Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Italy, trong khuôn khổ Năm Việt Nam-Italy 2023 tại thành phố Turin diễn ra trong hai ngày 8-9/11, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã tổ chức nhiều hoạt động tiếp xúc, trao đổi toàn diện về chính trị, kinh tế và đặc biệt là quảng bá văn hóa.
Trong cuộc gặp Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng sáng 9/11, Phó Thị trưởng thành phố Turin - bà Michela Favaro - nhấn mạnh rằng Turin và các địa phương của Việt Nam có quan hệ lâu dài, tốt đẹp với rất nhiều tiềm năng và cơ hội hợp tác.
Theo bà Favaro, thành phố Turin có thế mạnh về sản xuất công nghiệp, ngành chế tạo và sản xuất ô tô, chuyển đổi năng lượng, số hóa, cũng như trong các lĩnh vực quản lý đô thị, bảo tồn di sản, giáo dục, đào tạo và nghiên cứu, du lịch, tổ chức sự kiện và mong muốn thúc đẩy hợp tác với các địa phương và đối tác Việt Nam trong những lĩnh vực này.
Bà khẳng định lãnh đạo thành phố Turin hoan nghênh và sẽ tích cực phối hợp thực hiện đề xuất quảng bá hình ảnh Việt Nam trên các phương tiện công cộng của thành phố, cũng như tổ chức các đoàn công tác đến Việt Nam để thúc đẩy và tìm kiếm các cơ hội hợp tác với các địa phương của Việt Nam nói chung và đặc biệt là với Thành phố Hồ Chí Minh - địa phương mà Turin có quan hệ kết nghĩa.
Về phần mình, Đại sứ Dương Hải Hưng đã thông tin về những hoạt động chính mà Đại sứ quán và các đối tác tại Turin đang tích cực tổ chức trong khuôn khổ chương trình Năm Việt Nam-Italy tại Turin.
Đại sứ cho rằng hai bên cần đẩy mạnh hơn nữa quan hệ song phương, trong đó có việc tăng cường hợp tác giữa Turin và Thành phố Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý đô thị, văn hóa, bảo tồn di sản, cũng như sáng kiến tổ chức Năm Việt Nam tại Turin và Năm Italy tại Thành phố Hồ Chí Minh, được đưa ra trong chuyến thăm Turin vừa qua của Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan.
Đại sứ cũng bày tỏ mong muốn Turin sẽ xác định Việt Nam là quốc gia ưu tiên trong chính sách quốc tế hóa, thúc đẩy thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chính sách chuyển đổi kinh tế Việt Nam theo hướng xanh, số hóa, bền vững, tuần hoàn trong thời gian tới.
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam-Turin, được Đại sứ quán Việt Nam tại Italy phối hợp với Hội đồng Văn hóa Kinh tế châu Á và Lãnh sự Danh dự Việt Nam tại Turin tổ chức tối 9/11, Đại sứ Dương Hải Hưng nhấn mạnh đây là sự kiện quan trọng để hai bên trao đổi và chia sẻ thông tin, tăng cường, thúc đẩy kết nối hợp tác kinh doanh, thương mại, đầu tư, góp phần khai thác tối đa tiềm năng hợp tác còn rất lớn giữa các địa phương của Việt Nam với Turin.
Đại sứ Dương Hải Hưng đánh giá Turin và vùng Piedmonte có nhiều thế mạnh về sản xuất công nghiệp, chế tạo ôtô, ngân hàng, dịch vụ... phù hợp với nhu cầu đang gia tăng của Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghiệp nền tảng, công nghiệp cơ bản, chế tạo, sản xuất máy móc, nông nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu, sáng tạo, dịch vụ ngân hàng, tài chính.
Đại sứ cam kết Đại sứ quán sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng các công ty, tập đoàn, doanh nghiệp Italy trong mọi cơ hội kinh doanh, làm ăn với Việt Nam, đồng thời giới thiệu chính sách thị thực mới 45 ngày với hy vọng thúc đẩy khách du lịch và doanh nghiệp sang Việt Nam.
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Guido Bolatto - Tổng Thư ký Phòng Thương mại Turin - nhấn mạnh rằng sự hiện diện đông đảo các công ty uy tín của địa phương như Lavazza, Aurora, Pinifarina… tại sự kiện này cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng tại Turin đối với Việt Nam, đồng thời cho rằng đây là thời điểm thuận lợi để thúc đẩy hợp tác toàn diện và mạnh mẽ mới với Việt Nam.
Chủ tịch Hội đồng Văn hóa Kinh tế châu Á - ông Fulvio Albano khẳng định diễn đàn này là cầu nối để thúc đẩy cơ hội kinh doanh giữa các doanh nghiệp Turin với Việt Nam, một thị trường đầy tiềm năng và là cửa ngõ vào Đông Nam Á.
Thậm chí có thể nói thành phố Turin đã là “trung tâm Việt Nam” tại Italy với Hiệp hội Quốc gia Italy Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam, Thư viện Enrica.
