Cửa Việt, cảng biển Mỹ Thủy trên đất Quảng Trị. Quốc lộ 9 là con đường kết nối thúc đẩy sự thịnh vượng, hùng cường của các quốc gia trong khu vực.
Đặc biệt, ngành Công nghiệp năng lượng có sự phát triển vượt bậc. Dọc tuyến Đường 9 nay là địa bàn các huyện: Cam Lộ, Đakrông, Hướng Hóa đã mở ra cho Quảng Trị ngành công nghiệp năng lượng phát triển mạnh, với tổng công suất phát điện cuối nhiệm kỳ 2015-2020 đạt 377MW, tăng gấp 3,7 lần so với đầu nhiệm kỳ, đến cuối năm 2021 phấn đấu đạt hơn 1.000MW.
Lợi thế của Đường 9 đã sớm được Chính phủ Việt Nam, Lào và các nước tiểu vùng sông Mekong phát huy phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Nhộn nhịp giao thương
Quốc lộ 9 dài 97km nối Cảng biển Cửa Việt ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh với thành phố Đông Hà và các huyện Cam Lộ, Đakrông, Hướng Hóa và Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo.
Đây cũng là tuyến giao thông huyết mạch kết nối Việt Nam với các nước Lào, Thái Lan, Myanmar.
Cảng biển Cửa Việt là điểm đầu của Quốc lộ 9 với ba bến cảng có thể đón tàu tải trọng 3.000 tấn, năng lực hàng hóa thông qua cảng khoảng 1,5 triệu tấn/năm.
Tại đây, ngày ngày những tàu hàng có tải trọng lên đến hàng nghìn tấn tấp nập cập bến cảng để nhận và giao hàng.
Theo Chi cục Hải quan cảng Cửa Việt, các mặt hàng xuất khẩu từ đầu năm 2021 đến nay, chủ yếu là dăm gỗ, sản phẩm may mặc, khoáng sản.
Lực lượng chức năng đã phát huy hiệu quả của thủ tục hải quan điện tử, hệ thống thông tin nghiệp vụ hải quan trong khai báo, làm thủ tục đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để thực hiện các thủ tục nhanh gọn cho doanh nghiệp.
[50 năm Chiến thắng Chiến dịch Đường 9-Nam Lào: Ký ức Đồi Không tên]
Dọc Quốc lộ 9 từ Cảng biển Cửa Việt ngược lên Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo là hàng dài xe ngày đêm chở hàng, chở khách. Khu kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo có tổng diện tích trên 15.800 ha được thành lập năm 1998, bao gồm 5 xã và 2 thị trấn trải dài 25km dọc Quốc lộ 9 đoạn qua huyện miền núi Hướng Hóa.
Đến nay khu kinh tế thương mại này đã thu hút khoảng 1.700 tỷ đồng đầu tư vào hệ thống kết cấu hạ tầng. Các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nhiều dự án với gần 3.700 tỷ đồng.
Nhờ vậy mà khu kinh tế thương mại này đã tạo lập được hệ thống cơ sở hạ tầng khá đồng bộ gồm hệ thống giao thông, trung tâm thương mại, siêu thị... nhờ đó hoạt động giao thương ở vùng biên giới này luôn nhộn nhịp.
Giữ vai trò trọng yếu trong giao thương nên tuyến Hành lang Kinh tế Đông-Tây đang quá tải trước sự bùng nổ về vận tải. Do đó việc nâng cấp Quốc lộ 9 là sự mong muốn của cả doanh nghiệp và người dân, nhất khi vùng miền núi phía Tây của tỉnh Quảng Trị đang trở thành trung tâm điện gió của khu vực miền Trung với trên 80 dự án đã và đang thực hiện, có tổng công suất trên 4.000 MW.
Các doanh nghiệp làm điện gió phải vận chuyển rất nhiều thiết bị có trọng lượng và kích cỡ rất lớn trên Quốc lộ 9.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Công ty Cổ phần điện gió Hướng Tân cho biết, các nhà thầu vận chuyển thiết bị điện gió siêu trường siêu trọng nên phải xin cơ quan chức năng dỡ biển hiệu, biển báo, gia cố lại những cây cầu yếu trên Quốc lộ 9.
Người dân sinh sống và kinh doanh ven Quốc lộ 9 cũng nhận thấy rõ việc cần thiết phải nâng cấp tuyến đường này. Bởi Quốc lộ 9 có mặt đường hẹp, đèo dốc cao nên thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, gây ùn tắc trong nhiều giờ gây ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông đến vùng phía Tây của tỉnh Quảng Trị và với các nước Lào, Thái Lan qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo.
Ngoài ra đợt mưa lũ lịch sử hồi cuối năm 2020 đã khiến nhiều điểm trên Quốc lộ 9 bị sạt lở nghiêm trọng, đến nay vẫn chưa khắc phục xong.