Phòng Thương mại Turin, với sự hỗ trợ của Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Turin, Tiến sĩ Sandra Scagliotti, đã xuất bản cuốn sách hướng dẫn kinh tế đầu tiên về Việt Nam, mang tên “Văn hóa Việt Nam và đầu tư" từ năm 1996.
Trong bài trình bày về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, Tham tán thương mại Việt Nam tại Italy Dương Phương Thảo nhấn mạnh 10 lý do nên đầu tư tại Việt Nam, gồm vị trí chiến lược; nền kinh tế đang phát triển; chính phủ ổn định với tầm nhìn kinh tế vững chắc; sự dễ dàng trong kinh doanh, lực lượng lao động lớn, trẻ; các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu thương mại và trung tâm dân cư phát triển tốt; môi trường đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ; chi tiêu tiêu dùng ngày càng tăng; mạng lưới các bên ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 18 FTA; và tích hợp với các khung pháp lý.
[Những nét tương đồng giúp thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Italy]
Trong khuôn khổ chương trình hoạt động tại Turin, Đại sứ Dương Hải Hưng cũng đã đi thăm và tiếp xúc với lãnh đạo các doanh nghiệp nổi bật của Turin như công ty sản xuất bút máy cao cấp Aurora và tập đoàn sản xuất càphê Lavazza.
Đại sứ Dương Hải Hưng đánh giá cao chất lượng các sản phẩm của Italy, cho rằng hiện có rất nhiều tiềm năng hợp tác trong quá trình sản xuất cũng như phân phối các sản phẩm này.
Hai bên thảo luận một số biện pháp cụ thể nhằm tăng cường kết nối các giữa các công ty Turin với các doanh nghiệp Việt Nam thông qua các hoạt động như xúc tiến các chuyến thăm và tiếp xúc doanh nghiệp phân phối hàng cao cấp Việt Nam, các nhà sản xuất chất liệu mỹ nghệ cao cấp, các địa phương sản xuất càphê tại Việt Nam, cũng như việc tổ chức các sự kiện như Ngày Càphê Việt tại Turin trong thời gian tới.
Cũng nhân dịp này, Đại sứ quán đã tổ chức chương trình quảng bá và trao đổi văn hóa Việt Nam tại trường Đại học Turin, bao gồm triển lãm mỹ thuật do các nghệ sĩ của Dự án Ngoại giao Văn hóa và Xúc tiến Mỹ thuật Việt Nam thực hiện; buổi giới thiệu ẩm thực truyền thống Việt Nam và diễn đàn trao đổi về những sự tương đồng giữa Việt Nam và Italy.
Chương trình có sự tham dự của lãnh đạo trường Đại học Turin, bao gồm: Hiệu trưởng, Giáo sư Stefano Geuna; Trưởng Khoa Ngoại ngữ, Văn học và Văn hóa hiện đại, Tiến sĩ Matteo Milani; Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Turin Sandra Scagliotti; Chủ tịch Hội đồng Văn hóa Kinh tế châu Á, ông Fulvio Albano; cùng đông đảo các giáo sư, sinh viên, bạn bè Italy và cộng đồng người Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Hiệu trưởng Stefano Geuna cho biết trường Đại học Turin đã có mối quan hệ truyền thống lâu dài với Việt Nam, với nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam nổi tiếng.
Trường đang có kế hoạch mở khoa Tiếng Việt trong năm 2024, dự kiến là trường đại học thứ 3 tại Italy giảng dạy môn tiếng Việt sau Đại học Đông Phương Napoli và Đại học Ca Foscari, qua đó trở thành cầu nối quan trọng để thúc đẩy quan hệ Italy-Việt Nam.
Các khách mời đã được thưởng thức một số tác phẩm hội họa và nghệ thuật Việt Nam trên chất liệu sơn dầu và sơn mài truyền thống, cũng như nghệ thuật mosaic, thể hiện vẻ đẹp của con người, thiên nhiên và cảnh sắc Việt Nam. Người tham dự cũng được nếm thử một số món ăn truyền thống của Việt Nam như nem rán, bánh hỏi, nem lụi, bánh xu xê, kẹo dồi, kẹo lạc.
Cũng nằm trong khuôn khổ của chương trình này là một talk show đặc biệt, với sự tham gia của các chuyên gia về văn hóa của hai nước, chia sẻ và trao đổi những quan sát của mình về những nét tương đồng đáng chú ý giữa Việt Nam và Italy, mang đến những khám phá mới mẻ về hai đất nước, tuy nằm xa nhau về địa lý nhưng rất tương đồng về văn hóa.
Năm Việt Nam-Italy 2023 tại thành phố Turin đã rất thành công khi nhận được sự quan tâm nhiệt tình và đông đảo của bạn bè Italy, khẳng định vai trò và vị trí của thành phố Turin trong việc thúc đẩy mối quan hệ ngày càng tốt đẹp giữa Việt Nam và Italy./.