Ông Nguyễn Đình Thủy, kinh doanh dịch vụ ăn uống ở ven Quốc lộ 9 đoạn qua xã Tân Long, huyện Hướng Hóa cho biết quốc lộ 9 chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải vốn tăng cao trong những năm trở lại đây. Do đó cần sớm có sự đầu tư nâng cấp tuyến đường này để phục vụ vận tải hàng hóa, nhất là xuất nhập khẩu hàng hóa từ Thái Lan, Lào về Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo.
Nâng cấp Quốc lộ 9 để đáp ứng giao thương
Ngoài Cảng biển Cửa Việt, thời gian tới Quốc lộ 9 còn kết nối thêm với 2 cảng biển gồm Cảng CFG Nam Cửa Việt ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong và Cảng biển nước sâu Mỹ Thủy ở xã Hải An, huyện Hải Lăng.
Trong đó cảng CFG Nam Cửa Việt đang được đầu tư xây dựng với quy mô trên 18ha, nằm đối diện với Cảng biển Cửa Việt hiện có, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 5.000 tấn.
Dự án này có 4 cầu cảng, tổng vốn đầu tư 640 tỷ đồng, thực hiện trong hai giai đoạn 2020-2021 và 2022-2030 với năng lực thông qua cảng lần lượt từ 0,5-1 triệu tấn hàng/năm.
Cảng biển nước sâu Mỹ Thủy đã khởi công cuối năm 2019, có tổng mức đầu tư trên 14.000 tỷ đồng, quy mô 685ha bao gồm 10 bến cảng, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 tấn.
Dự án đầu tư theo 3 giai đoạn từ 2020-2025, 2026-2031 và 2032-2036. Cảng biển này phục vụ chủ yếu cho các khu kinh tế, khu công nghiệp ở Quảng Trị và hàng hóa quá cảnh từ Lào, Thái Lan trên tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây.
Cuối tháng 12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã lựa chọn Khu kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo là một trong số 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm, để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.
Tỉnh Quảng Trị đã đề xuất danh mục các dự án đầu tư trung hạn 2021-2025 tại khu kinh tế thương mại này với số vốn khoảng 2.000 tỷ đồng như xây dựng khu phi thuế quan Lao Bảo, hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu phi thuế quan Lao Bảo.
Trong chiến lược phát triển du lịch của Quảng Trị và các tỉnh, thành khu vực miền Trung, cũng rất chú trong đến thu hút khách trên tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây.
Riêng với Quảng Trị, để thu hút lượng khách trên tuyến hành lang này, tỉnh đã và đang tập trung phát triển tam giác du lịch biển gồm Cửa Tùng-Cửa Việt-đảo Cồn Cỏ cùng hệ thống di tích chiến tranh và du lịch sinh thái, tâm linh.
Do đó Quốc lộ 9 cần được nâng cấp và mở rộng để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa từ các cảng biển, khu công nghiệp lên vùng miền núi phía Tây và xuất khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo.
Ở chiều ngược lại, việc vận chuyển hàng hóa nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo vào sâu nội địa cũng sẽ thuận lợi hơn sau khi Quốc lộ 9 được nâng cấp.
Thực tế Quốc lộ 9 đã và đang được quan tâm triển khai đầu tư nâng cấp. Cụ thể Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ phê duyệt 440 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ Cảng biển Cửa Việt đến Quốc lộ 1A dài gần 14km.
Dự án có quy mô đường cấp II, 4 làn xe, giải phân cách giữa 3m; kinh phí đầu tư dự kiến hơn 440 tỷ đồng; trong đó vốn ODA hơn 387 tỷ đồng, vốn đối ứng 53 tỷ đồng; dự kiến thực hiện từ năm 2021-2023.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, Quốc lộ 9 là một trong các trục giao thông huyết mạch từ Đông sang Tây có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng của tỉnh Quảng Trị nói riêng, khu vực Bắc miền Trung nói chung; đồng thời, là tuyến giao thông huyết mạch kết nối Việt Nam với các nước Lào, Thái Lan, Myanmar.
Hiện trên tuyến đường này có nhiều xe tải trọng lớn vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cảng biển Cửa Việt. Nhu cầu giao thông tăng đột biến, trong điều kiện mặt đường đã bị hư hỏng, rạn nứt lún cục bộ gây đọng nước dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông.
Do nhu cầu vận tải trên Quốc lộ 9 đoạn từ Cảng biển Cửa Việt đến Quốc lộ 1A ngày càng tăng nên việc đầu tư nâng cấp, mở rộng đoạn tuyến Quốc lộ 9 là cần thiết.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, Quốc lộ 9 là tuyến đường độc đạo kết nối hai huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông với khu vực đồng bằng và là tuyến giao thông đối ngoại.
Những phản ánh của người dân, doanh nghiệp về tuyến đường này bị hư hỏng, nhất là sau lũ lụt lịch sử cuối năm 2020, nguy cơ tai nạn giao thông là rất chính đáng.
Trước mắt tỉnh đã và đang tiếp tục sửa chữa những đoạn bị hư hỏng do mưa lũ. Về lâu dài, tỉnh sẽ đưa vào kế hoạch đầu tư công để nâng cấp Quốc lộ 9, trong đó có tính toán đến việc đầu tư tuyến tránh qua các đô thị, góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội./.